Vì sao Nhà máy đạm Ninh Bình lỗ gần 5.000 tỉ đồng?

05/03/2020 10:11

Kết quả Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa công bố theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.

Nhà máy đạm Ninh Bình

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã rót 667 triệu USD đầu tư dự án đạm Ninh Bình, nhưng đến nay sau 9 năm đưa vào vận hành, sản xuất, nhà máy rơi vào cảnh thua lỗ gần 5.000 tỉ đồng, âm vốn chủ sở hữu nhà nước 2.600 tỉ đồng, với giá than hiện nay nhà máy càng vận hành càng lỗ.

Chọn phương án đắt đỏ

Dự án Nhà máy đạm Ninh Bình được Vinachem phê duyệt khi hội đồng thành viên tập đoàn chưa thẩm định phương án tài chính, phương án trả nợ và chưa có báo cáo thẩm định công nghệ của Bộ Khoa học và công nghệ.

Bên cạnh đó, trước khi Vinachem quyết định đầu tư dự án, nhiều bộ, ngành đã có văn bản cảnh báo hiệu quả đầu tư dự án không cao, hồ sơ dự án chưa đề xuất cơ chế xử lý rủi ro trong và sau khi đầu tư nhà máy.

Nhưng Vinachem làm ngơ và tiếp tục phê duyệt đầu tư, dẫn đến Nhà máy đạm Ninh Bình vận hành, sản xuất kinh doanh thua lỗ, mất vốn nhà nước.

Ngay trong khâu lập dự án, Vinachem đã không tuân thủ chỉ đạo của Bộ Công nghiệp. Hai nội dung quan trọng của Nhà máy đạm Ninh Bình là công nghệ khí hóa than của Texco, tiêu chuẩn sản phẩm đạm urê của Việt Nam, nhưng khi lập, phê duyệt dự án Vinachem lại chọn công nghệ khí hóa than của Shell và tiêu chuẩn đạm urê của Trung Quốc để đầu tư.

Tổng vốn đầu tư Nhà máy đạm Ninh Bình được tính toán không đúng quy định, làm đội vốn đầu tư. Đến nay, không có cơ sở, căn cứ để tính toán nhiều hạng mục, khối lượng công việc tại dự án có giá trị khoảng 1.150 tỉ đồng trong tổng vốn đầu tư dự án được Vinachem duyệt.

Trong đó, chi phí thiết kế dự án hơn 31 triệu USD (khoảng 415 tỉ đồng), gấp gần 6 lần định mức cho phép; chi phí thuê tư vấn nước ngoài 5,2 triệu USD (khoảng 85 tỉ đồng); chi phí mua bản quyền của nước ngoài không có căn cứ khoảng 230 tỉ đồng...

Việc điều chỉnh tổng vốn đầu tư dự án dựa trên đàm phán giá gói thầu EPC giữa Vinachem với tổng thầu Tổng công ty thiết kế và thầu khoán Hoàn Cầu (HQCEC) Trung Quốc theo kết luận của KTNN là không đúng quy định. Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án khoảng 397 triệu USD, nhưng kết quả đàm phán ký kết giá hợp đồng EPC dự án tăng vọt lên 451 triệu USD.

Sau đó, tổng thầu HQCEC lại tiếp tục đề xuất tăng giá trị hợp đồng EPC lên 480 triệu USD, buộc Vinachem phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư Nhà máy đạm Ninh Bình lên 667 triệu USD.

Thua lỗ và mất khả năng trả nợ

Đến nay, tổng thầu HQCEC đã về Trung Quốc nhưng không cung cấp đầy đủ hồ sơ hoàn công, hồ sơ quản lý chất lượng, nhiều hạng mục thi công không đúng thiết kế nên không thể nghiệm thu.

Kết quả sản xuất kinh doanh của Nhà máy đạm Ninh Bình thua lỗ kéo dài trong thời gian qua, thời gian dừng nghỉ máy để khắc phục sự cố, hỏng hóc nhiều. Lỗ lũy kế của nhà máy đến 31-12-2018 hơn 4.900 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu nhà nước âm hơn 2.600 tỉ đồng.

