Chùa Đan Tràng - Cơ sở cách mạng một thời

07/05/2019 10:39

Chùa Đan Tràng là niềm tự hào của mỗi người dân xã Đức Chính bởi đây không chỉ là một công trình văn hóa, kiến trúc có bề dày lịch sử mà còn là cơ sở cách mạng một thời.


Chùa Đan Tràng được xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 2003

Chùa Đan Tràng còn được gọi theo tên tự là chùa Phúc Quang. Di tích này là niềm tự hào của mỗi người dân xã Đức Chính (Cẩm Giàng) bởi đây không chỉ là một công trình văn hóa, kiến trúc có bề dày lịch sử mà còn là cơ sở cách mạng một thời.

Căn cứ vào hệ thống bia ký lưu giữ tại di tích cho biết chùa Đan Tràng xây dựng từ khá sớm, trùng tu, tôn tạo và mở rộng vào các năm Chính Hòa 12 (1691), Chính Hòa 17 (1696), Chính Hòa 20 (1699)..., kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 5 gian tiền đường và 3 gian thượng điện xây bít đốc bổ trụ, tọa lạc trên một khu đất cao, thoáng rộng. Ngoài công trình chính còn có 2 nhà hành lang, 1 gác chuông và 3 gian nhà tổ, tất cả đều bằng gỗ tứ thiết chắc chắn. Phía trước chùa là đình Đan Trang, bao bọc xung quanh là vườn cây xanh tốt bốn mùa, tạo không gian khu di tích thêm vẻ tôn nghiêm, u tịch nhưng cũng rất gần gũi, dung dị đời thường.

Di tích thờ Phật theo thiền phái Đại thừa, đồng thời đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng lành mạnh của nhân dân địa phương. 

Năm Bảo Đại 11 (1936), chùa Đan Tràng tiếp tục được tu sửa và trở thành một trong những ngôi chùa có quy mô lớn và to đẹp trong vùng.

Chùa không chỉ là nơi thờ Phật mà còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương. Đầu năm 1945, sư Thức (người trụ trì tại chùa) đã tham gia hoạt động cách mạng bí mật, nuôi dấu cán bộ tại đây. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954), Đan Tràng nói riêng và xã Đức Chính nói chung có phong trào cách mạng khá phát triển, nhiều đội du kích hình thành, phối hợp hoạt động với bộ đội chủ lực chặn đánh ca nô địch trên sông Thái Bình, gây tổn thất nặng nề cho quân Pháp. Vào những thời điểm ác liệt, bộ đội chủ lực thường lấy chùa Đan Tràng làm cơ sở để tập trung trú ẩn, bảo toàn lực lượng và họp bàn kế sách đánh địch. Nhận thấy vị trí lợi hại này, thực dân Pháp đã tiến hành do thám và tổ chức càn quét nhiều lần hòng vây bắt cán bộ kháng chiến nhưng đều thất bại. Trong trận càn ngày 27 tháng giêng năm 1947, thực dân Pháp đã bắt được nhà sư Trần Văn Thức sau khi gõ chuông chùa báo động cho bộ đội rút lui an toàn. Chúng đã tra tấn dã man nhưng không khai thác được gì liền đưa sư Thức ra nghè Đan Tràng bắn chết. Đầu năm 1954, quân Pháp từ bốt Tiên Kiều (Cẩm Giàng) kéo về càn quét và đốt phá di tích, do đó nhiều hạng mục của chùa như gác chuông, 2 dãy hành lang và nhà tổ bị xuống cấp và hư hại hoàn toàn.

Trải qua thời gian và chiến tranh, hiện nay, chùa có kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 5 gian tiền đường và 3 gian thượng điện làm nơi bài trí tượng Phật. Các pho tượng bài trí cân đối hài hòa gồm 35 pho các loại, chất liệu gỗ, trong đó có 5 pho niên đại vào thời hậu Lê (thế kỷ XVIII), còn lại là thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Đây là những tác phẩm điêu khắc nghệ thuật giá trị. Ngoài hệ thống tượng Phật, tại chùa còn có một số di vật, cổ vật khác, đặc biệt hệ thống bia ký niên đại vào thời Lê và thời Nguyễn là các văn bản quan trọng ghi lại cho hậu thế về chế độ ruộng đất, tổ chức xã hội, tên làng xã và những người công đức xây dựng, tu bổ ngôi chùa qua các thời kỳ góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của xứ Đông ngàn năm văn hiến. 

Chùa Đan Tràng đã được Nhà nước xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 2003.

ĐẶNG THU THƠM

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chùa Đan Tràng - Cơ sở cách mạng một thời