Nét đẹp đình Phong Lâm

01/09/2021 09:12

Với những giá trị độc đáo về lịch sử, kiến trúc, năm 2011, đình Phong Lâm ở xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) được UBND tỉnh xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật.

Đình Phong Lâm ngày nay

Không chỉ là công trình văn hóa tâm linh có giá trị về quy mô kiến trúc, chạm khắc nghệ thuật tinh xảo, đình Phong Lâm còn được biết đến là nơi thờ người anh cả Lương Quang Trí - một trong ba danh tướng dũng cảm họ Lương có nhiều công lao giúp vua Trần đánh giặc Nguyên.                           

Kiến trúc cổ

Đình Phong Lâm được khởi dựng từ khá sớm, ban đầu có quy mô nhỏ, đến thời Nguyễn xây dựng lại khang trang. Văn bia hiện còn tại di tích cho biết vào các năm Kỷ Mùi (1859), Thành Thái 5 (1893) và Hoàng triều Duy Tân (1907 - 1916), những bậc thiện tín trong làng đã đóng góp tiền, ruộng trùng tu ngôi đình.

Đương thời, ngôi đình có quy mô lớn, kiến trúc kiểu tiền nhất, hậu đinh gồm 5 gian đại bái, 3 gian trung đình và 1 gian hậu cung, chất liệu khung vì đều bằng gỗ lim quý hiếm. Trải qua thời gian và chiến tranh, hiện công trình còn lưu giữ tòa đại bái với lối kiến trúc cổ kính, mang đặc trưng nghệ thuật thời Nguyễn.

Tòa đại bái 5 gian mái lợp ngói mũi cổ, xây bít đốc. Kết cấu khung vì đỡ mái được dựng bằng bộ khung gỗ vững chắc gồm 4 vì kèo theo kiểu chồng rường. Mỗi vì kèo đều có các chi tiết chắc khỏe liên kết chặt chẽ với nhau, mỗi chi tiết là một tác phẩm nghệ thuật. Từ bảy hiên, ngoài hình dáng thanh thoát còn có nhiều bức chạm trúc hóa long, mai hóa long, lá lật, xà nách, con rường, trụ đấu tạo những đường chỉ chìm, rồng, hoa sen, sóng nước...

Đặc biệt, tại hai vì gian trung tâm có khá nhiều bức chạm thể hiện mô típ truyền thống trong các công trình tín ngưỡng tiêu biểu. Đó là các linh vật thể hiện tính thần quyền như long, ly, quy, phượng (tứ linh); mạnh mẽ, ngay thẳng, tinh khiết, ý nhị như tùng, trúc, cúc, mai (tứ quý). Thông qua các bức chạm này, thể hiện sự sáng tạo trong nghệ thuật truyền thống mà ông cha ta đã để lại. Đó là những tiêu bản quý báu giúp khôi phục các công trình kiến trúc cùng thời.

Trong đình còn lưu giữ một số cổ vật như cuốn thần phả thời Lê, 3 đạo sắc phong, 7 bia đá, 1 pho tượng thành hoàng, 2 hòm sắc, 1 bảng đọc chúc, 1 mâm đài, 2 giá gươm, 1 ngai thờ... có niên đại vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX), khẳng định tầm vóc lịch sử của ngôi đình mà nhân dân địa phương bao đời đã gìn giữ được.

Tượng thành hoàng Lương Quang Trí (thế kỷ XIX) tại di tích

Danh tướng dũng cảm Lương Quang Trí

Thần tích do Hàn lâm viện Nguyễn Bính phụng soạn vào năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) ghi: Vào thế kỷ XIII, tại trang Cổ Dương, huyện Siêu Loại, đạo Kinh Bắc có một gia đình danh giá họ Lương, tên huý là Giác, vợ cũng người bản trang. Năm Giác công ngoài 30 tuổi, người vợ không bệnh mà mất. Giác công rất muộn phiền bèn đi chu du thiên hạ. Đến khu Đông, trang Trúc Lâm, đạo Hải Dương thấy dân chúng thuần hậu, Giác công bèn ở lại.

