Xâm hại di sản thời mạng xã hội

19/10/2019 09:15

Với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, bất kỳ người bình thường nào cũng có thể gây nên những “cơn bão mạng”...

Trong lúc dư luận xã hội chưa nguôi sự bất bình, lo lắng về công trình tổ hợp nhà hàng, quán cà phê và khách sạn Mã Pì Lèng Panorama xây dựng không phép trên đèo Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc, Hà Giang) thì một nhóm 4 người đàn ông đã tổ chức diễu hành bằng xe phân khối lớn trên con đèo này trong tình trạng gần như khỏa thân.

Màn trình diễn phản cảm được phát trực tiếp trên trang Facebook cá nhân của 1 trong 4 người vốn có đông đảo người theo dõi. Nhiều người đã bày tỏ sự bất bình với cách làm lố lăng được chủ nhân khoác cho tấm áo mỹ miều “nhằm bảo vệ môi trường”.

Đây không phải lần đầu tiên dư luận phẫn nộ với những người khoe cơ thể một cách trần trụi, kệch cỡm tại điểm du lịch nổi tiếng thông qua mạng xã hội.

Trong tháng 9 vừa qua, một cô gái cũng khiến cư dân mạng “dậy sóng” khi đăng đoạn clip ngắn ghi lại cảnh cô khỏa thân cầm nón che ngực trên nóc nhà ở phố cổ Hội An.

Trước đó, một cặp đôi chụp ảnh cưới khỏa thân tại khu rừng thuộc thắng cảnh cấp quốc gia hồ Tuyền Lâm (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) cũng bị lên án mạnh mẽ...

Việc khoe thân này không nhận được sự đồng tình từ dư luận bởi nó không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt và những nơi được chọn để trình diễn đều là những di sản nổi tiếng, thu hút đông đảo khách du lịch từ nhiều nơi trên thế giới.

Khi những hình ảnh phản cảm lưu truyền trên mạng xã hội có thể tạo những cái nhìn thiếu thiện cảm về văn hóa, con người Việt Nam khiến khách du lịch e dè hơn khi tới những nơi này.

Vụ việc 4 người đàn ông khỏa thân trên Mã Pì Lèng đã xuất hiện trên báo chí Hàn Quốc và cũng không được người đọc nước này ủng hộ.

Bên cạnh những tác động trực tiếp tới cảnh quan, môi trường thì việc bôi xấu bằng những hình ảnh trần trụi tại các di sản trên mạng xã hội cũng là một sự xâm hại cần ngăn chặn, nhất là khi ngày càng có nhiều người lợi dụng việc này để thu hút sự chú ý.

Bên cạnh sự phản đối, lên án từ dư luận thì hiện nay chưa có quy định cụ thể nào để xử phạt những hành vi này. Thông tư 01/2016/TT-BVHTTDL do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành có quy định cấm người biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, người đoạt danh hiệu tại các cuộc thi người đẹp, người mẫu chụp ảnh, ghi hình hình ảnh cá nhân không có trang phục hoặc sử dụng trang phục, hóa trang phản cảm và vô ý hoặc cố ý phổ biến, lưu hành trên mạng viễn thông.

Nhưng quy định này lại không áp dụng được với những đối tượng gây lùm xùm gần đây bởi họ không phải là nghệ sĩ, người mẫu, hoa khôi, hoa hậu. Vì vậy, khi những vụ việc đó xảy ra, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đều lúng túng, không biết xử lý ra sao.

Với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, bất kỳ người bình thường nào cũng có thể gây nên những “cơn bão mạng” và mọi người đều có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn hình ảnh cho các di sản nên cần có sự điều chỉnh các quy định để bất kỳ cá nhân nào cũng sẽ bị xử phạt nếu xâm hại di sản bằng những hành động phản cảm.

Khi những hình ảnh như vậy lưu truyền trên mạng xã hội, người dùng nên sử dụng chức năng báo cáo nội dung nhạy cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục để những người quản lý mạng xã hội kịp thời gỡ bỏ; không nên tò mò tìm xem để tăng lượt xem, tương tác vốn là mục đích của những người muốn nổi tiếng bằng tai tiếng.

THÁI HÒA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xâm hại di sản thời mạng xã hội