Ngôi đình thờ Hoàng giáp Nguyễn Mại

03/05/2019 08:32

Đình Ngô Đồng thuộc thôn Ngô Đồng, xã Nam Hưng, huyện Nam Sách thờ Thành hoàng làng Nguyễn Mại.


Đình Ngô Đồng

Đình Ngô Đồng thuộc thôn Ngô Đồng, xã Nam Hưng, huyện Nam Sách thờ Thành hoàng làng Nguyễn Mại (quan Thượng Lành), phối thờ cháu nội của ông là Nguyễn Tuyển và Nguyễn Cừ - hai vị lãnh tụ trong phong trào nông dân đứng lên khởi nghĩa.

Thôn Ngô Đồng có lịch sử hình thành khá lâu đời, là một vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa nằm bên hữu ngạn sông Kinh Thầy.

Theo một nguồn tư liệu còn lưu giữ, Nguyễn Mại, hiệu là Đức Chính, tên thụy là Đôn Giản, hay còn gọi là quan Thượng Lành, sinh năm 1655 tại làng Ninh Xá, tổng Cao Đôi, huyện Chí Linh, nay thuộc thôn Ngô Đồng, xã Nam Hưng, huyện Nam Sách.

Năm 36 tuổi, ông đỗ Hoàng giáp khoa Tân Mùi, niên hiệu Chính Hòa thứ 12 (1691) đời vua Lê Hy Tông, làm quan đến chức Lễ bộ Tả thị lang, tước Nam, từng đi sứ. Sau ông được triều đình phụng sai lên làm trấn thủ Sơn Tây. Khi mất, ông được phong tặng Lễ bộ Thượng thư, tước Quận công.

Nguyễn Mại là người khoan hòa, nhân hậu, xét xử công minh, chính trực được nhân dân kính trọng. Tiếng tăm của ông lừng lẫy, nổi tiếng khắp vùng. Lúc bấy giờ, Trần Hiền - tiến sĩ triều Lê đã soạn cuốn “Sơn Tây Đức Chính ký” ca ngợi công đức của ông với nhân dân nơi đây và lưu truyền cho thế hệ sau.

Trong quá trình làm quan, phụng sự vua Lê, chúa Trịnh, ông luôn là vị quan thanh liêm, cương trực, thẳng thắn, giữ nghiêm kỷ cương, phép nước, xét xử nghiêm minh, chăm lo đời sống nhân dân. Vì bản tính thẳng thắn nên ông đã bị chúa Trịnh ghen ghét, giết hại. Sau khi mất, dân làng Ngô Đồng lập đền thờ để ghi nhớ công đức của ông và suy tôn ông làm bậc tiên hiền.

Nguyễn Mại sinh ra Nguyễn Dật. Nguyễn Dật lại sinh ra Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ. Anh em Nguyễn Tuyển nung nấu mối thù từ lâu đã đứng lên chống lại vua Lê - chúa Trịnh. Cuối năm Canh Thân (1740), hai ông mở đại hội tướng sĩ ở Phù Tải, Đồng Xá, huyện Kim Thành, lập đàn thờ, dựng cờ sắc xanh đề hai chữ “ninh dân” (yên dân), dấy cờ khởi nghĩa, kêu gọi hàng vạn nông dân mang vũ khí thô sơ trừng trị bon quan lại địa phương, chiếm trấn lỵ Hải Dương tại Vạn Tải (Chí Linh).

Từ Hải Dương, nghĩa quân đã mở rộng hoạt động lên Kinh Bắc (Hà Bắc), đánh xuống Sơn Nam, có lần uy hiếp cả Thăng Long. Nguyễn Cừ chiếm các vùng đất như Đỗ Lâm (Gia Phúc, Gia Lộc). Nguyễn Tuyển chiếm Phao Sơn (Chí Linh), đồn lũy nối tiếp nhau, mỗi người có tới vài vạn quân. Nghĩa quân đốt phá đền phủ, dinh thự nhà Trịnh ở My Thử (Vĩnh Hồng, Bình Giang).

