Nỗi oan của tướng Nguyễn Phục

13/04/2018 18:03

Vào thời vua Lê Thánh Tông dẫn quân đi chinh phạt Chiêm Thành, tại làng Nước Mặn, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng ngày nay đã xảy ra vụ án oan sai mà không bao giờ sửa nổi.

Tọa lạc bên đường K20, lăng này đang thờ chung 3 ngôi miếu, trong đó có miếu thờ tướng Nguyễn Phục

Nguyễn Phục (sinh năm 1433), quê thôn Đông, xã Đoàn Tùng, huyện Trường Tân, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay là xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương). Theo bản dịch từ sách “Ô châu cận lục” của Dương Văn An, năm 1453, ông thi khoa Quý Dậu, đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ, được vua Lê bổ làm quan Hàn lâm Viện Đông các Đại học sĩ rồi tiếp tục được ban chức Phó tả Thị giảng.

Năm 1470, Nguyễn Phục được vua Lê Thánh Tông  phong chức Đô chỉ huy sứ đốc, phụ trách quân nhu của triều đình. Để chinh phạt Chiêm Thành quấy phá, lấn lướt phía Nam, vua Lê Thánh Tông liền xuất lực lượng binh chiến bằng đường bộ và đường thuỷ. Nguyễn Phục là tướng trực tiếp chỉ huy đoàn thuyền vận chuyển lương thực để nuôi quân đánh giặc.

Tháng 10.1470, đoàn thuyền lương nhu của ông đi tới cửa Lạch Trào, còn gọi là cửa Lạch Hới ở Sầm Sơn (Thanh Hoá) thì mây đen ùn ùn phủ kín bầu trời, rồi một cơn bão tố mạnh tràn đến, sóng dập từng đợt dữ dội, tàu thuyền ngả nghiêng và có nguy cơ bị đắm chìm. Vẫn biết đoàn thuyền vận chuyển lương nhu đến trễ thì quân lính vua Lê sẽ bị đói khát và chiếu theo luật lệ của triều đình có thể xử trảm. Song nhằm tránh thiệt hại vật chất và tính mạng binh lính trên các chuyến thuyền ấy, Nguyễn Phục cho các thuyền dừng lại để tìm nơi tránh bão an toàn. Ông nói với các thuộc hạ cùng đi: “Thà để mình ta chịu chết chứ không nỡ để đoàn quân lương chìm sâu dưới đáy biển. Thuyền chìm không những ta chết, các khanh chết mà đại quân ta cũng chết vì không có cái gì để ăn”.

Khi trời quang, mây tạnh, gió dừng, Nguyễn Phục cho đoàn thuyền tiếp tục lên đường và tới Bãi Nam, Sơn Trà, nơi đại quân của vua Lê tạm dừng chân nghỉ ngơi, chờ đợi phân phát lương thực, thực phẩm để chuẩn bị mở trống, giương cờ tiến đánh quân Chiêm Thành đóng tại Cửa Đại, Hội An. Do tránh bão nên đoàn thuyền lương nhu tới nơi bị trễ mất mấy ngày. Bực bội vì đoàn thuyền lương nhu đến chậm, lại có bọn gian thần xúi giục, vua Lê Thánh Tông ghép Nguyễn Phục vì tội bất tuân. Các quan Bộ Hình liền gông cổ Nguyễn Phục ngay tại Bãi Nam, nơi đoàn thuyền đang tạm dừng chờ xuất trận.

Sau đó, Nguyễn Phục bị áp giải về làng Nước Mặn (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn bây giờ) để thi hành tội chết. Nhận thấy rõ Nguyễn Phục bị xử chém quá oan ức, quan lại Bộ Hình liền làm ngay sớ tấu trình lên vua Lê Thánh Tông để minh oan và xin vua lượng thứ mà tha tội chết cho Nguyễn Phục.

