Huyền tích Đảo Cò và bí quyết giữ chân chim trời

06/10/2019 07:11

Từ khi được bảo vệ và chăm sóc, số lượng cò tại Đảo Cò, xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện) ngày càng đông hơn. Có ngày số lượng cò, vạc trú ngụ trên đảo lên tới gần 20.000 con.

Huyền tích hình thành đảo Cò

Với hai đảo nhỏ có diện tích trên 7.000m2 nổi lên giữa lòng hồ An Dương rộng trên 20 ha, Đảo Cò được phủ kín bởi một màu xanh ngát của những rặng tre và nhiều loài cây. Đó chính là nơi trú ngụ của các loại cò, đông nhất là cò lửa, cò ghềnh, cò bợ, cò trắng, cò diệc và cò ruồi, ngoài ra còn có nhiều vạc và chim, sinh vật khác nhau tạo nên hệ sinh thái đa dạng, hấp dẫn khách du lịch.

Huyền tích đảo Cò Chi Lăng Nam và… bí quyết giữ chân chim trời

Khi ánh mặt trời dần khuất sau rặng tre cũng là thời điểm từng đàn cò bay về tổ

Theo tương truyền, vào những năm đầu thế kỷ 15, tại vùng đất này đã có trận đại hồng thủy làm vỡ dải đê lớn ven sông Hồng, nước cứ thế tràn vào những đồng ruộng trũng thấp, nhấn chìm tất cả trong một màu trắng băng.

Tuy nhiên, có một gò đất cao mà nước không thể dâng tới, bên trên có ngôi đền nhỏ. Cứ thế, sau hai trận lũ lớn nữa, xung quanh gò đất bỗng nổi lên những xoáy nước khổng lồ và ngôi đền linh thiêng đã biến mất. Cũng từ đó, nước không bao giờ rút đi và tạo thành hồ lớn như ngày nay. Từ đó, bắt đầy xuất hiện từng đàn chim, cò, vạc từ khắp nơi tụ về sinh sống, có những loài có nguồn gốc từ Ấn Độ, Nepal, Miến Điện, Trung Quốc… tạo thành quần thể danh thắng Đảo Cò ngày nay.

Năm 2014, Đảo Cò tại xã Chi Lăng Nam được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng danh lam thắng cảnh di tích cấp quốc gia.

Huyền tích đảo Cò Chi Lăng Nam và… bí quyết giữ chân chim trời

Ông Nguyễn Đăng Giảm, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu di tích Đảo Cò

Trải qua nhiều biến cố thời gian, những tác động bất lợi đe dọa đến sự phát triển của Đảo Cò, khiến khu du lịch sinh thái có dấu hiệu bị sạt lở, thu hẹp.

Chính vì lý do đó, năm 2018, UBND tỉnh đã đầu tư 45,5 tỷ đồng để phát triển và bảo tồn Đảo Cò, trong đó 23 tỷ do Trung ương cấp, dành cho phát triển hạ tầng du lịch.

Sau gần 1 năm triển khai tôn tạo, chỉnh trang, hiện Đảo Cò đã được mở rộng hơn, có thêm không gian sống cho các loài cò, vạc, tạo thuận lợi cho sự di chuyển của du khách đến tham quan…

Bí quyết giữ chân chim trời

Được biết, trên khắp cả nước hiện có rất nhiều nơi cò về sinh sống như vườn cò Lạng Giang, vườn cò Đồng Xuyên, vườn cò Lập Thạch… nhưng đa phần tại những địa điểm này số lượng cò, vạc không nhiều và đa dạng như Đảo Cò tại xã Chi Lăng Nam.

Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy tại Đảo Cò hiện có 52 loài chim thuộc 12 bộ, 30 họ, 42 giống.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đăng Giảm, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu di tích Đảo Cò cho biết: “Những năm trước đây do tình trạng đặt bẫy, săn bắn và lấy trứng cò của người dân và các vùng xung quanh nên số lượng cò ở trên đảo suy giảm nhanh chóng, nhiều con cò do sợ không dám về đây trú ngụ. Trước thực trạng trên, huyện Thanh Miện đã xây dựng phương án, lập kế hoạch và phối hợp với ban quản lý và nhân dân cùng chung tay bảo vệ đàn cò”.

