Thay đổi để bứt phá

05/08/2019 07:44

M&A Vietnam Forum 2019 là cơ hội để các chuyên gia phân tích những thay đổi, chuyển biến cũng như rào cản về chính sách, nhằm thúc đẩy thị trường M&A trong nước.


Hoạt động M&A cũng đã góp phần nâng cao năng lực quản trị và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh tư liệu

Với chủ đề “Thay đổi để bứt phá”, Diễn đàn mua bán-sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam năm 2019 (M&A Vietnam Forum 2019) diễn ra tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 6.8 tới sẽ là cơ hội để các chuyên gia tập trung phân tích những thay đổi, chuyển biến cũng như rào cản về chính sách, nhằm thúc đẩy thị trường M&A trong nước. Từ đó, giúp các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước nhận diện nguồn hàng, nguồn vốn ngoại và các lĩnh vực sẽ tạo đột phá trong thời gian tới.

Một thập niên tăng trưởng mạnh

Diễn đàn M&A Việt Nam là Diễn đàn thường niên và duy nhất ở Việt Nam đã diễn ra liên tiếp trong một thập niên qua. Kể từ năm 2009, khi Diễn đàn M&A Việt Nam được tổ chức lần đầu tiên, hoạt động M&A đã phát triển mạnh mẽ về số lượng, quy mô thương vụ, trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả, góp phần làm đa dạng hóa các kênh thu hút vốn cho nền kinh tế Việt Nam, thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Hoạt động M&A cũng đã góp phần nâng cao năng lực quản trị và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Có thể thấy, sau một thập niên tăng trưởng mạnh mẽ với hàng ngàn giao dịch và tổng giá trị giao dịch đạt gần 50 tỷ USD, thị trường M&A Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới với nhiều cơ hội mới.

Tổng giá trị M&A tại Việt Nam năm 2018 đạt 7,64 tỷ USD, bằng 74,9% so với năm 2017. Nếu loại trừ đóng góp của thương vụ kỷ lục Sabeco, yếu tố gây đột biến cho hoạt động M&A tại Việt Nam năm 2017, thì giá trị M&A năm 2018 tại Việt Nam tăng 41,4%. Trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng giá trị các thương vụ M&A được công bố tại Việt Nam đạt 1,9 tỷ USD (bằng 53% cùng kỳ năm 2018). Và theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, giá trị nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước 7 tháng năm 2019 đạt 2,82 tỷ USD.

Các lĩnh vực sôi động nhất trong giai đoạn 2018-2019 tập trung vào lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng và bất động sản. Các thương vụ đáng chú ý cũng tập trung trong ngành tài chính tiêu dùng, bán lẻ, thủy sản, logistic, giáo dục…

Như vậy, trong năm 2019 và những năm tiếp theo, các thương vụ M&A sẽ tiếp tục tập trung nhiều vào lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ và bất động sản. Ngoài ra, các lĩnh vực viễn thông, năng lượng, hạ tầng, dược phẩm, giáo dục cũng được kỳ vọng sẽ đóng góp giá trị đáng kể cho hoạt động này trong giai đoạn tới...

Số lượng nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các thương vụ M&A, các vụ góp vốn, mua cổ phần tại Việt Nam cũng ngày càng nhiều. Xu hướng này, theo ông Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), sẽ ngày càng tăng thêm trong bối cảnh kinh tế Việt Nam vẫn đang diễn biến tích cực, thị trường ngày càng rộng mở khi nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được ký kết.

Thực tế, việc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần đã xuất hiện từ lâu, nhưng chỉ thực sự nổi lên mạnh mẽ sau khi Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực. Tới năm 2016, có 2.547 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần với tỷ lệ vốn lớn hơn 50% vốn điều lệ hoặc thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện với tổng vốn đầu tư là 3,425 tỷ USD.

