Độc đáo ngôi nhà cổ ở xã Cẩm Đoài

03/11/2019 19:55

Ở thôn Ha Xá, xã Cẩm Đoài (Cẩm Giàng) vẫn còn một ngôi nhà gỗ lim cổ được gìn giữ gần như nguyên vẹn. Ngôi nhà thuộc sở hữu của gia đình ông Phạm Đình My.

Ngôi nhà cổ của gia đình ông My

Chứng tích thời gian

Ông My là trưởng dòng họ Phạm Đình ở thôn Ha Xá. Cụ của ông My trước kia là chánh tổng, ông nội là cụ Phạm Đình Thùy (1907-1949).

Cụ Thùy từng là lý trưởng nên cơ ngơi thuộc hàng giàu có nhất vùng. Cả gia đình ở trong ngôi nhà gồm 30 gian làm bằng gỗ lim theo hình chữ U, trong nhà luôn có khoảng 30 người ở.

Đến giai đoạn 1953-1956, miền Bắc thực hiện cải cách ruộng đất, cụ Thùy là địa chủ có công với cách mạng. Ruộng đất, nhà cửa, tài sản của gia đình cụ bị chia cắt thành nhiều phần cho bần nông, cố nông. Còn lại 5 gian nhà gia đình cụ ở và thờ cúng. Cụ Thùy có 2 vợ và 3người con (đều là con vợ cả).

"Theo lời bố tôi kể lại, sau cải cách ruộng đất chỉ còn 5 gian nhà gỗ lim thì bà hai ở, bà nội tôi và các con phải ở nhà bếp đắp bằng đất. Sau này, bà hai bán căn nhà trên, chuyển chỗ ở sang nơi khác, bà cả và các con rất bất bình nhưng không làm gì được", ông My nói.

Tiếc nuối căn nhà cũ, cụ Phạm Đình Cấu (1932-2015), bố của ông My đã đi nhiều nơi để tìm mua lại nhà gỗ lim theo kiểu cổ. Năm 1958, cụ Cấu tìm được một căn nhà của một địa chủ trước kia ở gần cầu Tràng Thưa (Gia Lộc).

Theo lời của chủ cũ, căn nhà này có 5 gian, được dựng cách thời điểm mua hơn 100 năm. Căn nhà cũng nằm trong số chia cho người nghèo ở giai đoạn cải cách ruộng đất.

Tìm được nhà rồi nhưng tiền mua căn nhà không nhỏ. Sau khi bàn bạc với vợ, cụ Cấu quyết định mua lại gian giữa và hai gian bên để mang về dựng lại.

Căn nhà được tháo dỡ và đóng bè vận chuyển theo đường thủy. Căn nhà được dựng ở vị trí hiện tại, cụ Cấu làm thêm hai gian ở hai bên bằng gỗ xoan, gỗ tạp.

Gìn giữ nét xưa

Từ khi được trùng tu năm 2014, căn nhà không chỉ giữ nguyên kiến trúc truyền thống mà còn to đẹp hơn xưa.

Vốn sinh sống ở Hải Phòng nhưng là con cả trong nhà lại là trưởng họ Phạm Đình ở thôn Ha Xá nên năm 2014, ông My và vợ về quê ở cùng cụ Cấu.

Ông My đã bàn bạc với cụ Cấu và các chị em trong gia đình tu sửa ngôi nhà để thờ phụng tổ tiên và làm nơi tụ họp của cả họ. Đến tháng 8 âm lịch năm đó, công trình được khởi công.

Hiện ngôi nhà rộng hơn 80 m2 với 5 gian, chiều rộng 5,4 m, chiều dài 15 m được xây theo kết cấu chồng rường - giá chiêng, hệ thống kèo làm theo kiểu con chồng, đấu sen, đầu các thanh rường đều chạm lá lật. Gian giữa là nơi thờ tự gia tiên, hai bên là phòng tiếp khách.

Hai gian đầu hồi ngăn vách tạo thành hai buồng riêng biệt. Ngoài bức tường sau và 2 hồi được xây bằng gạch, còn lại các vì, kèo, rui, mè, cánh cửa... đều làm bằng gỗ lim.

Trước kia, bức tường sau và 2 hồi làm từ đất trộn với rơm, đã xuống cấp nên thay bằng tường gạch. Hai gian đầu hồi trước đó làm từ gỗ xoan, gỗ tạp nay cũng được thay thế bằng gỗ lim.

Ngôi nhà có 24 cột gỗ lim chắc chắn, mỗi cột có đường kính từ 25-27 cm. Mái nhà lợp bằng ngói mũi hài truyền thống, ở dưới là lớp ngói màn chữ thọ.

Qua hơn 100 năm, lớp ngói mũi hài bên trên vẫn còn khá nguyên vẹn nhưng lớp ngói màn nhiều viên bị vỡ nên được thay bằng ngói màn mới. Nhìn bề ngoài căn nhà vẫn giữ được nét cổ kính, thâm nghiêm.

Trước kia, nền ngôi nhà chỉ thấp bằng nền sân, khi trùng tu, ông My đã nâng mặt nền nhà thêm 5 bậc, tạo cho ngôi nhà thêm phần bề thế. Mặt tiền ngôi nhà là bộ cửa bức bàn vững chắc ở 3 gian giữa, hai bên là loại cửa thượng song hạ bản giúp lưu thông không khí.

Bộ cửa bức bàn ở 3 gian giữa là sự tôn kính với tổ tiên, tránh cho khách đến nhìn thẳng vào gian thờ cúng. Trên tấm ván bưng của hai gian buồng một bên được khắc chữ Phúc, một bên chữ Đức, thể hiện ước mong giữ gìn đạo hiếu trong cuộc sống, nhận về may mắn, cát lành. Trên hai cửa buồng của ngôi nhà là hai bức phù điêu gỗ chạm khắc hoa văn tinh tế.

Ngôi nhà còn giữ gìn được bộ hoành phi, câu đối, cuốn thư và nhiều đồ thờ tự như đôi lục bình, bộ ngũ sự bằng đồng (đỉnh, đôi chân nến, đôi hạc).

Ông My không biết niên đại của các đồ thờ tự này, chỉ biết do các cụ để lại. Thời cải cách ruộng đất, cụ Cấu và những người trong gia đình phải chôn các đồ vật trong vườn nhà, tránh bị chia cho nông dân, để giữ gìn cho mai sau.

Đến khi đào lên, đôi câu đối trong nhà đã ngả màu nâu đen. Giai đoạn những năm 80 của thế kỷ trước khi nhiều nơi rộ lên phong trào chơi đồ cổ, nhà cụ Cấu bị trộm mất một chiếc bát hương cổ dát vàng ở miệng và trôn bát.

Đến nay, ngôi nhà là nơi tụ họp của dòng họ Phạm Đình ở thôn Ha Xá vào các dịp thanh minh, giỗ tổ, khen thưởng học sinh giỏi, nơi bàn bạc các công việc nội tộc...

VIỆT QUỲNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Độc đáo ngôi nhà cổ ở xã Cẩm Đoài