Kinh Môn - thị xã trẻ: Bài cuối: Phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt

28/12/2019 14:08

​Những giá trị của khu di tích quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương đã góp phần không nhỏ vào quá trình phấn đấu lên thị xã của Kinh Môn.

>>Bài 1: Vùng đất công nghiệp


 Tượng đài Trần Hưng Đạo sừng sững trên núi An Phụ, một địa điểm thu hút nhiều du khách

Giờ đây, việc phát huy giá trị của quần thể di tích này tiếp tục được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của thị xã.

Lợi thế

Kinh Môn được biết đến là vùng đất địa linh nhân kiệt, có truyền thống văn hóa lâu đời được ghi dấu bởi các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh. Toàn thị xã hiện có hơn 200 di tích, trong đó cụm di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương là một trong 4 di tích quốc gia đặc biệt của Hải Dương. 

Đền Cao An Phụ (phường An Sinh) là nơi thờ An Sinh vương Trần Liễu - thân phụ của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Đền nằm trên đỉnh cao nhất của dãy núi An Phụ, gắn liền với di tích tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn và bức phù điêu tái hiện 3 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông bằng đất nung lớn nhất Việt Nam. Hai công trình này đều đã được xác lập kỷ lục Guinness năm 2013. 

Động Kính Chủ (phường Phạm Thái) từng được mệnh danh là “Nam thiên đệ lục động” -  động đẹp thứ 6 của trời Nam. Đây vốn được xem là bảo tàng bách khoa toàn thư lưu giữ hệ thống bia Ma Nhai độc nhất vô nhị của cả nước.

Còn chùa Nhẫm Dương (phường Duy Tân) là chốn tổ của thiền phái Tào Động - một trong hai thiền phái thuần Việt trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Theo đánh giá của các nhà khoa học, khó nơi nào có giá trị khảo cổ như chùa Nhẫm Dương bởi qua các cuộc khai quật, các nhà khoa học đã phát hiện nhiều di vật quý hiếm về đồ sắt, đồ gốm, tiền cổ...

Minh chứng cho thấy đây chính là trung tâm sản xuất gốm từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII. Nơi đây cũng phát hiện răng Pôngô (đười ươi) và răng người từ thời kỳ Canh Tân… chứng tỏ loài người đã định cư liên tục ở vùng đất này. Như vậy, chùa không chỉ mang giá trị khảo cổ quốc gia mà vươn ra tầm quốc tế. 

Với những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, tôn giáo, khảo cổ và địa chất, quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương đã được xếp hạng là khu di tích quốc gia đặc biệt năm 2016. Đến nay, quần thể di tích là một trong những địa điểm thu hút khách du lịch nhiều nhất tỉnh, mỗi năm khoảng 160.000 lượt khách từ khắp nơi đổ về tham quan, chiêm bái, đóng góp lớn trong phát triển du lịch của Kinh Môn. 

Cấp ủy, chính quyền và người dân cùng quan tâm

Không phải đến bây giờ việc phát huy giá trị di tích mới được các cấp chính quyền và người dân quan tâm. Trước đó, năm 2007, Ban Quản lý (BQL) di tích Kinh Môn được thành lập cũng đã đặt mục tiêu tuyên truyền, quảng bá hình ảnh cũng như huy động mọi nguồn lực để tu sửa, trùng tu di tích. Khi quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, địa phương đã đầu tư hàng chục tỷ đồng từ nguồn ngân sách và xã hội hóa để trùng tu các hạng mục.

Đáng chú ý là tu bổ toàn bộ hậu cung, trung từ của đền Cao; cải tạo đường vào động Ngũ Nước, đường lên hang Thánh Hóa của động Kính Chủ; làm đường đến hang Tĩnh Niệm, tôn tạo bãi xe An Sinh, xây dựng hệ thống tủ kính trong nhà tổ chùa Nhẫm Dương để trưng bày, lưu giữ các hiện vật khảo cổ học. Toàn bộ đường vào khu di tích, hệ thống điện, nước sạch và các công trình phụ trợ… được tôn tạo, lắp đặt bảo đảm tính thẩm mỹ.

Các cán bộ, công nhân viên trong BQL di tích thường xuyên được bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ. Từ những ngày đầu thành lập còn thiếu thốn, không có đội ngũ hướng dẫn viên thì nay Tổ nghiệp vụ du lịch thuộc BQL di tích đã có 5 người. Ngoài tuyên truyền bằng hệ thống loa truyền thanh, BQL di tích còn cho in tờ rơi, pa nô, áp phích… tuyên truyền trực quan tới du khách; phối hợp với các cơ quan truyền thông... Nhằm quảng bá hình ảnh của quần thể di tích tới mọi miền Tổ quốc, Kinh Môn chủ động tổ chức nhiều cuộc hội thảo về du lịch, từ đó đưa ra phương hướng phát huy giá trị di tích, gắn với nguồn lực phát triển du lịch ở địa phương.

 Để chuẩn bị cho lễ công bố Kinh Môn lên thị xã và Lễ hội xuân Canh Tý, lãnh đạo thị xã đã chỉ đạo các đơn vị liên quan gấp rút hoàn thành nhiều phần việc tại khu di tích, bảo đảm tạo ấn tượng cho du khách tới tham quan. Hoạt động này còn nhận được sự quan tâm của người dân khi nguồn vốn xã hội hóa để tôn tạo di tích trong đợt này được huy động lên tới hơn 500 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Thư, Trưởng BQL di tích Kinh Môn cho biết việc bảo tồn, phát huy giá trị của di tích ở Kinh Môn từ trước đến nay đều nhận được sự quan tâm, đồng thuận từ các cấp ủy, chính quyền tới người dân. “Thời gian tới, Kinh Môn còn thực hiện nhiều hoạt động thiết thực nhằm phát huy các giá trị của di tích, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, ông Thư nói.

HUYỀN ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh Môn - thị xã trẻ: Bài cuối: Phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt