Bồi hồi áo Tết tuổi thơ

24/01/2020 11:25

Khi gót xuân chạm thềm giữa lất phất mưa phùn, lòng người nôn nao, rạo rực, vỡ òa phút giây đoàn tụ, tôi lại bồi hồi nhớ những mùa Tết xưa.

Tết trong ký ức tuổi thơ là cả một khoảng trời lấp lánh sắc màu, ở đó có niềm vui trong trẻo khi được cầm trên tay những phong bao lì xì, có vị ngọt ngào của bánh mứt, có niềm háo hức rộn ràng trống lân… Lặng thinh hồi tưởng lại tháng ngày đã xa hun hút, lại chạnh lòng nhớ những tấm áo mới được mẹ sắm vào những ngày cuối năm. Dường như niềm vui sướng khó tả khi nâng niu bộ đồ Tết trên tay vẫn còn trong tôi nguyên vẹn.

Đó là những năm tháng chật vật áo cơm, quanh năm cha mẹ tôi lam lũ với nắng mưa ruộng đồng. Như một cuộc chạy đua với thời gian, bắt đầu từ tháng chạp cận Tết, cha mẹ tôi lại càng vất vả hơn với ngổn ngang những lo toan. Vừa phải lo về cái ăn, sinh hoạt trong nhà vừa chuẩn bị cho ngày Tết, trang hoàng trước sau, sửa soạn mâm cỗ chỉn chu dâng lên ông bà. Ấy thế mà mẹ vẫn luôn dành dụm, tằn tiện để chị em tôi có những tấm áo mới, để những ánh mắt non nớt, trong veo không dâng lên niềm thất vọng.

Có năm dư dả được chút ít, mẹ sẽ dẫn chị em tôi đi chợ Tết, ngay trong chiều hai chín, ba mươi,  khi ngày Tết đã cận kề. Có năm túi tiền không đủ để sắm sửa cho con, mẹ sẽ tháo những tấm áo len cũ rồi ngồi tỉ mẩn đan lại, vì đang tuổi ăn tuổi lớn nên chị em tôi lớn nhanh như thổi, không còn mặc vừa áo của năm trước. Áo cũ nhưng được mẹ đan lại cũng thành áo mới, tôi mặc đi khoe với đám bạn quê, nụ cười giòn bung nở trên khóe môi chúm chím. Mẹ tôi nhìn theo mỉm cười âu yếm, ánh mắt chứa chan niềm vui ấm áp...

Háo hức nhất vẫn là lúc được mẹ nắm tay dẫn đi chợ Tết, chị em tôi ríu ran nói cười suốt quãng đường. Tết chưa bao giờ thôi gợi lên niềm chộn rộn, nôn nao trong thế giới trẻ thơ diệu kỳ. Ở đầu chợ bày các sạp hàng bán rau quả, thịt cá, muốn mua áo quần phải men theo con đường nhỏ nằm giữa ô che, thúng mủng, đến gần phía cuối chợ. Tuy không bày bán đa dạng kiểu cách như bây giờ nhưng nơi đó là cả một bầu trời ao ước của những đứa trẻ quê ngày ấy. Chúng tôi hồi hộp, ngóng đợi được khoác lên mình tấm áo mới tinh tươm, được xỏ vào chân đôi dép vừa vặn như ý. Dù chỉ là tấm áo cổ lọ thêu họa tiết bình dị như con chim, mặt trời, hay chiếc mũ cối đơn sơ, đôi dép tổ ong mộc mạc, nhưng cũng đủ làm chúng tôi mê tít. Niềm vui lan vào trong cả những giấc mơ, để khi nghĩ đến tôi lại tủm tỉm cười.

Lớn lên rồi, có đôi khi nhớ làm sao mùi vải mới của tấm áo tuổi thơ. Ngày ấy khi cầm trên tay chiếc áo mới, lòng tôi lâng lâng vui sướng mà hít hà mùi vải, mùi thuốc nhuộm còn phảng phất nhè nhẹ, rồi đem cất kỹ trong hòm, cứ sợ rằng lúc giặt phơi sẽ bị nắng gió làm phai màu. Nằm trong nhà, lòng tôi cứ mãi khấp khởi, nôn nao, mong giao thừa đến thật nhanh để có thể xúng xính chiếc áo mới, rồi hãnh diện khoe với bạn bè.

Ngày ấy, tôi đâu để ý, khi Tết về, mẹ cũng chỉ mặc những manh áo cũ. Đến tận bây giờ khi đời sống thay đổi, chị em tôi vẫn hay gửi về biếu mẹ những chiếc áo mới với các màu sắc, kiểu dáng khác nhau, nhưng mẹ chỉ cất trong tủ mà không thường mặc đến. Mẹ bảo rằng mẹ có tuổi rồi, điều mẹ thật sự cần đâu phải là những chiếc áo. Tôi cay xè khóe mắt khi nghĩ đến lúc nhỏ, chị em tôi ngóng chờ được mẹ sắm cho áo mới, còn bây giờ, mẹ từng ngày khắc khoải đợi trông đàn con về đoàn tụ.

Tết về, đôi lúc tôi ước mình bé lại để được khoác tấm áo mẹ đan từ những sợi len cũ, bằng bao đêm chập chờn ánh sáng tỏa ra từ ngọn đèn dầu và tình yêu thương vô bờ không thể đong đếm. Cảm ơn mẹ, cảm ơn tuổi thơ đã giúp con biết trân quý hơn tấm áo hôm nay con đang mặc cùng tất thảy những bài học được đánh đổi bằng bao tháng năm nhọc nhằn…

TRẦN VĂN THIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bồi hồi áo Tết tuổi thơ