Dạy con tuổi "ẩm ương" - chuyện không dễ

08/12/2019 15:03

Ở độ tuổi dậy thì - cái tuổi thường được gọi là "ẩm ương", con cái có sự biến đổi nhiều về tâm sinh lý làm cho phụ huynh khó xử khi dạy dỗ.

Tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ "Mẹ và con gái" giúp các chị em có thêm nhiều kiến thức nuôi dạy con tốt hơn

Nếu không xử lý khéo léo, mối quan hệ giữa cha mẹ và con trong gia đình sẽ căng thẳng.

Đau đầu vì con

Đây là tình trạng chung của nhiều gia đình khi có con bước vào tuổi teen (khoảng từ 13-17 tuổi). Nhiều trẻ trước đây ngoan ngoãn, nghe lời bố mẹ thì ở lứa tuổi này thường phản ứng lại với ý kiến của cha mẹ. 

Chị Trần Thị Hằng ở phố Lê Thánh Tông (TP Hải Dương) đang rơi vào tình trạng không thể hiểu nổi cậu con trai của mình. Theo chị Hằng, từ bé con trai chị khá ngoan và hiền lành, cháu rất nghe lời bố mẹ.

Nhưng từ khi học lớp 6, cháu bắt đầu có việc làm trái lời bố mẹ như tự ý sử dụng tiền tiết kiệm mà không hỏi ý kiến mẹ. Rồi sau đó là hàng loạt những việc làm mà theo chị Hằng là không bình thường như ăn mặc không giống ai, tỏ thái độ không thích khi mẹ tự ý vào phòng...

Có lần đi chợ về chị nhìn thấy con trai đi cùng một bạn nữ, trò chuyện vui vẻ. Tối về chị đã hỏi con, thậm chí chị Hằng còn chủ động xin bằng được số điện thoại của mẹ bạn nữ kia gọi điện để thể hiện thái độ cấm cản. Khi biết được việc mẹ làm, con trai chị Hằng đã giận dỗi, không nói chuyện với mẹ hàng tuần, mặc cho chị giải thích lý do muốn tốt cho con.

Chị Vũ Thị Hường ở thôn Đông Phan, xã Tân An (Thanh Hà) cũng rơi vào tình huống dở khóc dở cười khi dạy con tuổi "ẩm ương". Con gái chị Hường năm nay 14 tuổi, nhưng đã lâu rồi hai mẹ con không thể trò chuyện với nhau quá 2 câu.

Ngày bé mỗi ngày đi học về con đều líu lo kể đủ thứ chuyện ở lớp, nhưng từ ngày học THCS, những câu chuyện cứ thưa dần và bây giờ con học gì, chơi với ai chẳng thấy con kể. Lại bận việc buôn bán nên chị Hường cũng ít có thời gian tâm sự hay chuyện trò cùng con.

Đã ít nói chuyện nhưng cứ hễ nói là mẹ con lại vằng nhau. "Nhiều lúc thấy con ăn nói thủng thẳng, ăn mặc lôi thôi mình góp ý thì nó lại bảo mẹ biết gì, đấy là mốt của bọn con bây giờ. Mình nói thêm là nó cãi thêm, lắm lúc chỉ muốn đánh cho một trận, nhưng chẳng lẽ con lớn rồi hơi tí lại đánh", chị Hường chia sẻ.

Còn rất nhiều ông bố, bà mẹ nảy sinh căng thẳng với chính con mình. "Nhiều lúc cảm thấy mệt mỏi vì không thể nói được con, bảo con làm việc gì thì con cứ "tí nữa".

Nói con những việc chưa đúng thì nó tỏ thái độ vùng vằng, mồm còn lẩm bẩm như muốn cãi lại. Lắm hôm mẹ chưa nói xong con đã cãi xong... Nói chung là nuôi con ở tuổi người lớn chưa tới, trẻ con chưa xong này không dễ chút nào", chị Hoàng Thị Thu ở thôn Ô Mễ, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ), có con gái 14 tuổi chia sẻ.

Học cách chia sẻ

Theo Tiến sĩ Hoàng Trung Học, Trưởng Khoa Giáo dục Học viện Quản lý giáo dục, chuyên gia tâm lý cho biết dậy thì là một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời. Ở lứa tuổi này, thể chất và tinh thần ở trẻ có nhiều thay đổi. Các em dễ tự ái cũng như cảm thấy tổn thương khi bị bố mẹ quát mắng nặng lời, thậm chí có nhiều hành động nông nổi. Vì đặc điểm tâm lý này mà bố mẹ tỏ ra nghiêm khắc quá cũng không được mà thả lỏng quá cũng không xong.

Theo bà Phạm Thị Phương, Trưởng Ban Gia đình - Xã hội Hội Phụ nữ tỉnh, để hiểu được con cái, bố mẹ cần dành nhiều thời gian để trò chuyện cùng con. Muốn con cái tự mở lòng thì bố mẹ cần hiểu tâm lý và dành sự quan tâm hợp lý cho con.

Bản thân các bậc phụ huynh cũng từng trải qua khoảng thời gian này nên hãy quan tâm, ứng xử với con một cách phù hợp nhất để có thể hiểu biết những điều đang xảy ra xung quanh cuộc sống của con. Phụ huynh nên trò chuyện với con về những việc diễn ra ở trường, ở nhà, quan hệ với bạn bè... và chia sẻ, định hướng kịp thời khi con có suy nghĩ tiêu cực.

Ở giai đoạn này trẻ thể hiện cái tôi nhiều nhất nên bố mẹ hãy cho con quyền tự quyết trong một số vấn đề dựa trên sự thảo luận vấn đề đó với bố mẹ. Khi con được tôn trọng, các con mới dám biểu lộ quan điểm của mình và bố mẹ có thể đóng góp ý kiến, phân tích giúp con có lựa chọn tốt nhất.

Bố mẹ cũng cần chuẩn bị cho mình những kiến thức cần thiết về tâm sinh lý lứa tuổi để có thể hiểu và gần gũi con hơn. Hội Phụ nữ tỉnh có nhiều mô hình câu lạc bộ như "Mẹ và con gái", "Nuôi dạy con tốt"... giúp chị em có thêm kiến thức trong nuôi dạy con, giúp mẹ và con gần gũi nhau hơn.

Một số bậc cha mẹ cũng tự học hỏi, đúc rút cho mình những kinh nghiệm riêng. Theo anh Đoàn Văn Trung ở phố Ngô Tất Tố, phường Quang Trung (TP Hải Dương), để tìm được tiếng nói chung với các con ở lứa tuổi dậy thì không quá khó.

"Tôi thường chia sẻ cho các con nghe về câu chuyện thời dậy thì của mình. Tôi cũng rất nhẹ nhàng khi hỏi chuyện các con, nếu thấy chúng vui vẻ tôi sẽ hỏi tiếp, còn khi các con không vui tôi sẽ để dịp khác hỏi. Tôi hay rủ các con cùng làm việc nhà hoặc đưa các con đi ăn món ăn vặt, nhiều khi cũng học cách sử dụng ngôn ngữ "teen" để tạo sự gần gũi với các con. Muốn các con chia sẻ, mình phải để chúng coi mình là bạn", anh Trung chia sẻ.

TÂM PHÚC

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dạy con tuổi "ẩm ương" - chuyện không dễ