Những giá trị khảo cổ độc đáo ở Nhẫm Dương

10/12/2017 10:14

Không chỉ với những hang động kỳ thú, vùng núi Nhẫm Dương (xã Duy Tân, Kinh Môn) còn có nhiều giá trị đặc biệt về khảo cổ...


Những hiện vật có giá trị được phát hiện tại khu vực chùa Nhẫm Dương

Nhiều hiện vật quý hiếm

Tại Nhẫm Dương, các nhà khoa học đã phát hiện rất nhiều hiện vật khẳng định người Việt cổ đã định cư liên tục trên mảnh đất này từ hàng vạn năm trước. Theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Lân Cường, Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam, việc phát hiện công cụ bằng đá của người Việt cổ cùng thời với văn hóa Hạ Long thuộc hậu kỳ đá cũ ở Nhẫm Dương cho thấy người tiền sử xuất hiện ở đây từ rất sớm. Trong các hang động thuộc dãy Nhẫm Dương, hàng loạt hóa thạch quý hiếm được tìm thấy như một đoạn hàm dưới của tê giác, hàng chục chiếc răng đười ươi, răng voi cùng rất nhiều xương hươu, nai, heo vòi, hổ, nhím, khỉ, lợn...

Những hóa thạch này có niên đại cách đây từ 3 - 5 vạn năm. Trong khu vực chùa và các vùng lân cận, người dân cũng thu thập được rất nhiều công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt bằng đá (rìu, bôn), kim loại (rìu, vòng, gương, chuông, giáo, cuốc, qua, kiếm, thố), hàng nghìn đồng tiền cổ của Trung Quốc, Việt Nam. Phong phú hơn cả là hàng trăm đồ gốm cổ có niên đại trải dài suốt từ thế kỷ I đến thế kỷ XX, trong đó nhiều đồ gốm vẫn còn nguyên vẹn, rất có giá trị trong nghiên cứu cuộc sống của người Việt cổ trên mảnh đất này.

Phát hiện quan trọng

Việc phát hiện răng vượn Pôngô hóa thạch có ý nghĩa rất quan trọng đối với giới khảo cổ học trong và ngoài nước. Đối với Hải Dương, sự kiện này càng có ý nghĩa đặc biệt vì lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh phát hiện được một địa điểm chứa răng vượn Pôngô hóa thạch. Cho đến nay, nước ta mới chỉ phát hiện được một số địa điểm có hóa thạch của răng Pôngô như hang Thẩm Khuyên, Thẩm Hai, Kéo Lèng (Lạng Sơn), Hang Hùm (Yên Bái), Làng Tráng (Thanh Hóa), Thẩm Ồm (Nghệ An), Mái đá Ngườm (Thái Nguyên). Phần lớn những địa điểm này nằm ở vùng rừng núi phía tây và phía bắc của nước ta. Nhẫm Dương là địa điểm khá gần biển đầu tiên tìm được Pôngô, chứng tỏ bước tiến quan trọng của người tiền sử trong quá trình chinh phục tự nhiên. Cùng với răng Pôngô, một hóa thạch khác cũng rất quan trọng là đoạn hàm dưới của tê giác còn dính trên đó 1 chiếc răng, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Đây là chiếc hàm thứ 2 của tê giác được phát hiện tại Việt Nam, sau hàm tê giác được phát hiện ở hang Kéo Lèng (Lạng Sơn).

Những hiện vật được tìm thấy chứng tỏ cộng đồng dân cư tiền sử ở Kinh Môn đã định cư trong các hang động, mái đá, phân bố tập trung trong thung lũng, đầm lầy núi đá vôi. Các chứng tích văn hoá khảo cổ tiền sử ở khu hang động huyện Kinh Môn, đặc biệt ở khu vực núi Nhẫm Dương là nguồn sử liệu có giá trị minh chứng cho sự biến đổi của cộng đồng dân cư nơi đây dưới sự tác động thay đổi môi trường núi đá vôi, biến động của khí hậu cổ và mực nước biển vùng nhiệt đới gió mùa.

Theo đánh giá của các nhà khảo cổ học, rất ít địa điểm khảo cổ học có giá trị đặc biệt như Nhẫm Dương. Nơi đây có chứa nhiều hiện vật minh chứng cho một quá trình lịch sử kéo dài, liên tục suốt hậu kỳ Cánh Tân, qua thời đại đá cũ, đá mới, kim khí đến tận thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Các công trình nghiên cứu khảo cổ học thông qua các cuộc thám sát điền dã, nhất là hệ thống hiện vật khảo cổ đều khẳng định động Thánh Hoá và Hang Tối thuộc núi Nhẫm Dương là các di chỉ khảo cổ học quan trọng rất cần được bảo vệ, khai quật để nghiên cứu nhằm phát huy hết những giá trị đặc biệt của khu di tích này.

   VỊ THỦY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những giá trị khảo cổ độc đáo ở Nhẫm Dương