Chuyển biến tích cực trong việc tang ở xã Hưng Đạo

17/11/2018 10:41

Nỗ lực của cấp uỷ, chính quyền địa phương cùng với sự đồng thuận của người dân ở xã Hưng Đạo đã tạo nên những chuyển biến tích cực trong việc tang.


Cán bộ xã và các thôn Xuân Nẻo, Ô Mễ họp bàn, rút kinh nghiệp về tình hình thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang

Từ lâu, Hưng Đạo được biết đến là một trong những xã có kinh tế phát triển của huyện Tứ Kỳ. Nhưng “phú quý sinh lễ nghĩa”, nhiều loại lễ nghi ngày càng ăn sâu bén rễ trong đời sống người dân. Điển hình nhất là những phong tục rườm rà, lãng phí trong tổ chức việc tang.

Anh Nguyễn Hữu Chín, cán bộ văn hóa xã cho biết trước đây những gia đình có việc tang thường tổ chức ăn uống trong nhiều ngày. Ngoài những bữa phụ lên đến hàng chục mâm cỗ thì vào bữa chính (sau khi chôn cất xong người quá cố), có gia đình làm cả trăm mâm cỗ để mời bà con họ hàng khắp làng trên xóm dưới. Ăn uống linh đình trong lúc tang gia vốn đã là hình ảnh không đẹp lại gây tốn kém và lãng phí cho gia chủ. Ngoài ra, còn có nhiều tập tục, hủ tục rườm rà tạo hình ảnh xấu, ảnh hưởng đến nếp sống văn minh và môi trường. Hầu hết các đám ma đều rải tiền mã và tiền thật dọc đường đi. Nhiều gia đình thuê đội thổi kèn, khóc mướn với âm lượng lớn, thời gian kéo dài, ảnh hưởng đến cuộc sống của những người xung quanh...

Trước tình trạng này, cách đây khoảng 5 năm, Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang. UBND xã chỉ đạo tất cả các hội, đoàn thể tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động người dân tham gia. Tại các thôn, chủ trương này thường xuyên được quán triệt sâu rộng trong các cuộc họp chi bộ, quân dân chính. Các Hội: Người cao tuổi, Cựu chiến binh, Phụ nữ, Nông dân... coi đây là một trong những nội dung chính trong việc tuyên truyền, vận động hội viên. Đặc biệt là 3 thôn trong xã gồm Xuân Nẻo, Ô Mễ và Lạc Dục đều đưa nội dung lành mạnh trong việc tang vào các bản quy ước, hương ước của làng.  

Cứ như thế, kiểu "mưa dầm thấm lâu", chủ trương đã đi vào cuộc sống. Việc tang ở xã Hưng Đạo đến thời điểm này đã có những chuyển biến tích cực. Anh Trần Anh Tuấn, Trưởng thôn Xuân Nẻo cho biết: Hiện các gia đình trong thôn khi có việc tang đều thống nhất sắm 3vòng hoa để các tổ chức, đoàn thể đến phúng viếng theo kiểu luân chuyển. Người dân bỏ hẳn thói quen rải vàng mã và tiền thật dọc đường đi, chỉ đốt ít vàng mã tại những điểm tập trung. Trong các đám ma không còn hiện tượng khóc thuê, mời thuốc lá. Các gia đình cũng chỉ làm cỗ với những món ăn đơn giản để con cháu, người thân và đại diện một số gia đình cùng ngõ xóm đến ăn cơm chia buồn. Về cơ bản, các đám ma đã giảm được rất nhiều chi phí. Tục cúng 49 hoặc 100 ngày cũng được người dân giản tiện rất nhiều, trong đó làm cỗ không còn mở rộng như trước mà chủ yếu chỉ dành cho con cháu trong lúc nhà có việc.

Không chỉ riêng Xuân Nẻo mà các thôn Ô Mễ, Lạc Dục cũng có sự chuyển biến trong việc tang vốn được coi là một tập tục với nhiều nghi lễ rườm rà từ trước đến nay. Ngoài những thay đổi cơ bản như ở Xuân Nẻo, người dân thôn Ô Mễ còn tự nguyện đóng góp xây nhà quản trang tại nghĩa trang của thôn. Ngôi nhà này để người dân trú mưa, trú nắng trong các đám tang, là nơi để những người không còn người thân ở quê, khi mất đưa về làm chốn tổ chức các nghi lễ trước giờ chôn cất. Chưa có nhiều địa phương làm được việc này như thôn Ô Mễ. Thôn Lạc Dục cũng có nét riêng, tất cả 6 xóm đều xây dựng được đội chuyên hỗ trợ miễn phí đào huyệt chôn cất cho các gia đình có đám ma (mỗi đội từ 5-7 người). Việc làm này giúp các gia đình giảm bớt nỗi lo khi nhà có việc, đồng thời củng cố thêm tình đoàn kết của người dân.

Hầu hết các gia đình khi thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang đều nhận thấy những mặt tích cực. Ông Phạm Văn Thành (ở thôn Xuân Nẻo) có người thân mất cách đây khoảng 5 tháng. Ông Thành cho biết: “Gia đình tôi làm chưa đầy 20 mâm cỗ cho con cháu trong nhà và đại diện người trong dòng họ đến chia buồn. Chúng tôi cũng không phải lo nhiều tập tục nên  đám xá đỡ vất vả và chu đáo hơn. Tôi thấy chủ trương này rất thiết thực, không chỉ thể hiện nếp sống văn minh mà còn giúp người dân tiết kiệm được nhiều chi phí không đáng có”.

Nỗ lực của cấp uỷ, chính quyền địa phương cùng với sự đồng thuận của người dân ở xã Hưng Đạo đã tạo nên những chuyển biến tích cực trong việc tang. Đặc biệt, đến nay đã có hơn 50% số gia đình trong xã chọn hình thức hỏa táng cho người quá cố. Theo thống kê của cán bộ địa phương, tỷ lệ hỏa táng đang ngày càng tăng. Điều này cơ bản phản ánh nhận thức của người dân trong việc tang đã được nâng lên chứ không phải do quỹ đất dành cho nghĩa trang của địa phương quá hạn hẹp.

Những chuyển biến trong việc tang đã góp phần xây dựng cuộc sống văn minh ở các làng quê, giúp xã Hưng Đạo cán đích nông thôn mới vào đầu năm 2017.

THANH NGA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyển biến tích cực trong việc tang ở xã Hưng Đạo