Nơi thờ Dương An Nhân - danh tướng thời Lý

08/07/2020 08:09

Di tích nghè Nhội thuộc khu 5, phường Thanh Bình (TP Hải Dương) là nơi thờ Dương An Nhân - người có công giúp vua Lý tiêu diệt quân phản nghịch.


Di tích nghè Nhội hiện nay khá khang trang

Nghè Nhội là di tích lịch sử thuộc khu 5, phường Thanh Bình (TP Hải Dương), được xếp hạng cấp tỉnh năm 2007. Đây là nơi thờ Dương An Nhân - danh tướng thời Lý.

Căn cứ vào bản “Ngọc bảo cổ truyền” phụng sao vào năm Bảo Đại 14 (1939) hiện lưu giữ tại di tích: Dưới triều vua Lý Anh Tông, năm Đại Định 4 (1143), tại trang Bảo Ngũ, thành Thăng Long có gia đình họ Hoàng sinh hạ được một cậu con trai đặt tên là Dương An Nhân, tự Phúc Hoà.

Năm Thiên Cảm Chí Bảo nguyên niên (1174), Thân Lợi và Ngưu Khổng làm phản. Nhà vua vô cùng lo lắng, tuyển 18 tướng, phong làm Nguyên soái, trong đó Dương An Nhân ở vị trí thứ 3, hiệu Thiên Giám dẫn binh đến Thái Nguyên tiêu diệt Ngưu Khổng, Thân Lợi. Ngưu Khổng bị giết, Thân Lợi buộc phải treo cổ chết, quân tướng chiến thắng hồi triều. Vua mở yến lớn chúc mừng, phong Dương An Nhân chức “Thái uý” rồi cho trở về nơi trấn giữ.Dương An Nhân đến Hàn Giang (nay thuộc phường Quang Trung, TP Hải Dương), xem thiên văn địa lý thấy trong khu Nhội có một gò đất quý, liền lưu lại quan sát và ban cho bản khu 500 quan tiền để xây dựng một ngôi miếu, rồi lại trở về nơi trấn giữ. Đến nửa đêm (ngày 15 tháng 8), Dương An Nhân không bệnh mà tự nhiên mất. Vua vô cùng thương xót bậc bề tôi có công lao to lớn, liền sai triều đình nghị bàn sắc phong: “Hữu Thiên giám thần linh phù quốc Đại vương”. Đồng thời, ban cấp cho các trang, khu, phường, ấp, động, nơi nào có nhân duyên đều phụng tâu sắc phong làm “Bản cảnh Thành hoàng”.

Vào thời hậu Lê, niên hiệu Chính Hoà nguyên niên (1680), tướng Hàn Giang là Đinh Văn Tả, phụng mệnh đánh Mạc bại trận, cầu đảo tại miếu Nhội và miếu Đàm Bị (Đàm Lộc) được thần “âm phù” đại phá Mạc Kính Vũ ở sông Bôn và Long Châu. Chiến thắng trở về, Đinh Văn Tả thuật lại sự việc ở hai miếu, vua sắc phong thêm “Hiển ứng” và ban cho khu Nhội, khu Lộc theo trước phụng thờ.

 Hiện nay, tại di tích còn lưu giữ được 9 đạo sắc vào các năm: Cảnh Hưng 28 (1767); Cảnh Hưng 44 (1783); Quang Trung 4 (1791); Minh Mệnh 2 (1821); Thiệu Trị 4 (1844); Tự Đức 33 (1880); Đồng Khánh 2 (1887) và Khải Định 9 (1924).

Căn cứ vào các tài liệu hiện lưu giữ tại di tích đặc biệt là hệ thống sắc phong cho Thành hoàng Dương An Nhân, trong đó đạo sắc sớm nhất phong vào năm Cảnh Hưng 28 (1767), thì nghè Nhội khởi dựng vào trước năm Cảnh Hưng 28. Thời Nguyễn, năm Minh Mạng 15 (1834), di tích trùng tu tôn tạo lại với quy mô lớn.

Trải qua thời gian và chiến tranh, quy mô kiến trúc, cảnh quan, khuôn viên nghè Nhội đã thay đổi. Năm 1952, thực dân Pháp do thám biết Việt Minh trú ẩn tại nghè nên đã đốt 5 gian tiền tế và hai dãy giải vũ. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (năm 1965, 1966), khu vực đất tiền tế trưng dụng làm nơi đóng quân của Sở chỉ huy bộ đội phòng không, không quân. Năm 2007, được phép của các cấp, các ngành, tòa tiền tế được nhân dân địa phương khôi phục lại trên nền đất cũ. Hiện công trình có kiến trúc chữ Đinh (J) gồm 5 gian tiền tế và 2 gian hậu cung xây tường hồi bít đốc. Ngoại thất tập trung trang trí bức phù điêu lưỡng long chầu nhật với đôi rồng kìm ngậm bờ nóc, chầu về trung tâm, mái lợp ngói vảy cá. Đáng chú ý phía trước có đôi cột trụ lồng đèn cân đối, uy nghi, đỉnh trụ đắp nổi nghê chầu.

Ở gian hậu cung đặt ngai và bài vị thờ Thành hoàng Dương An Nhân, chất liệu gỗ, sơn son thếp vàng thời Nguyễn. Ngoài ra, còn một số đồ thờ tự khác có giá trị như bát bửu, thanh long đao, cuốn thư, bát hương...

Hằng năm, việc thờ cúng Thành hoàng Dương An Nhân diễn ra rất trọng thể vào các ngày 16 tháng 3 (âm lịch) - kỷ niệm ngày sinh và 15 tháng 8 (âm lịch)- tưởng niệm ngày mất. Trong đó, lễ hội kỷ niệm ngày sinh là lễ hội lớn nhất trong năm. Ngoài các nghi thức truyền thống, trong lễ hội còn tổ chức rước kiệu thần và các trò chơi kéo co, leo dây, đập niêu… thể hiện tinh thần thượng võ của nhân dân. 

Di tích nghè Nhội hiện nay khá khang trang. Các công trình như nghi môn, tắc môn, nhà khách, sân vườn… đã được xây dựng, tôn tạo, trở thành điểm du lịch tâm linh của du khách gần, xa.

ĐẶNG THU THƠM

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nơi thờ Dương An Nhân - danh tướng thời Lý