Hải Dương bảo tồn, phát huy giá trị di tích

02/11/2019 09:31

Toàn tỉnh hiện có trên 2.000 di tích, bao gồm đình, đền, chùa, miếu, nghè, quán, đàn, lăng mộ, cầu đá... đã được lập danh mục đề nghị bảo vệ theo Luật Di sản văn hóa.

Du khách tham quan di tích đền Cao An Phụ (Kinh Môn)

Tỉnh đã và đang có nhiều giải pháp để huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội hóa, song song các biện pháp trùng tu, tôn tạo kết hợp với phát huy giá trị di tích.

Sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội hóa

TP Hải Dương hiện có 270 di tích, trong đó có 33 cụm di tích đã được xếp hạng với 11 cụm di tích xếp hạng cấp quốc gia và 22 cụm di tích xếp hạng cấp tỉnh. Trong thời gian qua, thành phố đã đạt những kết quả tích cực trong công tác quản lý, bảo tồn các di tích.

Theo ông Bùi Dương Nghĩa, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin TP Hải Dương, một trong những thành công của thành phố trong lĩnh vực bảo tồn di tích là làm tốt công tác xã hội hóa tạo nguồn kinh phí cho công tác trùng tu, tôn tạo di tích.

Thành phố cũng ban hành quy định về việc quản lý nguồn tiền công đức và theo đó, các ban quản lý di tích ở địa phương quản lý thu, chi minh bạch. Nguồn thu này được quản lý qua tài khoản kho bạc và khi có công việc của địa phương sẽ chi tiêu hợp lý và công khai, minh bạch đối với người dân.

Cụm di tích đình, đền Sượt thuộc khu 3, phường Thanh Bình, TP Hải Dương được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1993. Đền thờ danh tướng Vũ Hựu - một công thần thời Lê có nhiều công lao giữ gìn, bảo vệ đất nước. Đền được xây dựng thế kỷ 16, ngay sau khi Vũ Hựu qua đời và đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Đình được khởi dựng từ thời Lê và cũng đã được trùng tu nhiều lần. Đây là một trong những di tích đứng đầu thành phố về thu hút lượng khách đến cầu may, lễ bái, nhất là vào dịp lễ, Tết.

Tại cụm di tích đình, đền Sượt, phường Thanh Bình đã quản lý tốt nguồn công đức giúp chính quyền, địa phương có kinh phí tổ chức lễ hội vào 10.3 âm lịch hàng năm, đồng thời, chủ động kinh phí để trùng tu, tôn tạo khi di tích có biểu hiện xuống cấp. Đơn cử, năm 2012, đình Sượt đã được phục dựng trên nền đất cũ, bảo đảm nhu cầu tâm linh của người dân.

Cùng với đó, TP Hải Dương cũng thường xuyên quan tâm công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các di tích. Với các công trình tu bổ di tích, Chủ tịch UBND xã, phường được giao làm chủ đầu tư để gắn trách nhiệm với cá nhân cụ thể. Phòng Văn hóa – Thông tin thành phố cũng luôn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị khác cùng ngành văn hóa để kịp thời trong việc phát hiện, đưa ra phương án xử lý kịp thời với các di tích trên địa bàn.

Theo ông Nghĩa, mặc dù pháp luật đã quy định rõ trình tự khi tiến hành trùng tu các di tích xuống cấp nhưng có nơi, có lúc, một số địa phương không thực hiện đúng, dẫn đến sai lệch một số chi tiết kiến trúc của di tích. “Nhờ sự sâu sát địa bàn của cán bộ văn hóa cơ sở, thành phố đã phát hiện kịp thời và hướng dẫn địa phương làm lại đúng quy định”, ông Nghĩa chia sẻ.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thành Trung cho biết: Hàng năm, sở đã chủ động tham mưu cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tham mưu cho tỉnh bố trí nguồn kinh phí tu bổ cấp thiết các di tích.

Giai đoạn 2015 - 2018, đã có hàng trăm di tích trên địa bàn tỉnh được tu bổ, tôn tạo với nguồn kinh phí hàng trăm tỷ đồng, trong đó phần lớn từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Nổi bật là trùng tu các hạng mục của khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc. Ngoài ra, các di tích tiêu biểu của tỉnh như An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương (Kinh Môn), Văn miếu Mao Điền, đền Xưa (Cẩm Giàng) cũng được tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí mỗi di tích từ 3,5 - 4 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo.

Phát huy giá trị các di tích 

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, toàn tỉnh hiện có trên 2.000 di tích, bao gồm đình, đền, chùa, miếu, nghè, quán, đàn, lăng mộ, cầu đá... đã được lập danh mục đề nghị bảo vệ theo Luật Di sản văn hóa. Trong đó, có 4 di tích, khu di tích xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, 141 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 220 di tích xếp hạng cấp tỉnh, có 8 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia...

Theo ông Nguyễn Thành Trung, thời gian qua, tỉnh luôn chú trọng quản lý và bảo tồn song song với phát huy hiệu quả giá trị các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn. Cụ thể, tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2008 - 2015, định hướng đến năm 2020. Đồng thời, tuyên truyền sâu rộng để mọi tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo tồn và phát huy giá trị di tích tại địa phương cùng với việc huy động các nguồn lực xã hội hóa; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện công tác tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích tại cơ sở để bảo đảm công tác tu bổ đúng quy định.

Tuy vậy, đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng nhìn nhận công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là kinh phí tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích hiện không đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Trước thực tế này, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh đề nghị tỉnh bố trí kinh phí để tu bổ, chống xuống cấp di tích hàng năm để tu bổ cấp thiết cho các di tích; đề xuất tăng kinh phí Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có dự án tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt; tham mưu cho tỉnh huy động, quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, trong đó chú trọng, khai thác hiệu quả nguồn lực từ nguồn xã hội hóa, có sự định hướng của Nhà nước.

Theo ông Nguyễn Thành Trung, cần có sự kết hợp hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, giữa việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, gắn bảo tồn với việc khai thác, phát triển du lịch.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hải Dương bảo tồn, phát huy giá trị di tích