Khi chồng là “nội tướng”

26/09/2021 10:07

Nhìn cả nhà quây quần bên mâm cơm ấm cúng, nói cười vui vẻ, Quang bỗng nhớ lại những ngày đầu anh phải thay vợ đảm nhận nhiệm vụ “nội tướng”.


Vừa ra khỏi cơ quan, Quang vội vàng phóng xe về đón con nhỏ đang đứng đợi ở cổng trường, sợ con chờ lâu rồi khóc. Trên đường chở con về nhà, anh ghé vào chợ mua đồ ăn. Vừa nhìn thấy anh, mấy bà, mấy chị bán rau, bán thịt đã chào đon đả: “Hôm nay có thịt ngon lắm chú mua đi, khách quen chị ưu tiên giảm giá cho một tí”. Chị bán rau cũng không kém: “Cải bắp ngon lắm, chú lấy một cái nhé”. Quang nhấc cái cải bắp lên ước lượng độ nặng nhẹ với động tác rất thuần thục. Thấy thế, cô bán rau ngồi bên cạnh liếc xéo một cái rồi bĩu môi: “Đàn ông gì mà kỹ tính và keo thế”. Nghe thế, Quang cảm thấy tự ái, đỏ mặt tía tai, vội thanh toán tiền rồi phóng xe về nhà.

Vừa về đến đầu ngõ, anh lại nghe mấy tiếng xì xèo to nhỏ ở sau lưng: “Anh ấy sao chịu khó thế, ngày nào cũng đi chợ thay vợ, giá mà ông xã nhà mình cũng chịu khó như vậy thì hay biết mấy. Thật hiếm có người đàn ông nào chịu khó như anh ấy...”. Vừa mới ở chợ bị mấy bà “giáng một đòn chí tử”, về gần tới nhà lại bị giáng tiếp một trận  nữa, khiến Quang bị sốc. Anh cảm thấy vừa xấu hổ vừa bực bội, muốn vứt tung tất cả đồ ăn, lao vào nhà rồi đóng sập cửa lại. Tại sao mình lại lấy người vợ làm ca kíp để bây giờ phải khổ thế này. Mọi người nhìn thấy anh đi chợ như nhìn thấy một người ngoài hành tinh khác đến vậy, bởi chẳng ai lại làm công việc ngược đời ấy thành thục như anh.

Nhiều lúc nghe những lời xì xầm rồi nhìn sang bạn bè mình đứa nào vợ cũng đi chợ nấu ăn cho cả nhà, chỉ có mỗi mình phải làm cái công việc dở hơi này. Nhất là những lúc gặp vợ bạn cùng đi chợ, anh thấy xấu hổ vô cùng, lại muốn buông xuôi, mặc kệ vợ. Nhưng nghĩ đến vợ đã đi làm ca tối mịt mới về đến nhà, trong tâm trạng mệt mỏi không thể kịp đi chợ và nấu ăn cho cả nhà, rồi con gái phải được ăn cơm sớm còn học bài. Nghĩ đến những lúc vợ đi làm về, hai vợ chồng ngồi vào ăn cơm do anh nấu rồi nhỏ to tâm sự mọi việc, Quang lại như quên hết mọi chuyện.

Biết những khó khăn tâm lý của chồng khi phải thay mình đi chợ nấu ăn, Nguyệt vợ Quang cũng rất khéo léo, ý nhị động viên chồng. Cô thường xuyên khen chồng: “Hôm nay anh nấu món này ngon quá, rất hợp với khẩu vị của hai mẹ con em”, “Cơm anh nấu em ăn được rất nhiều" hoặc "Sao anh khéo mua thế, anh mua vừa rẻ lại vừa ngon”... Những lúc như thế, mọi bực bội phải đi chợ, nấu cơm, thay vợ làm việc nhà bỗng tan biến đâu hết, chỉ còn đọng lại trong anh nụ cười và cảm nhận một hạnh phúc giản đơn nhưng vô cùng ấm áp.

Không chỉ động viên bằng lời nói, những hôm được nghỉ ở nhà, Nguyệt luôn đi chợ nấu nướng cho chồng những món ăn mà anh thích, rồi tranh thủ mua thức ăn, chế biến sẵn để trong tủ lạnh để dành, tiện cho hai bố con nấu nướng. Vì vậy, tuy mẹ không đi chợ thường xuyên nhưng bé Thảo Vi vẫn rất khỏe mạnh, chăm ngoan, những bữa ăn gia đình luôn ấm cúng. Bây giờ, Quang không còn mặc cảm khi phải đi chợ thay vợ nữa, mà anh coi đó là một phần trách nhiệm, cùng chung tay xây dựng hạnh phúc gia đình bé nhỏ của mình.

 TRẦN THÁI HỌC

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi chồng là “nội tướng”