Đình làng Mạn Đê và sự tích về tướng quân Hoàng Hồng

08/05/2019 09:29

Đình Mạn Đê, xã Nam Trung (Nam Sách) tọa lạc giữa nơi dân cư đông đúc.


Đình làng Mạn Đê

Đình xưa xây dựng trên thế đất hình con rùa, quy mô lớn, bề thế trong một quần thể kiến trúc gồm đình, chùa, nghè, văn chỉ. Di tích thờ thành hoàng là tướng quân Hoàng Hồng, người có công giúp vua Lý Nhân Tông đánh giặc Ai Lao vào thế kỷ XII.

Ngọc phả tại đình ghi rằng: Vào thế kỷ XII, tại trang Tiêu Sơn, huyện An Thường, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc có một gia đình danh giá họ Hoàng, tên húy là Nghiêm, vợ tên húy là Phương, gia tộc vốn dòng dõi thi thư. Đến đời Nghiêm Công chẳng may gia tài khánh kiệt, tuổi đã cao nhưng chưa có con nối dõi nên trong lòng rất muộn phiền. Hai vợ chồng liền bàn nhau đi chu du thiên hạ. Đến trang Đê Đề, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách (nay là thôn Mạn Đê, xã Nam Trung, huyện Nam Sách), thấy dân chúng thuần hậu, thế đất linh thiêng, hai vợ chồng bèn ở lại. Trong trang, có gia đình phú ông họ Lương, tên là Khoát Công, thấy vợ chồng Nghiêm Công nhân từ, phúc hậu nên cho ở nhờ và giúp đỡ của cải để lập nghiệp. Được 3-4 năm, nghe tin chùa Nghiêm Quang, trang Hậu Bổng, huyện Thường Tân, phủ Hạ Hồng linh thiêng, hai vợ chồng sửa soạn hoa lễ, tìm đến cầu tự. Một thời gian sau, Phương nương có thai, sinh được một người con trai, diện mạo khôi ngô tuấn tú khác hẳn người thường. Hai vợ chồng rất mực cưng chiều, đặt tên là Hoàng Hồng, năm 12 tuổi cho đi học, tới năm 18 tuổi đã văn võ song toàn. Năm đó, có giặc Ai Lao đến xâm chiếm nước ta, vua Lý Nhân Tông lo lắng, triệu tập đình thần bàn kế đánh giặc và mở trường thi tuyển chọn người tài. Hoàng Hồng đến ứng tuyển và được vua chọn phong tước Đại tướng quân, giao thống lĩnh ba vạn tinh binh tiến quân đến tận đồn quân giặc chiếm đóng, quyết chiến. Đồn giặc bị phá tan tành, quân tướng bị giết nhiều không kể xiết, số sống sót vội vã bỏ chạy về nước. Giặc đã được dẹp yên, tin thắng trận cáo cấp báo về, nhà vua vô cùng mừng rỡ bèn mở đại tiệc vời Hoàng Hồng hồi triều khao thưởng, ban cho 100 lạng bạc, 100 súc lụa. Bái yết xong, Hoàng Hồng xin vua trở về bản quán lễ vọng mộ tổ tiên đường, khi tới địa phận giáp giới với bản quán, tự nhiên trời đất tối sầm, sấm động vang trời, Hoàng Hồng tự nhiên hóa (ngày 25.11). Nhân dân đến đã thấy đất dồn thành một ngôi mộ lớn, giống tựa hình đầu rồng bèn hành biểu tâu lên triều đình. Vua vô cùng thương xót liền truyền lệnh sai đình thần đến hành lễ, lại ban cho nhân dân 300 quan tiền, miễn binh lương ba năm và cho phép bản trang lấy đó làm tiền của công hương đăng phụng thờ mãi mãi. Đồng thời, truyền cho dân lập miếu thờ, khen phong mỹ tự “Chân uy Dũng cảm Đại vương”.

Do có công lao với dân, với nước, Hoàng Hồng được các triều Nguyễn ban tặng nhiều sắc phong vào các năm: Gia Long thứ 9 (1810), Tự Đức thứ 6 (1853), Tự Đức thứ 33 (1880), Đồng Khánh thứ 2 (1887) và Khải Định thứ 2 (1917).

Để tưởng nhớ, tri ân công đức của tướng quân Hoàng Hồng, dân làng Mạn Đê đã xây dựng đình thờ phụng và tôn ông làm thành hoàng. Theo trí nhớ của các bậc cao niên trong làng được kể lại, ban đầu đình Mạn Đê có quy mô nhỏ, đến thời hậu Lê xây lại với quy mô lớn, kiểu chữ đinh gồm 5 gian đại bái, 7 gian trung từ và 3 gian hậu cung. Năm 1947, phong trào cách mạng của địa phương phát triển mạnh, đình Mạn Đê được chọn làm nơi trú ẩn của bộ đội và dân quân du kích. Thực dân Pháp đã tổ chức nhiều đợt càn quét nhằm triệt phá các cơ sở kháng chiến. Chúng đốt 7 gian trung từ, 3 gian hậu cung và 93 nhà dân. Người dân trong làng đã bí mật vận chuyển, cất giấu được một số đồ thờ tự của đình vào nhà dân trong thôn. Năm 1949, thực dân Pháp chiếm đình làm căn cứ đóng bốt, sau đó chúng tiếp tục phá hủy 5 gian đại bái còn lại.

Đình Mạn Đê hiện nay là kết quả phục dựng từ năm 1991 đến năm 1995, có kiến trúc kiểu “tiền nhất, hậu đinh” gồm 3 gian đại bái, 3 gian trung từ và 2 gian hậu cung. Sau khi đình khôi phục, một số đồ thờ tự của di tích được người dân thành kính tiến trả lại đình.

Hiện nay, di tích còn lưu giữ được một số cổ vật, di vật bằng chất liệu giấy, gỗ và đá gồm 3 nhang án, 2 ngai thờ, 2 hòm sắc, 1 bài vị chạm khắc cầu kỳ, các họa tiết chau chuốt rồng, phượng, hổ phù, hoa dây, vân mây... Đặc biệt là cuốn thần tích do Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn vào mùa xuân năm Hồng Phúc nguyên niên (1572), Quản giám Bách thần, Tri điện Hùng lĩnh thiếu khanh (thần) Nguyễn Hiền phụng sao vào mùa Đông Hoàng triều Vĩnh Hựu năm thứ 3 (1737) ghi chép về sự tích tướng quân Hoàng Hồng và 4 tấm bia có niên đại vào thời Nguyễn. Năm 2015, đình Mạn Đê được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh.

Hằng năm, vào 2 ngày 9-10.2 âm lịch, chính quyền và nhân dân địa phương lại tổ chức lễ hội truyền thống để tưởng nhớ công ơn của tướng quân Hoàng Hồng. Trong lễ hội phần lễ có rước long đình từ đình ra nghè Mạn Đê (cách đình 300 m về hướng đông nam). Phần hội có tổ chức hát chèo, cờ người, chọi gà, kéo co...

ĐẶNG THU THƠM

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đình làng Mạn Đê và sự tích về tướng quân Hoàng Hồng