Bất cập thù lao cán bộ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin

27/09/2020 09:07

Việc chi trả chế độ thù lao cho cán bộ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin cấp huyện, cấp xã trong tỉnh không thống nhất, gây nên sự bất bình đẳng giữa những người làm công tác hội.


Ông Nguyễn Tiến Thanh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin phường Việt Hòa (phải) không có chế độ thù lao

Sau khi Quyết định số 41/2016/QĐ-UBND ngày 21.12.2016 của UBND tỉnh có hiệu lực, việc chi trả phụ cấp cho cán bộ Hội Nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) ở nhiều địa phương trong tỉnh xuất hiện những bất cập, gây khó khăn cho những người tham gia công tác hội.

Thù lao cho cấp phó, nơi có, nơi không

Ở tỉnh ta, Hội NNCĐDC/dioxin có cả 3 cấp: tỉnh, huyện và xã. Ở cấp xã, những nơi có đủ từ 10 hội viên trở lên được UBND cấp huyện ra quyết định thành lập hội, còn lại gọi là chi hội.

Ở cấp huyện, cán bộ hội có 2 người gồm Chủ tịch và Phó Chủ tịch hội. Hiện các Chủ tịch hội cấp huyện đều được hưởng chế độ thù lao theo quy định chung, hệ số bằng 2,2 lần mức lương tối thiểu. Đối với Phó Chủ tịch hội, việc chi trả giữa các địa phương không giống nhau, theo kiểu mạnh ai nấy làm. Theo ông Vũ Xuân Thu, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh, hiện có TP Hải Dương và các huyện Cẩm Giàng, Thanh Hà chi trả thù lao cho Phó Chủ tịch hội cấp huyện. Các địa phương còn lại không chi trả.

Được biết, việc chi chế độ thù lao của các địa phương căn cứ theo Quyết định số 41/2016/QĐ-UBND ngày 21.12.2016 của UBND tỉnh về quy định chế độ thù lao đối với người đã nghỉ hưu giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách tại các hội có tính chất đặc thù. Theo quyết định này, chỉ có Chủ tịch hội (từ tỉnh đến cơ sở) mới được hưởng thù lao. Phó Chủ tịch hội cấp huyện không thuộc diện hưởng. Việc chi trả của các huyện Thanh Hà, Cẩm Giàng và TP Hải Dương căn cứ theo Quyết định số 11/2014/QĐ-UBND ngày 15.5.2014 của UBND tỉnh. Ngày 1.1.2017, Quyết định số 41 của UBND tỉnh đã thay thế Quyết định số 11.

Như vậy, việc các địa phương không chi trả phụ cấp cho Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin là đúng nguyên tắc, nhưng việc không có thù lao dành cho cấp phó làm cho hoạt động của hội cấp huyện gặp nhiều khó khăn. Những nơi không được chi trả thù lao phải tìm nguồn để hỗ trợ một phần cho Phó Chủ tịch hội.

Ông Cao Thọ Hòa, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin huyện Gia Lộc cho biết nếu không có sự hỗ trợ cho cấp phó rất khó để duy trì hoạt động của hội. Tham gia hoạt động hội thường xuyên nhưng lại không có phụ cấp thì gần như không ai muốn làm. Khi địa phương cấp thù lao cho cấp phó, ông Hòa đành phải san sẻ mức hỗ trợ của mình cho cấp dưới.

Thiếu công bằng

Việc chi trả thù lao đối với cán bộ hội cấp xã cũng bộc lộ nhiều bất cập, thiếu công bằng. Theo ông Thu, hiện có 155 trong tổng số 235 hội, chi hội cấp xã có chế độ thù lao. Những nơi không có phụ cấp chủ yếu do cán bộ hội không phải là người đã nghỉ hưu, hội được công nhận là hội đặc thù sau ngày 1.1.2017, hội chưa đủ 50 hội viên...  Chính những quy định này đã tạo nên sự bất cập, thiếu công bằng đối với những người đảm nhận chức Chủ tịch hội cấp cơ sở.

Hội NNCĐDC/dioxin phường Việt Hòa (TP Hải Dương) hiện có hơn 50 hội viên. Ông Nguyễn Tiến Thanh đảm nhận chức Chủ tịch hội từ năm 2016, công việc không khác gì những Chủ tịch hội cơ sở khác như vận động phát triển hội viên; vận động các tổ chức, cá nhân tặng quà nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn; tuyên truyền về thảm họa da cam… Theo quy định hiện hành, ông Thanh không được hưởng thù lao đối với cán bộ hội cấp cơ sở. “Tháng 3.2017, tôi được hưởng trợ cấp, đến tháng 8.2018 bị cắt. Nguyên nhân do Hội NNCĐDC/dioxin phường Việt Hòa có quyết định thành lập từ ngày 17.3.2017. Đây là thời điểm sau khi Quyết định số 41 của UBND tỉnh có hiệu lực nên tôi không được nhận chế độ thù lao nữa”, ông Thanh chia sẻ.

Huyện Ninh Giang cũng có cán bộ 4 hội cấp xã không được nhận phụ cấp là ở Kiến Quốc, Hồng Phong, Hồng Phúc và Hồng Đức. Ông Lê Trung Mỹ, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin huyện Ninh Giang cho biết lý do cán bộ không phải là cán bộ hưu trí.

Hầu hết cán bộ hội cấp xã ở Gia Lộc cũng không có chế độ thù lao làm cho nhiều người bức xúc khi so sánh với các đơn vị đồng cấp khác.

Theo Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh Vũ Xuân Thu, không có phụ cấp thì hội rất khó tìm người đảm đương nhiệm vụ, đặc biệt là ở cấp xã. Vì thế Chính phủ cần xem xét quy định chỉ có người đã nghỉ hưu giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách tại các hội mới được hưởng chế độ thù lao. Mở rộng nhóm đối tượng được hưởng sang những người không thuộc diện hưu trí để bảo đảm công bằng cho những người cùng làm một chức danh. UBND tỉnh cần xem xét, thống nhất việc chi trả chế độ thù lao đối với các chức danh lãnh đạo hội các cấp; mở rộng nhóm đối tượng được hưởng là những hội được công nhận hội đặc thù sau ngày 1.1.2017 để bảo đảm công bằng cho các đơn vị cấp xã...

NGỌC THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bất cập thù lao cán bộ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin