Doanh nghiệp Hải Dương vươn ra "biển lớn"

14/10/2020 07:02

Với mong muốn vươn ra thị trường quốc tế, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã quan tâm nâng cao năng lực quản trị, chất lượng sản phẩm, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.


Công ty CP Trúc Thôn quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu

Những năm qua, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã chủ động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Với mong muốn vươn ra "biển lớn", các DN đã dần nâng cao năng lực quản trị, chất lượng sản phẩm, từng bước khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế. 

Chinh phục thị trường khó tính

Bắt đầu sản xuất từ năm 2016 nhưng phải đến năm 2018, sản phẩm đá nhân tạo gốc thạch anh của Công ty CP Phú Sơn ở thị trấn Phú Thứ (nay là phường Phú Thứ, Kinh Môn) mới có chỗ đứng vững chắc ở thị trường Mỹ. Mỗi năm, DN xuất khẩu khoảng 200.000 m2 đá nhân tạo, trong đó 90% xuất sang thị trường Mỹ. Ông Cao Văn Tuấn, Giám đốc Công ty CP Phú Sơn cho biết cơ hội để sản phẩm của công ty vào được thị trường Mỹ mở ra từ năm 2018 khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bùng nổ. Chớp thời cơ khi khoảng trống các sản phẩm loại này ở Mỹ chưa được lấp đầy, công ty lập tức triển khai kế hoạch chiếm lĩnh thị trường. Nói thì đơn giản nhưng để khách hàng chấp nhận không phải chuyện dễ dàng. "Sản phẩm của chúng tôi chuyên dùng cho nhà bếp nên phải đáp ứng hàng loạt yêu cầu về chất lượng, mẫu mã cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định của Mỹ. Đối tác cử người sang tận nơi kiểm tra dây chuyền sản xuất, môi trường lao động, điều kiện làm việc của người lao động cũng như tính hồ sơ pháp lý của sản phẩm. Khi đáp ứng đủ yêu cầu, họ mới ký hợp đồng”, ông Tuấn chia sẻ.

Năm 2020, lần đầu tiên Công ty CP Trúc Thôn (Chí Linh) xuất khẩu gạch granite sang thị trường Mỹ, Đài Loan. Có lẽ đây là DN duy nhất của Hải Dương xuất khẩu được sản phẩm loại này sang Mỹ. Dù số lượng xuất khẩu mới dừng ở con số khiêm tốn - gần 20.000 m2 nhưng là bước chạy đà hoàn hảo để lãnh đạo công ty quyết tâm tìm thị trường mới cho sản phẩm gạch men vốn đã gần bão hòa ở thị trường trong nước. Ông Đặng Văn Việt, Giám đốc Công ty CP Trúc Thôn chia sẻ thị trường Mỹ rất khó tính với những yêu cầu cao về chất lượng, mẫu mã và môi trường. Trên thế giới, nhiều nước như Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước châu Âu đã có thế mạnh về sản phẩm cùng loại. “Ngoài cạnh tranh về giá cả, chất lượng, chúng tôi còn liên tục cải tiến mẫu mã cho phù hợp với văn hóa từng quốc gia để dễ dàng chinh phục khách hàng. Mục tiêu của chúng tôi là ký các đơn hàng dài hạn để xuất khẩu trở thành hướng tiêu thụ chủ lực của công ty”, ông Việt nói.

Là DN chuyên chế biến nông sản có tiếng trên địa bàn tỉnh, Công ty CP Chế biến nông sản Tân Hương ở xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng) đã hoạt động hơn chục năm nay. Thời gian đầu hoạt động, DN chủ yếu thu mua để sơ chế nông sản tiêu thụ trong nước. Sau nhiều năm tìm hiểu thị trường, DN đã đưa hàng nông sản của tỉnh xuất khẩu. Năm 2015, công ty xuất khẩu lô hàng cà rốt đầu tiên sang Hàn Quốc với tổng trọng lượng 70 tấn. Những năm sau đó, công ty đã chủ động kết nối, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Malaysia, Đông Timor... Sản lượng xuất khẩu tăng dần theo từng năm. 3 năm gần đây, trung bình mỗi năm công ty xuất khẩu từ 700 - 800 tấn nông sản các loại. Thời gian tới, lãnh đạo DN này dự kiến sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước châu Âu.



 Trung bình mỗi năm, Công ty CP Chế biến nông sản Tân Hương (Cẩm Giàng) xuất khẩu từ 700 - 800 tấn nông sản


Cơ hội rộng mở

Hiện nay, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực vào đầu tháng 8 vừa qua. Theo đánh giá của các chuyên gia và nhà quản lý kinh tế, cơ hội mà các hiệp định FTA đem đến cho Việt Nam khá lớn và toàn diện. Để tận dụng cơ hội từ các hiệp định, DN trong tỉnh đã chủ động điều chỉnh quy trình sản xuất, tìm hướng hợp tác để tận dụng hiệu quả nguồn vốn và chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Theo ông Nguyễn Đức Đoàn, Giám đốc Công ty CP Chế biến nông sản Tân Hương, tùy từng nước mà tiêu chuẩn nhập khẩu hàng hóa khác nhau. Để bảo đảm chất lượng hàng hóa theo yêu cầu của từng khách hàng, DN cần phải có sự chuẩn bị về nhân lực, nguồn cung và công nghệ. Quá trình sản xuất, chế biến phải bảo đảm được các tiêu chuẩn khắt khe của khách hàng. “DN phải ưu tiên thực hiện quy tắc xuất xứ hàng hóa vì đây là điều kiện quan trọng nhất để hưởng lợi về thuế quan và xuất khẩu. Quy tắc xuất xứ hàng hóa không thể thay đổi trong một sớm một chiều mà cần phải có sự chuẩn bị, tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu, thay đổi quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng lao động. DN cần khắc phục hoàn thiện mình để đứng vững trên thị trường“, ông Đoàn nói. 

Cùng với những cơ hội là không ít thách thức lớn đối với DN. Các quy định tiêu chuẩn về hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài rất phức tạp, không phải DN nào cũng có thể hiểu, đáp ứng và tận dụng được. Theo ông Cao Văn Tuấn, Giám đốc Công ty CP Phú Sơn, để vào được thị trường Mỹ và các thị trường khó tính khác, sản phẩm của các DN Hải Dương phải cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Ngoài việc duy trì và không ngừng nâng cao chất lượng theo yêu cầu của khách hàng, các DN cần tiếp tục đa dạng hóa mẫu mã, hạ giá thành sản phẩm thì mới tăng tính cạnh tranh, duy trì chỗ đứng lâu dài.

Cùng với nỗ lực của DN, thời gian qua các cơ quan chức năng của tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ DN, nhất là tìm kiếm thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh... UBND tỉnh cũng đang xây dựng các chương trình hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa để phù hợp với các cam kết quốc tế. 

THỦY LAN

(0) Bình luận
Doanh nghiệp Hải Dương vươn ra "biển lớn"