Ngày xuân nói chuyện bản sắc con người xứ Đông

13/02/2021 06:08

Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 xác định văn hóa và con người Hải Dương là một trong ba nền tảng phát triển của tỉnh. Vậy đâu là bản sắc con người xứ Đông? Làm gì để phát huy bản sắc ấy?

Tài hoa, nhân hậu, kiên trung

Bản sắc con người xứ Đông gắn bó chặt chẽ với truyền thống văn hóa xứ Đông. Mảnh đất “phên giậu phía đông của kinh thành Thăng Long” xưa giàu truyền thống văn hóa, khoa cử và truyền thống yêu nước. Thời đại nào xứ Đông - Hải Dương cũng có những nhân vật kiệt xuất, được lưu danh trong sử sách, từ những anh hùng dân tộc, tướng lĩnh tài ba đến các nhà thơ, nhà văn, nghệ nhân nổi tiếng. Thiên nhiên ban tặng cho xứ Đông sự tươi tốt, trù phú, núi sông cẩm tú, hài hòa. Hệ thống di tích lịch sử đa dạng, phong phú. Bởi vậy, bản sắc con người xứ Đông là tài hoa, nhân hậu, kiên trung. Bản sắc ấy kết thành truyền thống đẹp đẽ xuyên suốt chiều dài lịch sử. 

Trong thời kỳ hiện tại, hướng tới hội nhập toàn cầu, con người xứ Đông - Hải Dương nói riêng, con người Việt Nam nói chung luôn phải trân trọng các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp để tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển và hòa nhập. Để phát huy bản sắc con người xứ Đông, điều đầu tiên là phải chú trọng xây dựng nguồn nhân lực. Xây dựng nguồn nhân lực cần được hiểu theo nghĩa rộng, chứ không chỉ là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo mà quan tâm giáo dục, đào tạo toàn diện con người, cả kiến thức, đạo đức và kỹ năng.

Song song với xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, cần tạo điều kiện tối đa để ưu đãi nhân tài, để những người có tài năng, phẩm chất được trọng dụng. Việc giáo dục truyền thống bằng nhiều hình thức, chú trọng phát triển văn hóa, đặc biệt quan tâm đến văn hóa ứng xử, văn hóa công sở là nền tảng quan trọng để phát huy bản sắc đẹp đẽ của con người xứ Đông.

TS NGUYỄN THỊ VIỆT NGA
Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh


Vùng đất khoa bảng, giàu truyền thống hiếu học

Nhắc về bản sắc con người xứ Đông, tôi nhớ đến nhận định của Nguyễn Trãi trong “Dư địa chí” rằng: “Người xứ Đông ăn sóng, nói gió”. Ý nói con người ở đây sống phóng khoáng, thật thà, không màu mè kiểu cách. Hồi đó, xứ Đông có sông, có biển, người dân chủ yếu làm nông nghiệp, đánh bắt cá… cuộc sống lao động tạo nên những con người tảo tần, chân chất. Tôi nghĩ đó vẫn là cốt lõi bản sắc của người xứ Đông hôm nay.

Quay lại tiến trình lịch sử, sở dĩ nhắc đến Hải Dương người ta nhắc ngay đến xứ Đông bởi đây vốn là một trong tứ trấn bao quanh kinh thành Thăng Long xưa. Văn hóa xứ Đông vốn có nhiều nét độc đáo, đất xứ Đông cũng là nơi địa linh, nhân kiệt, sản sinh nhiều nhân tài nên nhắc đến bản sắc người xứ Đông thì giàu truyền thống hiếu học là yếu tố nổi bật. 

Người xứ Đông cũng anh dũng, kiên cường thể hiện qua chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước đã ghi danh những anh hùng quả cảm như Khúc Thừa Dụ, Trần Khánh Dư, Yết Kiêu, Nguyễn Chế Nghĩa, Nguyễn Hữu Cầu... Người xứ Đông còn sớm biết nắm bắt thời cơ để phát triển các ngành nghề. Từ xa xưa, thợ thủ công các ngành nghề truyền thống đã biết tìm đến kẻ chợ để phô diễn tài hoa tay nghề và nhanh chóng nổi tiếng, góp phần hình thành, phát triển 36 phố phường Thăng Long - Hà Nội ngày nay… Hiếm vùng đất nào có nhiều yếu tố thuận lợi về địa lý mà con người lại hội tụ những bản sắc tinh hoa như Hải Dương. Đây là niềm tự hào và cũng là thách thức với mai sau, đòi hỏi phải phát huy, vận dụng kinh nghiệm của thế hệ trước một cách linh hoạt để Hải Dương ngày càng phát triển.

Ông LƯU ĐỨC Ý
Nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa Hải Dương, hội viên Hội Sử học tỉnh

Thân thiện, biết tận dụng sức mạnh của tinh thần đoàn kết

Tôi đã chọn Hải Dương là nơi dừng chân đến nay đã được hơn 5 năm. Lựa chọn của tôi là hoàn toàn đúng, nhất là khi tôi đã gặp được vợ mình ở đây.

Như người Việt Nam có câu là “quê hương thứ hai”, 5 năm qua, tôi đã đi, khám phá Hải Dương nhiều hơn và thấy được sự gắn bó từng ngày. Vùng đất này có nhiều di tích, thắng cảnh đẹp mà ấn tượng với tôi nhất là Côn Sơn, một di tích nằm giữa rừng rất yên bình, không khí trong lành. Còn về con người, cũng như đất nước Nam Phi nơi tôi sinh ra, ở đâu cũng có người tốt và người xấu, nhưng hầu hết những người ở Hải Dương tôi gặp đều thân thiện, hòa đồng. Sự quan tâm của họ dành cho những người đến từ vùng đất khác như tôi làm cho tôi không cảm thấy bị lạc lõng.

Tôi không thể nhớ chính xác mình đã dạy bao nhiêu học trò, có lẽ cũng hàng trăm người, nhưng ấn tượng của tôi về các bạn ấy là chăm chỉ, ham học hỏi. Vốn tiếng Anh của nhiều học sinh Hải Dương còn hạn chế, đa số khi đến với tôi đều phát âm sai căn bản nhưng nhờ luôn cố gắng mà tiến bộ từng ngày. Tôi đánh giá cao sự nỗ lực này. Một điều tôi cũng ấn tượng ở người Hải Dương là các bạn khá đoàn kết, điều tôi được chứng kiến gần đây nhất là các học viên hào hứng kể về chuyện phòng chống dịch Covid-19, hay ủng hộ đồng bào bị lũ lụt… Tôi biết đó là phẩm chất tốt của không chỉ người Hải Dương mà cả Việt Nam. Tôi nghĩ tinh thần đoàn kết ấy cần luôn được bồi đắp và phát huy, còn nết chăm chỉ, ham học hỏi ở mỗi người không bao giờ là thừa. Mỗi người ham học hỏi, tiến bộ sẽ giúp gia đình, địa phương, đất nước đi lên.

NICHOLAS YOUNG
Giảng viên tiếng Anh ở TP Hải Dương

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngày xuân nói chuyện bản sắc con người xứ Đông