"Bùa hộ mệnh" của doanh nghiệp: Còn đợi hướng dẫn

15/11/2019 18:05

Luật Cạnh tranh 2018 được kỳ vọng bảo đảm một sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp.


Công ty CP Gas 24h Hải Dương ở phường Hải Tân (TP Hải Dương) sẵn sàng cạnh tranh lành mạnh với các doanh nghiệp khác trong cùng lĩnh vực

Mặc dù có hiệu lực hơn 14 năm nay nhưng Luật Cạnh tranh 2004 đã không đem lại hiệu quả như kỳ vọng. Luật Cạnh tranh 2018 được sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung mới, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2019 đang được chờ đợi là "bùa hộ mệnh" cho doanh nghiệp (DN) trong thời kỳ hội nhập sâu rộng như hiện nay.

Nhiều hạn chế từ luật cũ

Luật Cạnh tranh lần đầu tiên được thông qua vào ngày 3.12.2004 tại Kỳ họp thứ VI Quốc hội khóa XI, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2005. Luật Cạnh tranh ra đời là dấu mốc quan trọng, tạo lập hành lang pháp lý thống nhất cho các hoạt động cạnh tranh của DN trên thị trường; là công cụ quan trọng để Nhà nước kiểm soát các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Mặc dù vậy, qua thời gian, luật này đã bộc lộ nhiều hạn chế như thiếu cơ sở kiểm soát hành vi được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có khả năng gây tác động, hạn chế tới môi trường cạnh tranh ở Việt Nam; bất cập về quy định kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế; chưa rõ các quy định về cạnh tranh không lành mạnh...

Theo thống kê của Bộ Công thương, từ sau khi Luật Cạnh tranh 2004 có hiệu lực đến năm 2017 (khoảng 12 năm), cơ quan quản lý cạnh tranh và hội đồng cạnh tranh mới điều tra, xử lý được 6 vụ việc về hạn chế cạnh tranh, trong đó 4 vụ bị trả hồ sơ điều tra bổ sung. Thời gian điều tra, xử lý trung bình mỗi vụ khoảng 3 năm.

Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia đều có các bộ quy tắc với mục tiêu xây dựng thể chế bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt, đối xử với các thành phần kinh tế. Trước thực tế này, Luật Cạnh tranh 2018 đã được sửa đổi theo hướng phù hợp với các cam kết quốc tế và khai thác tốt các cơ hội mà hiệp định tự do mang lại.

Hơn 20 năm làm việc trong ngành tòa án, thẩm phán Phạm Thúy Hằng ở Tòa án Nhân dân huyện Cẩm Giàng đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu về các quy định của pháp luật. Thẩm phán Hằng đã xét xử hàng trăm vụ án các loại nhưng rất ít vụ án liên quan đến cạnh tranh thương mại. Nguyên nhân chủ yếu do đa số DN chưa có nhiều hiểu biết về lĩnh vực này. Khi một DN phát hiện ra dấu hiệu bị cạnh tranh không lành mạnh thì DN đó không có khả năng tự bảo vệ mình hoặc không có đủ căn cứ pháp lý để kiến nghị, tố cáo.

Sẽ bảo vệ doanh nghiệp?

Giữa năm 2017, Công ty CP Hải Dương Gas ở Kim Thành bị một số DN kinh doanh gas cạnh tranh không lành mạnh như âm thầm thu mua vỏ bình gas của công ty tại các đại lý phân phối làm cho số lượng vỏ bình gas của doanh nghiệp này bị hao hụt gần 30%. Thông tin, thị trường bị nhiễu loạn, ảnh hưởng lớn tới uy tín và hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty.

Tháng 9.2019, Công ty Bảo hiểm dầu khí Hải Dương (PVI Hải Dương) phản ánh tới Báo Hải Dương về việc lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ninh Giang có hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh vì chỉ đạo, định hướng một số trường học trong huyện ký hợp đồng bảo hiểm với đích danh một công ty bảo hiểm. Thực tế việc cạnh tranh không lành mạnh đã và đang diễn ra nhưng phản ánh, trình báo để xử lý còn rất ít.

Công ty CP Gas 24h Hải Dương ở phường Hải Tân (TP Hải Dương) mới chính thức hoạt động kinh doanh, phân phối các loại gas tại thị trường Hải Dương được hơn 1 năm nay. Ông Nguyễn Văn Quân, Phó Giám đốc công ty cho biết: “Ngày nay, sự cạnh tranh về thị trường, thị phần giữa các DN ngày càng khốc liệt. Để tồn tại được, các DN buộc phải có chiến lược kinh doanh riêng nhưng cạnh tranh phải lành mạnh”.

Theo ông Quân, Luật Cạnh tranh 2018 bảo đảm một sân chơi bình đẳng giữa các DN nhà nước và DN tư nhân, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Các DN mới tham gia thị trường có thể dễ dàng nhập cuộc.

Một trong những điểm mới được ông Quân và nhiều DN khác quan tâm là Luật Cạnh tranh 2018 đã hoàn thiện các quy định về trình tự, thủ tục trong tố tụng cạnh tranh. Các trình tự, thủ tục đã đơn giản hơn, rút ngắn thời gian và có sự phân định rõ các khâu trong quá trình giải quyết vụ cạnh tranh, từ phát hiện, điều tra đến xử lý, giải quyết khiếu nại. Trong mỗi khâu đều gắn trách nhiệm cụ thể của các cơ quan tiến hành tố tụng, quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng.

Luật Cạnh tranh 2018 đã có hiệu lực thi hành nhưng để luật được thực thi hiệu quả, Chính phủ cần sớm ban hành các nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật; Nghị định quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh, về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia. Bộ Công thương cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh và đơn vị liên quan phổ biến, hướng dẫn thi hành luật...

LAN NGUYỄN

(0) Bình luận
"Bùa hộ mệnh" của doanh nghiệp: Còn đợi hướng dẫn