KTNN đánh giá dự án Nhà máy đạm Ninh Bình có nhiều tồn tại, sai sót, tổng chi phí đề nghị quyết toán 12.400 tỉ đồng, đội vốn 1.600 tỉ đồng so với tổng vốn đầu tư dự án được duyệt.

Nhiều hạng mục tổng thầu Trung Quốc thi công không phù hợp với thiết kế, chưa nghiệm thu, thậm chí chưa thi công vẫn đưa vào quyết toán. Nhiều hư hỏng tại Nhà máy đạm Ninh Bình đến nay chưa được khắc phục, sửa chữa.

Theo KTNN, trong giai đoạn 2013-2018 Nhà máy đạm Ninh Bình hoạt động không hiệu quả, thua lỗ kéo dài, phương án tài chính bị phá vỡ do giá than tăng trên 15%, sản lượng sản xuất tiêu thụ thấp hơn 95%.

Về sản xuất và tiêu thụ, sản lượng thực tế tính theo năm không đạt so với công suất thiết kế và sản lượng sản xuất tại phương án tài chính. Năm 2015, sản lượng nhà máy đạt hơn 380.000 tấn, tương đương 69% công suất thiết kế; năm 2016, sản lượng nhà máy đạt 95.000 tấn, tương đương 17%; năm 2017 sản lượng sản xuất, tiêu thụ đạt gần 190.000 tấn, tương đương 34% lượng tiêu thụ dự báo trong báo cáo tài chính dự án.

Theo thiết kế, thời gian chạy máy trung bình hằng năm của Nhà máy đạm Ninh Bình để bảo đảm công suất thiết kế 560.000 tấn urê/năm là 320 ngày. Nhưng kể từ khi đưa vào vận hành, sản xuất thời gian chạy máy của Nhà máy đạm Ninh Bình đều không đạt công suất thiết kế.

Trong năm 2016, thời gian chạy máy của Nhà máy đạm Ninh Bình thấp kỷ lục, chỉ đạt 76 ngày, bằng 23,8% công suất thiết kế. Nguyên nhân số ngày dừng chạy máy của Nhà máy đạm Ninh Bình cao là do sự cố hư hỏng đột xuất phải sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ, dừng sản xuất do giá than cao nhưng giá đạm urê xuống thấp, sản xuất sẽ thua lỗ.

Chi phí sửa chữa thường xuyên của Nhà máy đạm Ninh Bình trong giai đoạn 2012-2018 khoảng 345 tỉ đồng.

Lỗ lũy kế của Nhà máy đạm Ninh Bình theo KTNN tính đến hết năm 2018 lên tới gần 5.000 tỉ đồng. Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình âm vốn chủ sở hữu hơn 2.600 tỉ đồng.

KTNN khẳng định với tình hình tài chính hiện nay trong 3 năm tới Nhà máy đạm Ninh Bình không có khả năng tự chi trả các khoản nợ đến hạn.

* Tháng 8.2005, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) quyết định đầu tư dự án Nhà máy đạm Ninh Bình, sử dụng công nghệ khí hóa than cám - Shell (Hà Lan) để sản xuất phân đạm, công suất thiết kế 560.000 tấn đạm urê/năm.

* Tổng vốn đầu tư ban đầu của dự án là 397 triệu USD, sau 2 lần điều chỉnh hơn 667 triệu USD, tương đương 10.800 tỉ đồng (tỉ giá năm 2007). Trong đó chi phí xây lắp 110 triệu USD, chi phí thiết bị 349 triệu USD, chi phí khác 77 triệu USD, dự phòng 37 triệu USD, lãi vay trong thời gian xây dựng nhà máy 76 triệu USD.

* Nhà máy đạm Ninh Bình được khởi công xây dựng tháng 5-2008.

* Sau 4 năm, tháng 10.2012, tổng thầu HQCEC Trung Quốc bàn giao nhà máy cho Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình đưa vào khai thác thương mại.

* Tháng 6.2017, ban quản lý dự án Nhà máy đạm Ninh Bình đề nghị quyết toán chi phí đầu tư dự án hơn 12.400 tỉ đồng, đội vốn 1.600 tỉ đồng so với tổng mức đầu tư được duyệt.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Vì sao Nhà máy đạm Ninh Bình lỗ gần 5.000 tỉ đồng?