Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU: Doanh nghiệp dệt may và da giày đứng trước cơ hội mới

13/09/2019 11:41

Sau 9 năm đàm phán, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) đã được ký kết ngày 30.6.2019.


Ngành dệt may và da giày đứng trước nhiều cơ hội mới từ EVFTA

Việt Nam là quốc gia thứ tư tại châu Á (sau Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore) và là nước thứ hai trong khối ASEAN đạt được thỏa thuận này. Ngành dệt may và da giày được nhận định đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển.

"Chất xúc tác" mới

Việc ký kết Hiệp định EVFTA góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đồng thời cũng là chìa khóa quyết định sự thành công của Việt Nam trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng. Đây là cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu tới thị trường có chất lượng cao và quy mô hàng đầu thế giới. Ở chiều ngược lại, EVFTA cũng tạo ra cơ hội giúp các doanh nghiệp (DN) Việt Nam cũng như Hải Dương nhập khẩu thiết bị, nguyên liệu đầu vào có chất lượng cao từ các quốc gia châu Âu với mức giá thấp. Hơn 85% dòng thuế hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ khi EVFTA chính thức có hiệu lực. Cùng với đó, kim ngạch nhập khẩu từ EU có thể sẽ tăng từ 15-36% đến năm 2030.

Là quốc gia châu Á đầu tiên đã ký kết hiệp định thương mại tự do với EU, nền kinh tế Hàn Quốc đã có những tăng trưởng đáng kể. Về những cơ hội đối với kinh tế Việt Nam nói chung và ngành dệt may, da giày nói riêng, ông Kim Eui Joong, Tùy viên thương mại, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam nhận định: EVFTA sẽ mang đến rất nhiều cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh làn sóng bảo hộ nền công nghiệp trong nước rộng rãi hiện nay, những hợp đồng kinh tế ký kết với các đối tác EU thông qua EVFTA sẽ đóng vai trò lớn tới sự phát triển thương mại của Việt Nam. Đặc biệt, dệt may và da giày là những ngành hàng được hưởng lợi từ EVFTA bởi mức thuế quan trung bình 9% hiện sẽ được giảm dần về 0% trong vòng 3 năm tới.

Với EVFTA, DN dệt may sẽ có dư địa để tăng thị phần tại EU, thị trường tiêu thụ hàng hóa dệt may lớn nhất thế giới. Hiệp định này đã tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa từ các DN Việt Nam cạnh tranh với các sản phẩm may mặc từ Cambodia hoặc Bangladesh… bởi đây là những quốc gia đang được hưởng chế độ thuế quan tốt hơn so với Việt Nam. Bên cạnh dệt may, EU cũng là thị trường chiếm trên 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam. Nhưng trong những năm qua, tỷ trọng này có xu hướng suy giảm. EVFTA có hiệu lực sẽ tạo đà tốt hơn cho xuất khẩu giày dép vào EU. Có thể thấy tiềm năng xuất khẩu hàng dệt may và da giày Việt Nam sang thị trường 500 triệu dân này còn rất lớn. "Ký kết EVFTA là một bước đi quan trọng, nhưng tận dụng các lợi thế mà hiệp định này mang lại còn quan trọng hơn", ông Kim Eui Joong nói.

Đâu là thách thức?

Đối với các DN dệt may và da giày ở Hải Dương, lợi thế thuế quan từ EVFTA sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển tại EU, song đi kèm với đó là những thách thức không nhỏ. Ông Đinh Trịnh Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CP May II Hải Dương nhận định: Khi EVFTA có hiệu lực, ưu đãi thuế quan dành cho các sản phẩm dệt may từ Việt Nam sẽ tạo đà giúp các DN gia công may mặc Hải Dương nhận thêm nhiều đơn đặt hàng mới từ các đối tác EU. Các DN phải đầu tư thêm máy móc, tăng cường nhân lực có tay nghề, nâng cấp quy mô hiện có, nếu không các DN sẽ dậm chân tại chỗ.

Với gần 1.000 công nhân, hiện Công ty CP May II Hải Dương nhận các đơn hàng gia công cho nhiều quốc gia EU như Anh, Đức, Cộng hòa Séc… Giá trị gia công hằng năm của đơn vị khoảng 8 triệu USD, trong đó giá trị từ các đơn hàng thuộc EU chiếm hơn 50%. "Việc tăng cường nhân lực, nâng cấp công nghệ, mở rộng dây chuyền sản xuất, chủ động về nguồn nguyên, phụ liệu tại các DN nhỏ và vừa nhằm tận dụng triệt để lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, trong đó có EVFTA là bài toán khó giải trong một sớm một chiều", ông Dũng cho biết thêm.

Đối với ngành da giày, khi EVFTA chính thức có hiệu lực, mức thuế suất đối với sản phẩm chủ lực là giày thể thao (chiếm tới 2/3 tổng lượng giày xuất khẩu vào EU) sẽ được giảm ngay về 0% so với lộ trình giảm thuế 7 năm như giày da. Điều này sẽ tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn giúp các DN da giày Hải Dương phát triển. Đồng thời có cơ hội đón nhận làn sóng đơn hàng gia công chuyển dịch từ các quốc gia như Trung Quốc nhằm tận dụng lợi thế thuế quan từ EVFTA. Tuy nhiên, tương tự ngành may mặc, các DN da giày hiện vẫn chủ yếu thực hiện các đơn hàng gia công mà chưa có sản phẩm xuất khẩu mang thương hiệu riêng. Do đó, việc tận dụng các lợi thế từ EVFTA chỉ đang dừng lại ở cơ hội đón nhận các đơn hàng gia công mới, từ đó từng bước mở rộng thị trường và tìm kiếm đối tác.

Ngành dệt may và da giày Việt Nam nói chung, tại Hải Dương nói riêng đang đứng trước nhiều cơ hội lớn từ các hiệp định thương mại như EVFTA. Song để tận dụng tốt các cơ hội này buộc các DN phải chủ động hơn nữa, đặc biệt về nguồn nguyên, phụ liệu và giải quyết bài toán về thương hiệu, kể cả trong công đoạn gia công. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có những cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ và cung cấp thông tin nhanh chóng, kịp thời nhằm đón nhận làn sóng đầu tư nước ngoài vào Hải Dương, đồng thời giúp các DN trên địa bàn tỉnh có tiền đề phát triển, tránh rơi vào cảnh yếu thế trong sân chơi chung với EU.

HÀ KIÊN

(0) Bình luận
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU: Doanh nghiệp dệt may và da giày đứng trước cơ hội mới