Ga Hải Dương - nơi lưu giữ dấu xưa, chuyện nay

23/10/2019 09:00

Trong chiến tranh phá hoại, địch đã sử dụng máy bay đánh phá thị xã Hải Dương. Có nhiều địa điểm bị hủy diệt như ga Hải Dương, song giao thông đường sắt vẫn duy trì liên tục.

Ga Hải Dương thời Pháp thuộc

Chuyến tàu Hà Nội - Hải Phòng đầu tiên

Báo cáo của Công sứ Hải Dương Groleau năm 1899 có đoạn “Nền đường đã làm xong cùng với nhà ga Hải Dương. Việc đặt đường ray đã bắt đầu và việc bắc cầu sắt qua sông Lai Vu và sông Thái Bình làm dồn dập”.

Ga Hải Dương làm trên nền đất của thôn Hàn Giang và ở phía bắc của TP Hải Dương. Đường sắt Hà Nội – Hải Phòng (HN-HP) qua địa phận tỉnh Hải Dương dài 45 km từ Cẩm Giàng đến Kim Thành.

Báo Đường Sắt Việt Nam trong mục “Tìm hiểu lịch sử đường sắt Việt Nam” có nêu việc khánh thành đường sắt HN-HP.

Công điện của Phủ Thống sứ Bắc Kỳ gửi từ Hà Nội cho Tòa Đốc lý Hải Phòng ngày 30.1.1902 viết: “Trả lời bức thư mật, không số ngày 23.1.1902, việc khánh thành cầu và đường sắt sẽ được tiến hành lúc 9 giờ sáng ngày 28.2.1902 tại Hà Nội rồi đoàn tàu khánh thành sẽ xuống Hải Phòng và tới đó khoảng 1 giờ chiều”.

Như vậy đoàn tàu khánh thành tuyến đường sắt HN-HP qua ga Hải Dương vào hơn 11 giờ ngày 28.2.1902.

Cũng theo báo này thì ga Hà Nội xây năm 1899 và ga Hải Phòng xây năm 1901. Đoàn tàu khánh thành tuyến HN-HP đồng thời là khánh thành ga Hà Nội, khánh thành cầu Long Biên, khánh thành cầu Phú Lương, cây cầu dài thứ hai trên tuyến đường này, khánh thành ga Hải Phòng và cũng là khánh thành ga Hải Dương.

Đoàn tàu tới Hải Dương lúc hơn 11 giờ ngày 28.2.1902 là một chuyến tàu hỏa đặc biệt có 8 toa, trong đó có 2 toa sang nhất dành cho vua Thành Thái và Toàn quyền Paul Doumer. Còn 6 toa loại sang thứ nhì chở 180 quan khách trong đó có vua Malaysia, hoàng gia Campuchia, đô trưởng Viêng Chăn của Lào, đại diện triều đình Mãn Thanh và một số viên chức cấp cao khác. Công sứ và Tổng đốc Hải Dương cũng túc trực tại ga Hải Dương để nghênh tiếp thượng cấp và các vị khách quý.

Tàu hỏa Hà Nội-Hải Phòng chạy qua cầu Phú Lương

Đường sắt HN-HP qua Hải Dương không chỉ là con đường nối thủ đô với thành phố cảng lớn nhất của miền Bắc mà còn là con đường liên vận quốc tế nối Vân Nam (Trung Quốc) với cảng biển Hải Phòng.

Theo báo Đường sắt Việt Nam số xuân Kỷ Sửu 2009 thì: “Từ đây (tức từ khi khánh thành cầu Long Biên), các tuyến đường sắt lần lượt được hình thành nối Thủ đô Hà Nội với mọi miền của miền Bắc. Ban đầu là tuyến đường Hà Nội - Lạng Sơn (1902) rồi HN-HP (1903), Hà Nội – Lào Cai (1905)”.

Giả thiết tiễn khách trên sân ga – hồn cốt của Tống biệt hành

Trong cuốn Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh đã khẳng định: “Nếu chọn 10 bài thơ hay nhất của thơ mới (1930 – 1945) thì thế nào cũng phải có Tống biệt hành của Thâm Tâm. Thâm Tâm tên thật là Nguyễn Tuấn Trình ngụ tại số nhà 69 phố Đông Môn, nay là phố Phạm Hồng Thái, TP Hải Dương. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, ông công tác tại Hội Văn hóa Cứu Quốc. Kháng chiến toàn quốc, ông gia nhập bộ đội được cử làm Thư ký Tòa soạn báo Vệ quốc quân

Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng
Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ
Chí lớn chưa về bàn tay không?



Người đi? Ừ nhỉ người đi thực
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu say

Với Tống biệt hành, bài thơ quả thật có nhiều điều chưa rõ (Tiễn ai? Ở đâu? Người ấy đi đâu? Làm gì?...) chưa rõ vì trong hoàn cảnh đất nước bị thống trị, nhà thơ không thể nói rõ tâm trạng thật của mình.

