Những người trẻ chọn lối sống tiết kiệm

26/09/2021 08:38

Dịch bệnh kéo dài làm cho thu nhập của nhiều người, trong đó có những người trẻ tuổi giảm mạnh. Để ổn định cuộc sống, họ đã chọn lối sống tiết kiệm để phòng khi có rủi ro.


Để tiết kiệm chi tiêu, anh Nguyễn Công Hoàng chấp nhận thường xuyên ăn mì tôm

Chi tiêu hạn chế

Khi chị Vũ Thị Thu, nhân viên của một công ty may ở Hải Dương đăng ký kết hôn cũng là lúc dịch Covid-19 xuất hiện tại Hải Dương. Từ đó đến nay, vợ chồng chị chưa tổ chức được đám cưới, nhưng biết dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống nên chị đã chủ động lập kế hoạch chi tiêu cặn kẽ.

Hằng ngày, vợ chồng chị đi làm, bữa trưa ăn cơm ở công ty nên mỗi tháng chị Thu chỉ chi 500.000 đồng để mua thức ăn bữa tối và bữa sáng. Với chị ăn uống chỉ cần một, hai món là được, không cần vẽ vời tốn kém. "Trước đây chưa lấy chồng thì tiêu pha rủng rỉnh, không phải lo nghĩ nhiều. Nay có gia đình, tôi cũng muốn tiết kiệm hơn nhưng đúng vào lúc dịch không biết đến bao giờ mới hết nên càng phải chắt chiu từng đồng một", chị Thu cho biết. Vợ chồng chị Thu thuê trọ tại phường Ngọc Châu (TP Hải Dương), mỗi tháng tiền nhà, điện, nước rồi sinh hoạt hết khoảng 4 triệu đồng. Thu nhập của vợ chồng chị được khoảng 15 triệu đồng/tháng nhưng nhà chồng ở tận Ninh Bình hoàn cảnh khó khăn nên mỗi tháng anh chị cũng phải gửi tiền về hỗ trợ thêm. Dù cuộc sống vất vả nhưng chị Thu luôn lạc quan vì trong lúc dịch mà vẫn có việc làm ổn định.

Nhiều tháng nay, lương của anh Nguyễn Công Hoàng, nhân viên của một công ty vận chuyển hàng hóa ở Cẩm Giàng bị giảm một nửa, còn gần 5 triệu đồng. Anh Hoàng thuê nhà trọ ở gần công ty để đi lại cho tiện. Mỗi tháng chi tiêu tiết kiệm lắm anh mới gửi về cho bố mẹ được 2 triệu đồng. Còn tiền nhà, điện nước mỗi tháng hết hơn 1 triệu đồng. Anh Hoàng nói: "Ban ngày tôi làm ở văn phòng chủ yếu ăn mì tôm. Có những tháng phát sinh một số việc không đủ tiền tiêu phải vay mượn bạn bè, sang tháng lấy lương mới trả được. Giờ khó khăn chung, không biết khi nào kinh tế mới hồi phục nên tôi cũng học cách tiết kiệm nhất có thể". Trước đây tiền lương cao, mỗi tháng anh còn mua thêm một vài đồ dùng cá nhân như quần áo, giày dép... một số thứ mình thích, nhiều khi còn tụ tập bạn bè ăn uống... Nhưng nay, anh hạn chế chi tiêu và bỏ hẳn thói quen mua sắm những thứ không quá cần thiết.

Nhiều người trẻ nhận ra rằng việc sống, chi tiêu tiết kiệm như hiện nay cũng không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của họ. Sống đơn giản hơn và tích lũy, không "vung tay quá trán" là mục tiêu của nhiều người trong đại dịch để cuộc sống đỡ chật vật hơn.

Cần có tích lũy

Để tiết kiệm, biết chi tiêu, mua sắm hợp lý không phải là việc quá khó. Chị Dương Thị Thùy Dung, sinh viên năm thứ tư của Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương là một trong những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Có lẽ cũng chính vì cuộc sống khó khăn nên chị Dung chưa một lần được chi tiêu thoải mái như nhiều bạn bè khác. Cũng vì muốn tự lập, tự trưởng thành không để mẹ phải lo lắng nhiều nên khi đi học chị Dung đã tìm việc làm thêm. Khi chưa có dịch thì công việc đều đặn, thu nhập khoảng 160.000 đồng/ngày, nhưng nay công việc bấp bênh, mỗi tuần chỉ làm 2 ngày nên thu nhập cũng giảm đi nhưng vốn đã có tích lũy từ trước nên chị không quá khó khăn. Chị Dung cho biết: "Mỗi tháng tiền ăn ở của tôi chỉ hết hơn 1 triệu đồng. Tiền sinh hoạt và tiền học phí tôi tự lo được, rất ít khi phải xin của mẹ". Đợt này, chị Dung là một trong nhiều sinh viên của trường tình nguyện tham gia hỗ trợ Hà Nội chống dịch sẽ không phải lo lắng nhiều về chi tiêu, ăn uống vì sinh hoạt cùng tập thể...

Mỗi người có quan niệm về tiền bạc, chi tiêu khác nhau. Theo chị Dung có ít thì tiêu ít, bảo đảm tốt cuộc sống là được. Nhiều người lại phải mua hàng hiệu, muốn chứng tỏ bản thân là người có tiền, sống sang chảnh... nên không ngại chi khoản tiền lớn để thỏa mãn nhu cầu trước mắt, rất lãng phí. Có những người trẻ độc thân làm mỗi tháng thu nhập hàng chục triệu đồng nhưng hết tháng là hết lương rồi cũng không biết mình đã tiêu những gì mà hết tiền...

Tiến sĩ tâm lý học Đồng Thị Yến, giảng viên Trường Cao đẳng Hải Dương cho biết việc người trẻ tiết kiệm hay lãng phí phần nhiều do môi trường sống, điều kiện từng gia đình mang lại. Thường là những người giàu sẽ sống theo cách của người giàu, họ tiêu pha dễ dàng, còn người có thu nhập thấp hơn sẽ chi tiêu dè dặt hơn. Tuy nhiên, để cuộc sống ổn định lâu dài và không bị ảnh hưởng bởi những tác động bên ngoài (phá sản,  dịch bệnh, rủi ro đột xuất...), người trẻ nên tiết kiệm khi còn có thể. Nên từ bỏ thói quen mua sắm tùy thích và xây dựng kế hoạch tiêu tiền chi tiết. Nhiều người sau khi lĩnh tháng lương này, họ để ra từng món chi tiêu cho tháng sau như: ăn uống, xăng xe, thuê nhà, điện nước... và một khoản để dự phòng.

"Nếu người trẻ minh bạch được các khoản và chi tiêu một cách khoa học, nên dùng tiền cho những gì đáng mua, cần thiết thì tiết kiệm đâu phải chuyện khó. Tôi nghĩ khi còn trẻ, còn lao động được thì nên tích lũy để lo những việc của bản thân, gia đình sau này. Đó cũng là một cách để xây dựng tổ ấm an yên, hạnh phúc", tiến sĩ Đồng Thị Yến nói.

MINH NGUYỆT 

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những người trẻ chọn lối sống tiết kiệm