Đầu năm 1740 đến năm 1741, nghĩa quân đánh nhiều trận lớn, lập nhiều chiến thắng. Sau đó, triều đình đã đàn áp nghĩa quân một cách dã man, nhấn chìm cuộc khởi nghĩa của hai ông trong biển máu. Sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, triều đình thực hiện chính sách tru di tam tộc những người họ Nguyễn ở làng Ninh Xá, biến làng Ninh Xá thành bãi đất hoang.

Đến thời vua Quang Trung, dân làng mới trở về lập nên làng mới lấy tên là Ngô Đồng. Từ đây, dân làng xây dựng lại đình và tôn thờ cụ Nguyễn Mại làm Thành hoàng làng, sau đó phối thờ 2 vị cháu nội là Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ ở hai bên. Do có công lao với dân làng, lại là một vị đại khoa vẹn đức, vẹn tài nên Nguyễn Mại được ban nhiều sắc phong qua các triều đại. Song các sắc phong trên đã bị thất lạc trong kháng chiến chống Pháp. Hiện nay, di tích chỉ còn giữ được 6 bản sao sắc phong thời Nguyễn.

Căn cứ vào thần tích, sắc phong, câu đối, đại tự tại di tích, đình Ngô Đồng được xây dựng vào đời Tự Đức thứ 4 (1851) trên gò đất cao giữa làng.

Đình hiện vẫn giữ được nét kiến trúc thời Nguyễn kiểu chữ Nhị (=) gồm đại bái 3 gian, 2 trái và 3 giân hậu cung. Đại bái chất liệu bằng gỗ lim, hậu cung làm bằng gỗ xoan. Hai nhà cách nhau một khoảng sân, có tường bao và mái ngói tạo không gian thờ tự khép kín. Từ ngoài nhìn vào, khu đình Ngô Đồng khá bề thế, hấp dẫn. Nhà đại bái gồm 2 gian, 3 trái mới dựng lại năm 2000 (đại bái cũ do xuống cấp nên bị hạ giải năm 1983) theo kiểu kẻ chuyền chồng chóp, mở lòng theo công thức “thượng tứ, hạ ngũ”. Bờ nóc được đắp nổi lưỡng long trầu nguyệt.

Thân rồng cuộn 3 khúc, đuôi xoáy ẩn hiện trong mây. Đầu rồng dữ tợn, râu vươn về phía trước, 5 đao tóc bay về phía sau. Hai đầu nhà được gắn lạc long, miệng ngậm bờ nóc, đuôi cuộn tròn vắt trên hồi đấu. Bốn đầu đao được đắp nổi họa tiết “rồng chầu, phượng mớm”. Hệ thống vì kèo, xà, hoành dui khá chắc chắn và hoàn chỉnh tạo dáng đẹp cho ngôi đình...

Tòa hậu cung được khôi phục năm 1993, gồm 3 gian 2 trái bằng gỗ xoan kết cấu chính làm giống như tòa đại bái, kiến trúc kiểu kẻ chuyền chồng chóp. Liên kết dọc gồm hệ thống xà, hoành tạo thành khung mái “thượng tam hạ tứ” vững chắc.

Hằng năm, từ ngày 13 - 16.2 (âm lịch), dân làng lại tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công lao của Thành hoàng Nguyễn Mại và hai vị anh hùng áo vải là cháu nội của ông, trọng hội là ngày 14.2. Trong lễ hội có tổ chức tế lễ, rước tượng và bài vị Thành hoàng làng Nguyễn Mại. Ngoài ra, dân làng còn tổ chức các trò chơi dân gian như đấu vật, cờ người, bịt mắt bắt dê, hát chèo...

HƯƠNG THỦY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngôi đình thờ Hoàng giáp Nguyễn Mại