Doanh nhân Việt Nam góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển đất nước

12/10/2019 13:56

Hơn 7 thập kỷ qua, giới công thương Việt Nam đã phát huy truyền thống “ích quốc lợi dân”, thể hiện rõ vai trò tiên phong của mình, có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế nước nhà.

Tại Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam 2019, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh doanh nhân cần tiếp tục nuôi dưỡng khát vọng làm giàu chính đáng cho mình và cho đất nước

Văn kiện đầu tiên về vai trò và sứ mệnh doanh nhân, doanh nghiệp

Không chỉ trăn trở vì vận mệnh của đất nước, tương lai của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn quan tâm đến từng giai cấp, tầng lớp trong xã hội. Trong đó có giới doanh nhân, công-thương Việt Nam.

Không lâu sau khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (2.9.1945), ngày 13.10.1945, khi được tin giới doanh nhân tập hợp lại thành lập “Công thương cứu quốc đoàn” và gia nhập Mặt trận Việt Minh, Bác đã viết thư động viên, cổ vũ họ. Trong thư Bác bày tỏ: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới công-thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công-thương trong công cuộc kiến thiết này” (1).

Nhấn mạnh về mối quan hệ giữa công việc của giới doanh nhân và sự nghiệp của đất nước, Bác viết: “Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng. Vậy, tôi mong giới công-thương nỗ lực và khuyên các nhà công nghiệp và thương nghiệp mau mau gia nhập vào “Công thương cứu quốc đoàn” cùng đem vốn vào làm những công cuộc ích quốc lợi dân”(2).

Bức thư của Bác gửi giới doanh nhân Việt Nam 7 thập kỷ trước thực sự đã trở thành văn kiện đầu tiên của Đảng và Nhà nước về vai trò và sứ mệnh của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam; đồng thời đây cũng là lời kêu gọi thi đua ái quốc đầu tiên Bác dành cho giới doanh nhân.

Từ năm 2004, ngày 13.10 hằng năm đã được lấy là Ngày Doanh nhân Việt Nam nhằm khẳng định vai trò và ghi nhận những đóng góp của đội ngũ doanh nhân trên con đường phát triển đất nước. Đồng thời, cũng nhắc nhở, động viên đội ngũ doanh nhân cần phát huy vai trò của mình trong việc xây dựng, phát triển đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp lớn mạnh, đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế quốc gia

Lịch sử ghi nhận trong suốt hơn 7 thập kỷ qua, giới công thương Việt Nam đã phát huy truyền thống “ích quốc lợi dân”, thể hiện rõ vai trò tiên phong của mình, có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế nước nhà.

Đặc biệt, sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên nhiều lĩnh vực. Từ một nước nông nghiệp lạc hậu, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình, một điểm đến hấp dẫn về đầu tư trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong 9 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 6,98%, là mức tăng trưởng cao nhất trong những năm qua. Đặc biệt, môi trường kinh doanh liên tục được cải thiện và chủ động hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế thế giới. Đạt được những kết quả quan trọng này có sự đóng góp to lớn của các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, doanh nghiệp chính là đội quân chủ lực, trong đó các doanh nhân là "những vị tướng lĩnh, những sĩ quan chỉ huy" để lãnh đạo, quản lý, dẫn dắt doanh nghiệp tạo ra sản phẩm, quyết định sự tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội, tạo thêm nhiều việc làm, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Còn theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên mặt trận kinh tế, doanh nghiệp - doanh nhân thực sự là lực lượng chủ công: “Doanh nghiệp là tài sản quốc gia và doanh nhân là hiền tài của đất nước" như ghi nhận của lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Hiện nay, trên cả nước có hơn 715.000 doanh nghiệp hoạt động, trên 5 triệu hộ kinh doanh; số lượng doanh nhân khoảng 5-7 triệu người. Khu vực doanh nghiệp dưới các loại hình khác nhau đang đóng góp trên 60% GDP, khoảng 70% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút hàng chục triệu lao động. Trong đó, khu vực tư nhân ngày càng đóng vai trò quyết định trong nền kinh tế. Từ 2016 đến nay, tỷ trọng đóng góp vào tổng sản phẩm trong nước của kinh tế ngoài Nhà nước liên tục tăng, chiếm 43,3% năm 2018.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Tiến Lộc, xét về số lượng doanh nghiệp trên đầu người dân, Việt Nam không hề thua kém các nền kinh tế thị trường khác trong khu vực. Nhưng xét về chất lượng, chúng ta chưa đạt chuẩn mực trung bình trong tương quan so sánh với các nước khu vực Đông Nam Á (ASEAN). Việt Nam đã có những doanh nhân hàng đầu, cạnh tranh ngang ngửa với thế giới, nhưng số lượng ấy còn rất ít.

Đánh giá về năng lực quản trị doanh nghiệp của ASEAN đối với các doanh nghiệp niêm yết (bộ phận minh bạch nhất trong nền kinh tế) cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam xếp hạng thứ 6 trong số 6 nền kinh tế thuộc ASEAN. Theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Ngân hàng Thế giới, năng lực doanh nghiệp Việt Nam cũng mới chỉ đứng ở hạng trung bình… Điều này phản ánh "thể trạng" của các doanh nghiệp còn nhiều vấn đề cần phải bàn, cần được hỗ trợ tối đa hay tạo điều kiện thuận lợi để phát triển.

Để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và kinh tế

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, để phát triển nền kinh tế nhanh và bền vững, sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện tốt các đột phá chiến lược. Đồng thời, tiếp tục tập trung tái cấu trúc nền kinh tế gắn với lựa chọn mô hình tăng trưởng để huy động nguồn lực cho phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định những mục tiêu, khát vọng phát triển sẽ không thể thành hiện thực nếu thiếu đi sự vào cuộc của doanh nghiệp, doanh nhân. Do đó, các doanh nhân cần tiếp tục nuôi dưỡng khát vọng làm giàu chính đáng cho mình và cho đất nước. Qua đó, sản xuất ra nhiều sản phẩm cho xã hội, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, đồng thời giải quyết việc làm, phát triển xã hội.

Để làm được như vậy, các doanh nghiệp phải tập trung, nỗ lực tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cấu trúc sản phẩm, lĩnh vực kinh doanh trên cơ sở nhu cầu của thị trường; đồng thời chú trọng xây dựng thương hiệu, xây dựng văn hoá kinh doanh của doanh nghiệp; tăng cường phối hợp, liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành hàng, giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau, doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp quốc tế để hợp tác cùng phát triển.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp, doanh nhân phải là những người tiên phong trong việc ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển trên nền tảng công nghệ số, tận dụng và phát huy tối đa những lợi thế mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại để tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng, năng suất, sức cạnh tranh toàn cầu. Đồng thời, tích cực, chủ động nâng cao hiệu quả hoạt động, mở rộng thương mại quốc tế, tận dụng tối đa các cơ hội từ các Hiệp định thương mại song phương, đa phương thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA và IPAFTA)…

Đồng hành cùng doanh nghiêp, doanh nhân, Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển; có chính sách khuyến khích, hỗ đầu tư vào các lĩnh vực có nhiều tiềm năng; ưu tiên nguồn lực để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; tập trung đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, gắn với việc phát triển cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của nền kinh tế...

(1), (2): Trích Thư gửi các giới công thương Việt Nam, Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr. 53

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Doanh nhân Việt Nam góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển đất nước