Ngôi đình thiêng thờ Bố Cái Đại vương Phùng Hưng

21/09/2019 15:52

Làng Chi Điền xưa còn gọi là làng Tre, trước Cách mạng Tháng Tám thuộc tổng An Phú, huyện Nam Sách nay là xã Cộng Hòa, huyện Nam Sách.

Đình Chi Điền

Đình làng được nhân dân xây dựng để thờ vị thành hoàng làng và là nơi sinh hoạt văn hóa của nhân dân địa phương. Vị thành hoàng làng được dân làng tôn thờ chính là  Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng - lãnh tụ một cuộc nổi dậy chống lại sự đô hộ của nhà Đường thời Bắc thuộc lần thứ ba (602–905).

Theo các nguồn tư liệu hiện được lưu giữ ở Trung ương và địa phương, Phùng Hưng (? – 791), quê ở làng Đường Lâm thuộc Giao Châu (nay thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội).  Ông sinh ra trong một gia đình hào trưởng, cháu 7 đời của Phùng Tới Cái - người đã từng vào trong cung nhà Đường Cao Tổ, đời Đường Vũ Đức (618- 626) dự yến tiệc và làm quan lang ở đất Đường Lâm. Cha ông là Phùng Hạp Khanh - một người nổi tiếng hiền tài đức độ, từng tham gia việc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan (722).

Phùng Hạp Khanh sinh được 3 người con là Phùng Hưng, Phùng Hải và Phùng Dĩnh. Trong ba anh em Phùng Hưng là anh cả có sức khỏe và khí phách phi thường, có tài trí, giết hổ dữ để bảo vệ dân làng và gia súc.

Phùng Hưng nối nghiệp cha trở thành hào trưởng đất Đường Lâm. Năm 767, Cao Chính Bình, hiệu úy châu Vũ Định (miền Việt Bắc) giúp kinh lược sứ An Nam là Trương Bá Nghi đánh bại cuộc xâm lược của quân Chà Và (Java) ở Chu Diên, sau đó được cử làm đô hộ An Nam. Chính Bình ra sức vơ vét của cải của nhân dân, đánh thuế rất nặng.

Khoảng niên hiệu Đại Lịch (766-779), giặc Côn Lôn và Chà Và vào quấy phá nước ta, chính quyền đô hộ rối loạn. Các viên quan đô hộ nhà Đường ra sức vơ vét của cải của nhân dân, bắt dân Việt phải đóng sưu cao thuế nặng khiến lòng người ngày càng căm phẫn.

Giếng nước cổ thời Lê cách nay gần 500 năm trong khuôn viên ngôi đình

Phùng Hưng cùng hai người em tập hợp nghĩa quân chiếm giữ Đường Lâm, rồi tiến lên đánh chiếm được cả một miền rộng lớn quanh vùng thuộc Phong Châu, xây dựng thành căn cứ chống giặc.

Phùng Hưng xưng là Đô Quân, Phùng Hải xưng là Đô Bảo và Phùng Dĩnh xưng là Đô Tổng, chia quân trấn giữ những nơi hiểm yếu. Cao Chính Bình đem quân đàn áp nhưng chưa phân thắng bại. Tình hình diễn ra như vậy hơn 20 năm.  

Tháng 4 năm Tân Mùi (791), Phùng Hưng cùng các tướng lĩnh đem quân vây đánh thành Tống Bình. Quân của Phùng Hưng chia làm 5 đạo do các tướng Phùng Hải, Phùng Dĩnh, Đỗ Anh Hàn, Bồ Phá Cần và chủ tướng Phùng Hưng tiến công vây thành.

Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt trong khoảng 7 ngày, quân Đường chết nhiều, Cao Chính Bình đem hết quân ra đánh nhưng thua to phải rút vào đóng cửa thành cố thủ. Nghĩa quân giữ vững thế bao vây, Cao Chính Bình lo sợ quá sinh bệnh rồi ốm chết.

Phùng Hưng chiếm lĩnh thành trì và vào phủ Đô hộ, coi chính sự đất nước được 7 năm thì mất (tính từ khi ông làm chủ vùng đất Đường Lâm). Ông được nhân dân suy tôn là Bố Cái Đại Vương.

Tương truyền rằng Phùng Hưng sau khi mất thường hiển linh trong dân gian, giúp dân trong lúc hoạn nạn. Ông còn hiển linh giúp Ngô Quyền đánh giặc ở sông Bạch Đằng.

Tích xưa truyền lại, sau khi Ngô Quyền mất, Dương Tam Kha đã nổi dậy cướp ngôi nhà Ngô, truy lùng hoàng tử và vợ vua để sát hại. Bà Dương Hậu vợ Ngô Quyền được Phạm Lệnh Công đưa về Chi Điền chạy trốn.

Khi đến vùng đất này, hoàng hậu tìm thế đất đẹp lập miếu thờ Bố Cái Đại vương Phùng Hưng để sớm hôm cầu khấn cho nhà Ngô lấy lại được ngôi vua.

Bia đá thời Hậu Lê năm Chính Hòa thứ 5 (1684)

Lời cầu linh ứng. Năm 950, Ngô Xương Văn đã lấy lại được ngôi báu và rước quốc mẫu về kinh thành để lại ngôi miếu thiêng. Nhân dân thay hoàng hậu thường xuyên thờ cúng cầu ngài phù hộ cho dân chúng được bình an.

Đến đời vua Lê Hy Tông năm Chính Hòa thứ 5 (1684), nhân dân xây lại ngôi đình bề thế nhất vùng ngay trên nền đất ngôi miếu cổ. Năm 1868, vua Tự Đức ban sắc phong cho Phùng Hưng là thành hoàng làng Chi Điền.

Năm 1962 đình bị tàn phá, nhân dân lập lại ngôi miếu nhỏ ở hậu cung để thờ thành hoàng. Năm 1993, nhân dân xây thêm 3 gian nhà phía trước hậu cung. Năm 2013, ngôi đình được xây dựng lại to đẹp khang trang như hiện nay.

Đình Chi Điền có kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung theo chất liệu bê tông cốt thép giả gỗ, kết cấu kiểu đao tàu, réo góc, mái lợp ngói mũi truyền thống, trên bờ nóc có đắp nổi “lưỡng long chầu nguyệt”. Hệ thống vì kèo kiểu chồng rường, họa tiết trang trí được đắp vẽ lá lật.

Trước đình vẫn còn giữ được giếng nước cổ cách nay khoảng gần 500 năm cùng 4 tấm bia đá cổ ghi lại công trạng thành hoàng và những người công đức: 1 tấm bia thời Hậu Lê và 3 tấm bia thời Nguyễn.

Hàng năm, đình tổ chức lễ hội vào ngày 18 tháng giêng kỷ niệm ngày được vua ban sắc phong là thành hoàng làng. Trong lễ hội có tổ chức rước, tế lễ thành hoàng và các trò chơi dân gian như đập liêu, cờ tướng, cầu thùm...

HT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngôi đình thiêng thờ Bố Cái Đại vương Phùng Hưng