Một thời gian sau, Giác công thấy nhà họ Nguyễn có một cô con gái tên là Nguyễn Thị Mỹ, ngoài hai mươi tuổi, tư dung yểu điệu, tính nết dịu dàng liền xin lấy làm vợ. Nghe tin chùa Tùng Lâm của bản trang linh thiêng, hai vợ chồng tìm đến thành tâm cầu tự. Một thời gian sau, Huyên nương có thai, sinh được ba người con trai, con cả đặt tên là Trí, con thứ hai là Huệ và con út là Thắng.

Khi 20 tuổi, ba anh em học đã thành tài, tinh thông binh pháp, đi trên nước như đi trên đất bằng. Năm đó, giặc Nguyên đến xâm chiếm, vua Trần mang 30 vạn quân đi đánh giặc, khi qua địa giới khu Đông, trang Trúc Lâm (nay là thôn Phong Lâm, xã Hoàng Diệu, Gia Lộc) nghe tin ba anh em họ Lương tài giỏi, bèn chiêu mộ ra giúp vua, phong Trí công làm “Thượng tể Đại tướng quân”, Huệ công làm “Tả dực Đại tướng quân”, Thắng công làm “Hữu dực Đại tướng quân” rồi cùng dẫn quân đi đánh giặc. Tài trí thông minh, chiến đấu dũng cảm, ba anh em đã giúp vua Trần đánh tan quân giặc. Vua Trần rất đỗi vui mừng, triệu các tướng lĩnh về triều ban thưởng, nhưng Trí công xin vua được về quê.

Chạm khắc mai hóa long tại đầu bảy hiên

Một tháng sau, nhân lúc nhàn rỗi, Trí công du chơi trong ấp thì tự nhiên thấy trời đất tối sầm, mưa gió nổi lên dữ dội, mặt sông sóng nước dâng trào, trên trời có dải mây sao lấp lánh bay xuống, Trí công tự nhiên hóa. Nhân dân đến đã thấy Trí công nằm đó, áo mũ chỉnh tề, mặt đỏ như mặt trời, lại thấy thanh đao đặt ngay trên bụng bên trái liền hành biểu tâu lên triều đình. Vua vô cùng thương xót, sai đình thần đến hành lễ an táng, ban cho nhân dân 300 quan tiền và cho phép khu Đông lấy đó làm tiền của hương đăng phụng thờ, khen phong mỹ tự: Phúc thần. Cảm tạ công lao to lớn của Trí công, dân làng tôn làm Thành hoàng và xây đình thờ tự, trải qua thời gian, đều được quan tâm giữ gìn, tôn tạo.

Theo ông Trương Văn Thảo, cán bộ văn hóa xã Hoàng Diệu, khi xưa, đình Phong Lâm gồm 3 tòa đại bái, trung đình và hậu cung. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, ngôi đình là kho chứa lương thực của nhà nước và địa điểm tập kết của bộ đội huyện Gia Lộc đánh bốt Chắm.

Năm 1953, giặc Pháp bắn đạn pháo vào làng đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân, tòa đại bái đình trúng đạn pháo, các đầu đao bị gãy, tường hồi bị sập. Ngay sau đó, dân làng đã tiến hành tu sửa. Vào thập kỷ 60 của thế kỷ XX, thực hiện chủ trương bài trừ mê tín dị đoan, tòa trung đình và hậu cung cũng được tháo dỡ phục vụ xây dựng các công trình phúc lợi.

Năm 2006, nhân dân trong thôn và con em quê hương góp công, góp của khôi phục tòa trung đình và hậu cung trên nền cũ, dần trả lại kiến trúc ban đầu của khu di tích. Việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của đình Phong Lâm luôn được chính quyền và nhân dân quan tâm.

Hằng năm, cứ đến ngày 12 tháng giêng, ngày kỵ nhật của Thành hoàng Lương Quang Trí, dân làng lại mở hội để tưởng nhớ công đức của ông. Trong lễ hội, phần lễ có tổ chức tế, dâng hương, phần hội có hát chèo, bắt vịt, kéo co...

ĐẶNG THU THƠM

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nét đẹp đình Phong Lâm