 Ngẫm thấy Nguyễn Phục không phạm tội bất tuân mà do điều kiện, hoàn cảnh thiên tai bất khả kháng cũng như tấm lòng trung và ý chí, trách nhiệm trong việc bảo vệ tài sản cũng như tính mạng binh lính, sáng 20.10 năm Canh Dần 1470, vua Lê Thánh Tông đổi ý, liền sai quân cầm lệnh bài tha tội chết đến nơi hành hình, song không kịp. Năm đó, tướng Nguyễn Phục vừa tròn 37 tuổi.

Hay tin Nguyễn Phục không còn trên cõi đời này nữa bởi lệnh bài không truyền đạt kịp thời, vua Lê Thánh Tông vô cùng tiếc thương cho vị tướng tài ba, trung hiếu, bèn phong cho ông hai chữ “phúc thần”. Thi hài của ông được dân làng nơi ông bị hành tử chôn cất đàng hoàng. Cũng có chuyện được truyền từ đời này sang đời khác rằng: ngoài ngôi mộ của ông ra, hồi đó còn có một số ngôi mộ khác ở bên cạnh. Đó chính là mộ của các quan, tướng dưới quyền Nguyễn Phục đã tự sát khi chứng kiến cấp trên của mình bị trừng phạt một cách đớn đau, nghiệt ngã. Họ tự kết thúc cuộc đời binh nghiệp của mình để tỏ rõ tấm lòng trung với tướng quân dũng cảm Nguyễn Phục.

Sau đó không lâu, mộ ông được dời về mai táng tại Nam Đường (nay thuộc xã Quảng Trường, TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá), nơi ông cho dừng đoàn thuyền lương nhu để tránh bão. Thương tiếc cho cái chết oan của vị tướng vì đại nghiệp, dân làng Nước Mặn - nơi ông bị xử chém liền dựng một cái miếu nhỏ sát bên bờ Hàn giang, gần nơi tiếp giáp với Lộ Cảnh giang (sông Cổ Cò), thường gọi là Miễu Một để làm nơi thờ cúng Nguyễn Phục. Con trai ông là Hoàng giáp Nguyễn Đạm, đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ năm 1514 lại di dời mộ cha về cải táng tại quê nhà xã Đoàn Tùng, huyện Trường Tân, trấn Hải Dương và xây lăng thờ.

Quanh cái chết của Nguyễn Phục cũng lưu truyền lại câu chuyện là sau khi quân của vua Lê Thánh Tông đánh thắng giòn giã đạo quân Chiêm Thành thì rút quân về  đường biển. Trên đường đi gặp phải một cơn bão hung dữ làm vua rất lo lắng nên các đoàn thuyền chiến phải dừng lại tránh bão. Trong giấc ngủ chập chờn đêm đó, vua Lê Thánh Tông mơ thấy Nguyễn Phục xuất hiện xin được hộ giá vua trở về. Sáng ra tỉnh giấc, thấy sóng yên, biển lặng nên càng xót xa cái chết bi thương, oan nghiệt của Nguyễn Phục. Vua liền sắc phong truy tặng làm “Thần đông Hải long Vương”.

Đến năm Kỷ Mùi 1499, vua Lê Hiến Tông kế vị vua cha Lê Thánh Tông vừa được 2 năm liền phong là “Vân trung Chính nghị, lại gia phong Minh đạo Hiển ứng Thượng đẳng thần”. Sau đó, vua Lê Dụ Tông cũng sắc phong cho ông là “Phúc thần tước Uy linh hiển Ứng dực Thánh hộ Quốc phù Tộ bảo an Thượng đẳng thần”.

Trải qua bao biến cố thăng trầm của thời gian, Miễu Một hư hỏng và bị sạt lở, năm 1996, dân phường Bắc Mỹ An (cũ) xây một cái lăng thờ cạnh đường K20, nay là phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn rồi dời Miễu Một cùng với hai ngôi miếu khác là Tấn Sĩ tiền hiền và Thành Hoàng bổn xứ trên địa bàn phường về thờ chung trong lăng này.  

THÁI MỸ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi oan của tướng Nguyễn Phục