Dai dẳng nỗi đau da cam

10/08/2019 14:07

Trong ngôi nhà của nhiều nạn nhân da cam, niềm vui là một thứ gì đó khá xa xỉ. Cả đời họ phải sống trong nỗi đau bệnh tật giày vò, tương lai mù mịt khi những thế hệ sau sinh ra ngờ nghệch...

Bà Thôn trở thành "bác sĩ" bất đắc dĩ chăm sóc cho chồng mắc bệnh hiểm nghèo do ảnh hưởng của chất độc da cam

Những đứa con khờ dại

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Ngô Văn Hỹ (sinh năm 1940, ở xã Nhật Tân, Gia Lộc) vào đúng ngày Hải Dương đang bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Trong căn nhà mới xây còn vương mùi vôi vữa, 4 đứa con của ông Hỹ không đi chơi đâu mà chỉ quanh quẩn ở nhà. Rót xong cốc trà mời khách, bà Mai Thị Kệ (vợ ông Hỹ) chỉ vào những đứa con buồn bã nói: "Người ta sinh con còn được nhìn chúng trưởng thành, rồi dựng vợ gả chồng. Còn tôi, có đến 3 cô con gái cứ mãi khờ dại, có lớn mà không có khôn. Anh con trai cũng thế nhưng may mắn còn có người thương theo về làm vợ". 3 người con gái của bà Kệ đã luống tuổi, đứng mỗi người một nơi trong nhà, thỉnh thoảng họ lại đổi chỗ cho nhau. Còn người con trai nhỏ thó, dáng vẻ ngờ nghệch lấp ló sau cánh cửa bếp bị vã nước mưa. 

Bà Kệ kể lần lượt từng đứa con ra đời đều có biểu hiện chậm giao tiếp. Đưa đi khám, bác sĩ đều bảo các con của ông bà bị thiểu năng trí tuệ. Đứa nào cũng được cho đi học nhưng cứ ôm sách vở đến cửa lớp rồi đứng đến cuối ngày lại về, thầy cô, bố mẹ dỗ dành thế nào cũng không chịu vào chỗ ngồi học. Càng lớn, họ không chỉ ngờ nghệch mà còn trở nên ương ngạnh, khó bảo, mỗi khi không vừa ý lại quăng quật đồ đạc và cãi chửi bố mẹ...

Còn nhịp sống trong căn nhà của ông Nguyễn Hoài Long (sinh năm 1945, ở xã Gia Hòa, Gia Lộc) dường như chậm hơn. Anh Nguyễn Văn Lách (sinh năm 1974), con trai ông Long đang đứng dựa cột hiên mới nhoẻn miệng cười một cách vô thức. Lúc sau, cậu con trai của anh Lách chừng 10 tuổi chơi bên hàng xóm chạy về, được ông nội nhắc mới cất tiếng chào khách. Ông Long kể anh Lách còn một người con nữa vừa mới học xong văn hóa ở Trung tâm Bảo trợ xã hội Hải Dương theo diện người khuyết tật. Cả 3 bố con anh Lách không chỉ bị thiểu năng trí tuệ mà còn bị bệnh về mắt, bệnh ngày càng trầm trọng nếu không chữa trị sẽ có nguy cơ mù hẳn.

Bi kịch ấy của gia đình ông Hỹ, ông Long khởi nguồn từ tội ác chiến tranh của giặc Mỹ. Chất độc hóa học màu da cam mà Mỹ rải xuống các cánh rừng, nơi các ông đóng quân đã ngấm vào cơ thể họ và truyền sang những đứa con, đứa cháu. Ở tỉnh ta, tính đến thời điểm này có hơn 8.000 nạn nhân chất độc da cam (CĐDC), trong đó có gần 2.000 nạn nhân gián tiếp thuộc thế hệ thứ 2. Ngoài ra, còn có khoảng 300 người thuộc thế hệ thứ 3 nghi bị ảnh hưởng CĐDC chưa được xác định. Hầu hết những người thuộc thế hệ thứ2, thứ 3 bị ảnh hưởng lớn đến sức khỏe như mắc bệnh thiểu năng trí tuệ, nhận thức kém, thậm chí không tự chủ được mọi việc trong sinh hoạt hằng ngày.

