Ngôi đình thờ hai vị thành hoàng có công giúp Triệu Quang Phục đánh giặc

29/04/2019 09:32

Đình Đỗ Xá là nơi thờ 2 vị thành hoàng làng là Lang Công và em gái Trân Lang có công giúp Triệu Việt Vương (Triệu Quang Phục) đánh giặc Lương (thế kỷ thứ VI).


Đình Đỗ Xá là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh

Đình Đỗ Xá là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh thuộc khu Đỗ Xá, phường Tứ Minh, TP Hải Dương - nơi thờ 2 vị thành hoàng làng là Lang Công và em gái Trân Lang có công giúp Triệu Việt Vương (Triệu Quang Phục) đánh giặc Lương (thế kỷ thứ VI).

Theo thần tích thần sắc còn lưu giữ tại đình và tương truyền, về triều nhà Lý (Lý Nam Đế), có người họ Nguyễn, tên Lan, lấy vợ họ Phan, quê ở trại La Sâm, huyện La Sơn, phủ Đức Quang, Châu Diễn. Ông bà sinh đôi được hai người con một nam một nữ, cha mẹ đăt tên con trai là Lang Công, con gái là Trân Lang.

Khi anh em lên 5 tuổi thì cha mất, người mẹ đưa hai con tới doanh thị Vân Đậu, phủ Thượng Hồng, quận Hải Dương sinh sống. Đến khi trưởng thành, Lang Công thông minh kỳ lạ, văn võ toàn tài, nhân dân ai nấy đều kính phục. Em gái Trân Lang nữ trung hào kiệt, tứ đức vẹn toàn. Đến khi Lang Công 21 tuổi, ông thu phục được 500 người ở trang Tiền Liệt và các vùng xung quanh đứng lên dẹp trừ giặc cướp, cát cứ hùng trưởng một phương, uy danh trấn động vang xa.

Bấy giờ, giặc Lương sang xâm lược. Triệu Quang Phục vốn là bậc đại thần của vua Lý Nam Đế, nhân thừa cơ hội nhà Lý cự chiến với quân Lương liền tự xưng là Triệu Việt Vương đóng đô ở Dạ Trạch (nay thuộc Hưng Yên). Lý Phật Tử tái lập ngôi vị. Lúc này, thiên hạ phân chia không quy về một mối thống nhất. Triệu Việt Vương lệnh cho sứ thần mang hịch về dụ Lang Công đem quân đến giúp nước. Công liền đem quân tiếp sứ và gả Trân Lang cho Triệu Việt Vương.

Triệu Việt Vương lấy Trân Lang làm đệ nhị phu nhân, cho Lang Công làm Tiền bảo Nguyên soái đại tướng quân. Việt Vương từ khi được Lang Công phụ tá, quân Lương bị đánh bại. Quét sạch quân Lương, Lý Phật Tử cống lễ mời Việt Vương hòa hiệp, muốn phân chia ranh giới quân thần.

Từ đó Triệu Việt Vương thay kế ngôi nhà Lý, lên ngôi Hoàng Đế, liền phong Lang Công làm Bảo quốc chính. Thuở ấy, chính cung Hoàng hậu mất sớm, vua lập đệ nhị Trân Lang làm hoàng hậu chính thất. Vua chọn thôn Đỗ Xá, xã Tiền Lệ làm thang mộc ấp. Sau Lang Công và Trân Lang Hoàng hậu đều lập cung phủ tại đây và miễn binh lương cho dân sở tại. Vua tin cẩn nên cho Lang Công làm Đốc lãnh hai quận Quảng Đông kiêm Quảng Tây. Lang Công chăm lo cho nhân dân quận ấp Hà Thanh, Hải Yến đều yên vui.

Truyền rằng, Triệu Việt Vương có nỏ thần vuốt rồng uy lực nên Lý Phật Tử âm mưu hòa hiếu với Triệu Việt Vương để lấy lại đất nước. Lý Phật Tử bèn hỏi con gái của Triệu Việt Vương là công chúa Cảo Lương cho hoàng tử Nhã Lang nhằm mưu kế lợi dụng lòng tin bắt con trai đánh cắp nỏ thần.

Sau khi lấy trộm được nỏ thần, Lý Phật Tử bèn cho quân đến đánh Triệu Việt Vương. Triệu Việt Vương lệnh cho Lang Công tiến đánh nhưng không thể chống cự do Lý Phật Tử có trong tay nỏ thần. Lang Công và Triệu Việt Vương tử trận. Hoàng hậu nghe tin anh trai và chồng chết bèn uống thuốc độc tự tử. Nhân dân lập đền thờ tự Lang Công cùng Trân Lang hoàng hậu tại cung sở, trang Đỗ Xá.

Đình Đỗ Xá xưa xuất phát từ ngôi đền thờ hai vị Thành hoàng được nhân dân lập lên sau khi các ngài qua đời, cách ngôi đình ngày nay khoảng 100 m về phía tây nam. Theo tương truyền đền được đổi tên và tu sửa thành đình từ khá sớm trong lịch sử. Căn cứ vào quy mô kiến trúc, nghệ thuật chạm khắc hiện còn thì đình Đỗ Xá được xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII (cuối thời Hậu Lê), được trùng tu vào thời Nguyễn, có kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 5 gian đại bái và 2 gian hậu cung.

Năm 1944, đình được trùng tu tôn tạo lại khang trang. Năm 1963, đình bị hạ giải hoàn toàn để lấy nguyên vật liệu xây dựng một số công trình phúc lợi của địa phương. Năm 1992, nhờ sự đóng góp công sức của nhân dân địa phương, đình được phục dựng lại trên nền đất cũ. Năm 2005, khi UBND TP Hải Dương tiến hành quy hoạch khu đô thị phía tây thành phố, ngôi đình được di dời về vị trí hiện nay.

Hiện tại đình có kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung, chất liệu bằng bê tông cốt thép, kết cấu kiểu đao tàu, réo góc, hoành dui bằng gỗ tứ thiết, hệ thống vì kèo kiểu chồng rường, họa tiết trang trí được đắp vẽ lá lật.

Hằng năm đình tổ chức lễ hội chính vào ngày mồng 9 - 12.10 (âm lịch). Trọng hội là ngày 12.10 kỷ niệm ngày sinh của hai vị Thành hoàng. Trong lễ hội có tổ chức rước tượng và bài vị Thành hoàng, tế lễ và các trò chơi dân gian như đấu vật, cầu kiều, bắt vịt, đập niêu đất, cờ người...

HƯƠNG THỦY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngôi đình thờ hai vị thành hoàng có công giúp Triệu Quang Phục đánh giặc