Huyền tích đảo Cò Chi Lăng Nam và… bí quyết giữ chân chim trời

Thời điểm du khách tới tham quan Đảo Cò thường là vào lúc sáng sớm hoặc chiều muộn

Từ khi được bảo vệ và chăm sóc, số lượng cò, vạc trên đảo ngày càng đông hơn. Có ngày số lượng các thể cò, vạc các loại về trú ngụ tại đảo lên tới gần 20.000 con.

Cũng theo ông Giảm, hiện nay Ban Quản lý Khu di tích đã phối hợp với UBND xã Chi Lăng Nam thành lập đội tự quản với 56 thành viên, chia làm 3 tổ tự quản (bao gồm tổ tự quản dịch vụ trên bờ, tổ lái đò vận chuyển và tổ bảo vệ xung quanh khu vực đảo cò với bán kính 3km).

Thành viên trong tổ đều là người dân sống xung quanh đảo, có nhiệm vụ phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hoạt động phá hoại như săn bắt, đánh bẫy cò vạc, lấy trứng cò ở trên đảo cũng như các khu vực xung quanh.

Những người phát hiện những đối tượng vi phạm trong săn bắt cò sẽ được ban quản lý thưởng gấp 5 đến 10 lần giá trị của mức phạt vi phạm. Đặc biệt, nguồn tin báo được giữ bí mật nên người dân ở đây rất ủng hộ cùng chung tay bảo vệ đàn cò. Mỗi người dân trong khu vực bán kính 3km xung quanh Đảo Cò đều có thông tin riêng để kịp thời báo cho Ban Quản lý, công an xã và chính quyền địa phương để kịp thời ngăn chặn tình trạng xâm hại đến cò.

Huyền tích đảo Cò Chi Lăng Nam và… bí quyết giữ chân chim trời

Cận cảnh loài chim trời mang đặc trưng cho khu du lịch sinh thái xứ Đông

“Hàng năm, Ban Quản lý không chỉ phối hợp với chính quyền địa phương và nhân dân bảo vệ đàn cò mà còn phối hợp với các nhà khoa học trong và ngoài nước cùng nghiên cứu đặc tính của từng loại cò, vạc để có những điều chỉnh phù hợp tạo môi trường sống thích hợp cho cò. Đặc tính của cò là kiếm ăn ban ngày, vạc kiếm ăn ban đêm. Do vậy, những công trình xây dựng trên đảo luôn bảo đảm môi trường trong sạch, yên tĩnh và không gian sống cho cò. Từ những nghiên cứu về đặc tính của con cò, vạc nên các hạng mục công trình xây dựng trên đảo được điều chỉnh phù hợp với đặc tính sinh sống của từng loài”, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu di tích Đảo Cò chia sẻ.

Bí quyết giữ chân được số lượng cò, vạc lớn như vậy được người dân nơi đây tiết lộ rằng: “Ở đây người dân sống chan hòa với chim trời (cò, vạc - PV). Kể từ khi nhận thức được giá trị tinh thần mà thiên nhiên ban tặng, ứng với câu nói dân gian “Đất lành chim đậu”, người dân nơi đây không bao giờ làm hại đến chúng, chưa bao giờ có thể nghe một tiếng súng hay thấy chiếc bẫy nào nữa. Chính vì thế, chúng thản nhiên sống và sinh sôi nảy nở trên vùng đất bình yên của chúng”.

Có mặt tại Đảo Cò trong một buổi chiều mùa thu tháng 10, chúng tôi cảm nhận được những cơn gió heo may bắt đầu nhè nhẹ thổi, Đảo Cò bỗng trở nên huyên náo hơn bao giờ hết. Từ mặt hồ đến không trung, nơi đâu cũng có thể nhìn thấy rợp trời cò bay, trên khắp các cành cây, cò đậu trắng xóa, trông xa xa như một rừng bông đang nở rộ như muốn níu chân người...

Theo Công lý

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Huyền tích Đảo Cò và bí quyết giữ chân chim trời