Ngành đường sắt gặp khó

27/03/2020 10:23

​Cán bộ, công nhân đường sắt ở Hải Dương đang gặp khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.


Anh Hoàng Mạnh Vinh, Trạm trưởng Trạm Vận tải đường sắt Hải Dương

Doanh thu giảm sâu

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, lượng hành khách đi trên các chuyến tàu tại ga Hải Dương sụt giảm mạnh. Tháng 1.2020, lượng khách đạt 11.814 lượt, tháng 2 chỉ còn 7.340 lượt và 23 ngày đầu của tháng 3 chỉ còn 3.800 lượt. Lượng hành khách giảm mạnh đã ảnh hưởng trực tiếp tới 2 đơn vị khai thác dịch vụ tại ga Hải Dương, gồm Trạm Vận tải đường sắt Hải Dương và ga Hải Dương.

Trạm Vận tải đường sắt Hải Dương chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Đơn vị có 15 cán bộ, nhân viên, trực thuộc Chi nhánh Vận tải đường sắt Hải Phòng, chuyên khai thác, kinh doanh vận tải hàng hóa, hành khách. Lượt khách giảm kéo theo doanh thu của đơn vị này giảm. Năm 2019, bình quân mỗi tháng, đơn vị đạt doanh thu 1 tỷ đồng thì tháng 2.2020 chỉ còn hơn 600 triệu đồng, 23 ngày đầu của tháng 3.2020 còn 190 triệu đồng (giảm 80% so với cùng kỳ năm trước).

Do lượng khách đi tàu giảm mạnh, từ ngày 16.3, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cắt giảm 4 chuyến tàu: HP1 (Hà Nội - Hải Phòng), LP2 (Hải Phòng - Hà Nội) qua ga Hải Dương tất cả các ngày trong tuần; HP2 (Hải Phòng - Hà Nội), LP7 (Hà Nội - Hải Phòng) các ngày trong tuần trừ thứ sáu và chủ nhật. Các chuyến còn lại chạy bình thường. Việc cắt giảm số chuyến tàu qua Hải Dương khiến doanh thu của Trạm Vận tải đường sắt Hải Dương thời gian tới tiếp tục sụt giảm, cán bộ, nhân viên bị cắt bớt giờ làm. Đơn vị phải sắp xếp lại ca trực cho 10 cán bộ, 5 người còn lại phải tăng cường đi nơi khác.

Ga Hải Dương trực thuộc Chi nhánh Khai thác đường sắt Hà Thái Hải với 14 cán bộ, nhân viên có nhiệm vụ tổ chức, điều hành giao thông vận tải đường sắt, đón gửi tàu, cắt nối toa xe. Ông Vương Đình Hướng, Trưởng ga Hải Dương cho biết hơn 20 năm trong nghề nhưng chưa bao giờ khó khăn đến mức phải cắt giảm các chuyến tàu như hiện nay.

Công nhân băn khoăn

Công việc khó khăn kéo theo thu nhập thấp đã ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của hầu hết cán bộ, nhân viên của 2 đơn vị trên. Chị Nguyễn Thị Hương ở số 138 Đinh Văn Tả, phường Bình Hàn (TP Hải Dương) có 20 năm là nhân viên Trạm Vận tải đường sắt Hải Dương. Công việc hằng ngày của chị là kiểm soát, hỗ trợ hành khách ra, vào, lên tàu, giữ trật tự hàng để bảo đảm an toàn cho hành khách. Chị Hương có hoàn cảnh khó khăn nhất trạm. Chồng làm công nhân ở xa, thu nhập lại thấp. Hai vợ chồng cộng dồn hằng tháng cũng chỉ đủ sinh hoạt. Chưa kể con trai duy nhất của chị năm nay 16 tuổi lại bị bệnh máu khó đông.

"Tuần nào cháu cũng phải lên Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương để điều trị, chi phí rất tốn kém", chị Hương nói. Trước kia khi tàu còn đông khách, chị thường đi làm từ 6 giờ 30 cho tới tận 20 giờ mới nghỉ. Tuy vất vả nhưng bù lại thu nhập cũng được gần 4,5 triệu đồng/tháng. Hành khách giảm cùng với việc cắt giảm nhiều chuyến tàu, từ ngày 16.3, chị được tăng cường về Trạm Vận tải đường sắt Hải Phòng. Ở đây công việc ít, mỗi tuần chị chỉ đi làm 1 ngày. "Có lẽ tháng 3 này thu nhập của tôi chưa nổi 1 triệu đồng", chị nói.

Anh Hoàng Mạnh Vinh, Trạm trưởng Trạm Vận tải đường sắt Hải Dương cho biết: "Chúng tôi động viên anh em vững vàng vượt qua giai đoạn khó khăn, tạo điều kiện để anh em tìm kiếm việc làm phụ để có thêm thu nhập".

Theo chị Hương, muốn tìm việc phụ thời điểm này cũng không dễ do ảnh hưởng của dịch Covid-19. "Trước đây tôi từng nhận quần áo của một số cơ sở về cắt chỉ, nhưng bây giờ các cơ sở này đã dừng sản xuất vì không có nguyên liệu", chị Hương nói. Chưa kể đặc thù công việc, đơn vị gọi bất kể lúc nào là chị phải đi ngay. Những ngày sắp tới, chị chưa biết cuộc sống của gia đình mình sẽ ra sao.

Anh Đinh Văn Khôi làm nhân viên trực ban chạy tàu của ga Hải Dương được gần 20 năm. Nhiệm vụ của anh là thao tác xin và cho đường đón gửi tàu trên đài khống chế. Trước đây, lương của anh từ 5,5 - 6 triệu đồng/tháng nhưng với tình trạng khó khăn như hiện nay, anh chưa biết thu nhập của mình sau tháng 3 sẽ ở mức nào. Vợ anh là công nhân may, đồng lương cũng ít ỏi. "Là trụ cột trong gia đình, tôi không muốn gánh nặng đè lên vai vợ. Còn các con ăn học, bố mẹ già...", anh Khôi nói. 

Hiện nay, số chuyến tàu ít đi nhưng do đặc thù công việc, thời gian trực của anh không thay đổi. "Ngồi chờ tàu về nhưng các chuyến tàu thưa thớt, đi làm buồn lắm", anh Khôi chia sẻ. Đã có lúc anh muốn từ bỏ nghề để chuyển sang làm việc khác. 

LÊ HƯƠNG

(0) Bình luận
Ngành đường sắt gặp khó