Niềm đau khôn nguôi

Tại Đại hội thi đua "Vì nạn nhân CĐDC" TP Hải Dương lần thứ III năm 2016, những dòng chia sẻ của bà Trần Thị Thôn ở phường Hải Tân, gia đình có 4 người chịu ảnh hưởng CĐDC (gồm vợ chồng bà, con trai và cháu nội) làm nhiều người rơi lệ. Đối với bà Thôn, suốt bao năm qua, nỗi đau mà CĐDC gây nên chưa bao giờ thôi ám ảnh. Bà Thôn và chồng từng tham gia cuộc chiến chống Mỹ, cứu nước, làm nhiệm vụ trên con đường Trường Sơn huyền thoại suốt thời kỳ từ năm 1965 đến năm 1974. “Sau khi đất nước thống nhất, vợ chồng tôi như bao gia đình khác được sống trong độc lập, xây dựng cuộc sống mới. Nhưng hạnh phúc đến với gia đình tôi thật khó khăn, chỉ hơn 10 năm sống yên bình, đến cuối những năm 80, vợ chồng tôi đều mắc bệnh hiểm nghèo. Sau đó không lâu, con trai tôi bị suy nhược cơ thể, mắc bệnh thiếu máu và ung thư gan. Năm 2008, con tôi mất ở tuổi 35. Tội nghiệp nhất là đứa cháu gái sinh năm 1997 bị thiểu năng trí tuệ bẩm sinh, lớn rồi mà vẫn ngây dại”, bà Thôn kể.

Năm nay, bà Thôn 73 tuổi. Bản thân bà cũng bị ảnh hưởng của CĐDC. Dù mang trong mình bao nhiêu thứ bệnh nhưng bà luôn phải gắng gượng chăm chồng, chăm cháu. Bà kể nhà neo người, có thời điểm ông đi viện trên Hà Nội, bà phải mang theo cháu lên để tiện chăm sóc. Nhắc về hoàn cảnh của mình, bà Thôn bảo: “Từ lâu, tôi đã xác định cả quãng đời còn lại phải sống chung với nỗi đau bệnh tật, mất con và sự khờ dại của cháu gái. Điều khiến tôi suy nghĩ nhiều nhất là nếu mai kia vợ chồng tôi mất đi không biết tương lai của cháu sẽ về đâu”.

Một phần do ảnh hưởng của CĐDC nên những năm gần đây sức khỏe ông Hỹ yếu đi trông thấy. Hai năm nay ông bị tai biến, đi lại run rẩy, nói năng vô cùng khó nhọc. Bà Kệ bị thoát vị đĩa đệm đang chạy chữa khắp nơi. Lo cho mình đã khó mà ông bà còn phải hết mực chăm lo cho cả đàn con khờ dại. Bà Kệ chỉ biết lắc đầu ngao ngán: “Thôi thì cứ lo được ngày nào hay ngày ấy. Còn sống ngày nào thì mình phải lo cho chúng nó ngày ấy thôi chứ hoàn cảnh này tôi biết làm sao khác được đây”.

Nói về nỗi đau mà nạn nhân CĐDC phải gánh chịu, ông Phạm Mạnh Kiên, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin TP Hải Dương nghẹn lời: “Tôi đã từng gặp nhiều gia đình nạn nhân CĐDC, có người tiền tỷ trong tay nhưng với họ niềm vui chưa bao giờ trọn vẹn. Họ sẵn sàng đánh đổi tất cả để có sức khỏe, có những đứa con, đứa cháu khỏe mạnh, bình thường như chúng bạn cùng trang lứa, nhưng điều đó không thể đạt được…”.

NGỌC THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dai dẳng nỗi đau da cam