Những tín hiệu tích cực về triển vọng phát triển doanh nghiệp

03/05/2021 18:27

Theo Tổng cục Thống kê, vốn đăng ký bình quân của một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng tư đạt 12,1 tỷ đồng, tăng 19,6% so với tháng trước và tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước.

Nhung tin hieu tich cuc ve trien vong phat trien doanh nghiep hinh anh 1

(Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 4.2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2020, tăng cao nhất trong các năm 2017-2020 và tăng ở tất cả các ngành kinh tế; vốn đăng ký tăng 41%. Đây là những tín hiệu tích cực về triển vọng phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới.

Cụ thể, trong tháng 4.2021, cả nước có gần 14,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 179,9 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký 94,6 nghìn người, tăng 33,1% về số doanh nghiệp, tăng 59,1% về vốn đăng ký và tăng 30% về số lao động so với tháng 3.2021.

Vốn đăng ký bình quân của một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 12,1 tỷ đồng, tăng 19,6% so với tháng trước và tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng, cả nước còn có 5.745 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 26,8% so với tháng trước và tăng 50,8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, trong tháng có 4.598 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 107,8% so với tháng trước và tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước; 5.608 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 62,2% và tăng 158,9%; 1.541 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,2% và tăng 57,2%.

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 4 tháng đầu năm 2021, cả nước có gần 44,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 627,7 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 340,3 nghìn lao động, tăng 17,5% về số doanh nghiệp, tăng 41% về vốn đăng ký và tăng 7,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đạt 14,2 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Nếu tính cả 792,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 14,9 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 4 tháng đầu năm 2021 là 1.420,6 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, còn có gần 19,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 4 tháng đầu năm 2021 lên 63,4 nghìn doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng có gần 15,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Cũng trong 4 tháng đầu năm nay, có 51,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Cụ thể, có hơn 28,3 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm trước; 16,4 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 17,5%; 6,7 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 32,2%. Trung bình mỗi tháng có gần 12,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Để tạo đà cho doanh nghiệp phát triển, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng, Tổng cục Thống kê cho rằng trong năm 2021, cần kích cầu đầu tư trong khối doanh nghiệp sản xuất cho xuất khẩu để chủ động nguồn hàng khi thị trường các nước trên thế giới mở lại bình thường và tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU đồng thời nhanh chóng phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, gồm cả ngành sản xuất sản phẩm phải nhập khẩu hiện nay và ngành sản xuất sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao để giảm áp lực nhập khẩu yếu tố đầu vào.

"Cần tăng cường xuất khẩu nông sản đã qua chế biến, áp dụng và đổi mới công nghệ trong nuôi trồng, chế biến để tăng năng suất và nâng cao chất lượng, tăng tính cạnh tranh đối với những mặt hàng nông sản xuất khẩu,” ông Thúy nhấn mạnh.

Về phía doanh nghiệp, doanh nghiệp mong Chính phủ ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông bảo đảm kết nối các khu vực sản xuất trọng điểm đến các cửa khẩu quốc tế; phát triển hệ thống logistics.

Ở trong nước, Chính phủ hỗ trợ thiết lập các trung tâm kỹ thuật nhằm hướng dẫn doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu xuất khẩu như kiểm tra chất lượng hàng hóa miễn phí hoặc phí ưu đãi theo tiêu chuẩn của nước nhập khẩu.

Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ, với trọng tâm là cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Những tín hiệu tích cực về triển vọng phát triển doanh nghiệp