Năm 2017, có 5.002 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 6,19 tỷ USD, tăng 45,1% so với năm 2016. Năm 2018, có 6.496 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 9,89 tỷ USD, tăng 59,8% so với năm 2017. Trong 7 tháng năm 2019, có 4.387 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 8,52 tỷ USD, tăng 77,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Dự báo năm 2019, giá trị M&A có thể đạt mốc 6,7 tỷ USD, bằng 88,16% so với 2018. Trong giai đoạn trung hạn, quy mô thị trường M&A Việt Nam đã vượt qua mốc 5 tỷ USD của giai đoạn 2014-2016 để ổn định ở mốc 6-6,5 tỷ USD. Tới đây, khi Luật Đầu tư được sửa đổi, sẽ tạo thêm “cú hích” cho hoạt động góp vốn, mua cổ phần, M&A phát triển. Tuy nhiên để đạt mốc 10 tỷ USD thì vẫn sẽ cần sự nỗ lực lớn hơn...

Tạo bước ngoặt trong chu kỳ mới để thị trường M&A bứt phá

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Ngọc Thống, Diễn đàn M&A Việt Nam 2019 là diễn đàn thường niên lần thứ 11 được kỳ vọng sẽ là cầu nối giữa các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, tạo điều kiện thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Diễn đàn năm nay sẽ tập trung đánh giá, phân tích và tìm ra các giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hoạt động M&A; đảm bảo cho thị trường M&A phát triển thuận lợi, mặt khác hạn chế được những tác động tiêu cực, bất lợi từ các thương vụ M&A. Đồng thời, diễn đàn sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển, tạo bước ngoặt mới trong chu kỳ mới của thị trường M&A Việt Nam.

Đặc biệt, trong bối cảnh đang có những chuyển động tích cực về các chính sách, như: dự thảo sửa đổi, bổ sung một số luật quan trọng (Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán), Nghị quyết về thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới lần đầu tiên dự kiến được Bộ Chính trị ban hành, việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như: CPTPP, EVFTA, Hiệp định bảo hộ đầu tư EVIPA… được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội lớn để Việt Nam tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có dòng vốn đầu tư thông qua hình thức M&A.

Bên cạnh đó, cũng theo Thứ trưởng Võ Thành Thống, Việt Nam đang thúc đẩy hoạt động M&A gắn với cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong các lĩnh vực. Cụ thể là vận tải, hạ tầng, lương thực, thực phẩm, nông nghiệp, viễn thông, thương mại, dịch vụ, du lịch, xây dựng... Do đó, đây sẽ là cơ hội lớn để các nhà đầu tư, doanh nghiệp quốc tế trở thành đối tác chiến lược của các doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội và thuận lợi, vẫn còn đó những thách thức phải đối mặt đến từ các yếu tố khách quan cũng như nội tại nền kinh tế Việt Nam. Bởi vậy, để thị trường M&A bứt phá đòi hỏi phải có sự quyết tâm và thay đổi mạnh mẽ nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư-kinh doanh, khơi thông dòng vốn chảy trong nước và quốc tế vào lĩnh vực M&A.

Diễn đàn M&A Việt Nam là hoạt động thường niên do Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo trợ, Báo Đầu tư và Công ty AVM Vietnam phối hợp tổ chức, bắt đầu từ năm 2009. Diễn đàn là nơi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thành công và rủi ro từ thực tiễn hoạt động M&A thông qua việc đánh giá, phân tích các thương vụ điển hình, là kênh kết nối và xúc tiến đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Với việc tổ chức Diễn đàn liên tiếp trong hơn một thập niên qua, Ban Tổ chức Diễn đàn M&A đã và đang thúc đẩy kênh đầu tư hiệu quả này cũng như góp phần tạo ra thị trường M&A minh bạch cả về chất và lượng, tạo ra giá trị cộng hưởng cho các bên liên quan.

Mỗi năm, Diễn đàn đều có một chủ đề riêng. Cụ thể: Năm 2009: Kinh nghiệm và cơ hội; Năm 2010: Hướng tới những thương vụ thành công; Năm 2011: Thời điểm để hành động; Năm 2012: Tạo giá trị cộng hưởng; Năm 2013: Cơ hội trong thị trường 5 tỷ USD; Năm 2014: Làn sóng thứ hai; Năm 2015: Chờ đón sự bùng nổ; Năm 2016: M&A trong không gian kinh tế mở; Năm 2017: Tìm bước đột phá; Năm 2018: Bước ngoặt mới. Kỷ nguyên mới; Năm 2019: Thay đổi để bứt phá.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Thay đổi để bứt phá