Ga Hải Dương ngày nay

Nhà văn Tô Hoài đã cho biết đích xác về Tống biệt hành. “Lúc ấy Thâm Tâm đã giác ngộ. Bài thơ này anh viết tặng một người bạn thoát li đi làm cách mạng. Tình cảm anh bày tỏ trước người ra đi vì đại nghĩa” (Tô Hoài tự truyện – Nhà xuất bản Văn Hóa 1985, trang 269). 

Không đưa qua sông, vậy chỉ có thể tiễn ở sân ga? Một giả thiết Thâm Tâm đã đưa tiễn tại sân ga Hải Dương, bày tỏ tình cảm mến mộ và niềm tin đối với người chiến sĩ cách mạng ra đi vì nghĩa lớn, đã từng bí mật đi về nương náu tại gia đình ông (?)

Ngày giải phóng

Địa chí Hải Dương tập 1 trang 594 ghi “Ngay sau khi hòa bình lập lại, Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương khôi phục và đẩy mạnh hoạt động của các tuyến đường sắt. Chỉ trong một thời gian ngắn, tuyến đường sắt HN-HP đã hoạt động bình thường.

Tạp chí Xưa và Nay số 399 tháng 12.2011 đã viết: “Sự thực là sau khi hòa bình lập lại, trước ngày giải phóng Hải Dương, trong ngày giải phóng Hải Dương và sau ngày giải phóng Hải Dương tuyến đường sắt HN-HP vẫn hoạt động bình thường. Trưa 30.10, chuyến xe lửa từ Hà Nội đã về tới ga Hải Dương, rúc một hồi còi dài như mừng rỡ đón chào ngày giải phóng. Hành khách của chuyến tàu đặc biệt này toàn là những người dân Hải Dương đã quen biết nhau từ lâu. Họ là những công chức đã được chính quyền cũ dúi vào tay chiếc vé máy bay đi Sài Gòn miễn phí, nhưng quyết tâm ở lại Hải Dương đóng góp sức mình xây dựng chế độ mới. Họ là những thanh niên, học sinh đã đến tuổi động viên hoặc trốn động viên nhưng tránh voi chẳng xấu mặt nào tạm thời xa lánh Hải Dương trong những ngày tàn của chế độ cũ".
Chống chiến tranh phá hoại

Trong chiến tranh phá hoại, địch đã sử dụng 891 lần máy bay các loại đánh phá 181 trận trên địa bàn thị xã Hải Dương, gây bao tổn thất đau thương. Có nhiều địa điểm bị hủy diệt như ga Hải Dương. Ga Hải Dương tan tành thành bình địa, song giao thông đường sắt vẫn duy trì liên tục. Ta rời ga về phía Cẩm Thượng cách ga Hải Dương chừng 1 km về phía tây. Khoảng 7 giờ tối, hành khách từ khắp nơi đi bộ về phía đoạn đường sắt Cẩm Thượng lên tàu đi Hà Nội trong ánh đèn dầu. Đầu tàu sơ tán dưới một lùm cây thuộc huyện Cẩm Giàng, đến tối rời nơi sơ tán về Cẩm Thượng kéo đoàn tàu về Hà Nội trong bóng đêm. Đoàn tàu Cẩm Thượng – Hà Nội tồn tại trong thời gian dài.

Ga Hải Dương lớn nhất trong hệ thống đường sắt Hà Nội - Hải Phòng qua tỉnh

Về phía Hải Phòng, cầu Phú Lương bị bắn phá. Song “địch phá ta lại sửa ta đi”. Ta làm cầu phao qua sông Thái Bình gần cầu Phú Lương. Hầu hết hàng hóa của phe xã hội chủ nghĩa viện trợ cho Việt Nam đều được chở tới Hải Dương rồi sau đó phân phối đi các nơi. Vì không còn kho bãi nên các thùng hàng đều được đặt rải rác dọc các tuyến đường bộ xung quanh ga. Các thùng hàng đều có chữ CCCP nghĩa là đến từ Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết.

Đi muôn nơi

Nhà ga do Pháp xây dựng, hai tầng đã bị máy bay Mỹ đánh sập nhiều lần. Sau chiến tranh, nhà ga một tầng tạm thời được xây dựng.

Những năm 1980 - 1990, đường sắt xuống cấp. Đầu máy chạy bằng hơi nước là chủ yếu. Các tàu khách từ Hà Nội, Hải Phòng về ga Hải Dương thường chậm hơn giờ quy định, có khi chậm cả tiếng đồng hồ. Khoảng năm 2000, tình trạng trên đã được khắc phục. Đầu máy chạy bằng dầu dieseel, giờ giấc đúng lịch trình.

Đến tháng 2.2001, ga Hải Dương được xây dựng lại với kiến trúc mang hình dáng của một đầu máy xe lửa. Hàng ngày có nhiều đoàn tàu hàng và tàu khách đi qua Hải Dương khiến nhà ga nhộn nhịp. Ngày nay, đường sắt đã được sửa sang, toa tàu tiện nghi. Những chuyến tàu đến Hải Dương, từ Hải Dương đi Hà Nội, xuống Hải Phòng rồi tỏa đi muôn nơi...

LƯU ĐỨC Ý

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ga Hải Dương - nơi lưu giữ dấu xưa, chuyện nay