Mẹ tôi cúng giao thừa   

24/01/2020 21:00

Từ năm mười tuổi Thuần đã biết giúp mẹ làm cỗ cúng giao thừa vào những ngày Tết đến.

Dù năm đó được mùa hay mất mùa, nhà dư dả hay túng thiếu thì kiểu gì cũng phải có đĩa xôi, con gà cúng gia tiên. Ngày nhỏ, nhà nghèo đến mức để có con gà trống cúng giao thừa mẹ từng nâng lên đặt xuống mấy lần khi định mang bán nộp tiền học cho Thuần. Ấy vậy mà chiều ba mươi mẹ tìm hoài vẫn không thấy gà đâu. Cầm vạt áo lau nước mắt, mẹ than “giờ biết lấy gì để cúng tổ tiên?”. Chẳng hiểu sao hình ảnh mẹ khóc chiều ba mươi Tết cứ ám ảnh Thuần. Mâm cúng giao thừa năm ấy chỉ có một đĩa xôi. Mẹ chặt cặp cây mía lộc đặt hai bên bàn thờ. Những que hương vẫn cháy đỏ rực chứng giám cho lòng thành gia chủ.

Sau này đủ đầy, mâm cỗ cúng đêm ba mươi tươm tất hơn nhiều. Đồ tây đồ ta đủ cả, màu sắc thì rực rỡ tươi ngon. Đào quất xung quanh, đèn nhấp nháy xanh đỏ nhức mắt. Nhiều nhà đã thôi không cúng xôi, gà mà thay vào đó là cặp bánh chưng, chân giò lợn. Nhưng mẹ vẫn giữ thói quen cũ là chọn loại nếp ngon nhất để thổi xôi và con gà trống đẹp nhất để làm gà cúng. Thuần cũng giống mẹ, thèm được lách cách bẻ củi nhóm bếp bắc chõ xôi. Những câu chuyện năm cũ thơm mùi xôi nếp mới…

Ngày nhỏ Thuần thấy mẹ hay cúng giao thừa bằng nước mắt. Đúng ra thì mẹ chẳng cúng bái gì, chỉ là ngồi đó thủ thỉ với ông bà tổ tiên những chuyện đã qua. Chồng ốm thuốc thang quanh năm không dứt. Con nhỏ nhà nghèo áo cơm chật vật. Mẹ phân trần chuyện ngày rằm, mồng một có khi trên ban thờ chỉ có nải chuối xanh, mấy bắp ngô nếp luộc. Rồi thì mẹ cười kể chuyện lúa đồng cạn may quá được mùa. Ngô ngoài bờ sông thu hoạch về bán đi cũng đủ tiền đóng học cho con. Nhân nói đến chuyện học không thể không khoe. Thằng cả học hành sáng dạ lại chịu khó đỡ đần bố mẹ. Cái út ngoan hiền biết nhà nghèo không bao giờ đòi quần áo mới.

Mẹ cứ rủ rỉ cho đến khi ngẩng lên đã thấy tàn hương. Tiếng pháo nổ đâu đó quanh xóm mỗi lúc một to hơn. Những chú chó nghe pháo nổ hoảng sợ thi nhau tìm đường chui rúc vào trong bụi. Rồi không gian bỗng lắng lại. Chỉ còn có thể cảm nhận được sự trong lành của những cơn gió thổi mơn man trên da thịt. Thuần ngửi thấy mùi của những chồi non. Hương của những nụ hoa đang e ấp nở ngoài vườn. Mẹ pha một ấm trà đặc ăn với kẹo lạc mới làm. Bố nhấp một ly rượu nhỏ nghe ấm ran trong cổ họng. Bố bệnh, rượu uống giao thừa thay cho cả một năm. Cả nhà quây quần bên nhau trong lặng im. Chẳng cần thứ âm thành ồn ã nào vẫn thấy lòng chộn rộn.

Mấy năm nay, nhà có con dâu, cháu nội. Việc làm cỗ cúng giao thừa con dâu đều có thể thay mẹ làm hết. Nhưng mẹ cứ quanh quẩn vào ra xem xôi đã chín chưa? Xem gà mổ moi có đúng cách không? Mẹ dạy con dâu cách buộc dáng gà trước khi mang luộc sao cho đẹp mắt. Chị dâu Thuần hiền lắm, suốt Tết cứ cặm cụi trong bếp nêm nếm từng món ăn ngon. Mẹ sợ con dâu thấy cô đơn khi ở nhà chồng nên lúc nào cũng kề bên chuyện trò thủ thỉ.

Thuần đi lấy chồng lại bận rộn trong một căn bếp khác. Nhưng vẫn sẽ cay mắt khi bóc hành muối dưa. Vẫn bủi ngủi bùi ngùi khi thấy chợ Tết tàn. Vẫn xao xác gió trong lòng khi thấy người ta bày bán cúc vàng. Đêm cúng giao thừa vẫn ngửi thấy mùi của lộc non chạm vào cánh mũi. Tết ở đâu trên dải đất thân thương này cũng đều khiến lòng ta mềm như cánh hoa đào. Ngủ qua một đêm xuân đã thấy mình kịp mới…

VŨ THỊ HUYỀN TRANG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mẹ tôi cúng giao thừa