Sẽ nhân rộng mô hình thức ăn đường phố

14/05/2020 11:03

Sau 1 năm thực hiện mô hình điểm thức ăn đường phố (TAĐP) bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), ý thức của người kinh doanh từng bước tốt lên.


Bà Lê Thị Hòa (bán đồ ăn chín trên đường Bình Lộc, TP Hải Dương) nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh sau khi tham gia mô hình

Thay đổi thói quen kinh doanh

Mô hình điểm TAĐP được triển khai từ tháng 5.2019. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã phối hợp khảo sát, lựa chọn thực hiện 12 mô hình ở các thị trấn Tứ Kỳ, Gia Lộc, Thanh Miện, Ninh Giang, Thanh Hà, Nam Sách; các phường Tân Bình (TP Hải Dương), Sao Đỏ (Chí Linh), An Lưu (Kinh Môn); các xã Cổ Dũng (Kim Thành), Tân Trường (Cẩm Giàng) và Tráng Liệt (Bình Giang). Tổng số có 1.300 người tham gia mô hình này.

Hầu hết các mô hình nằm trên các tuyến phố, hẻm phố, ngõ, ngách, tuyến đường, nơi tập trung đông người. Bà Vũ Thị Oanh, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Sao Đỏ (Chí Linh) cho biết phường có gần 130 hộ kinh doanh TAĐP, 87 hộ đã tham gia mô hình. Các hộ được tuyên truyền, tập huấn kiến thức về ATTP, khám sức khỏe định kỳ, ký cam kết khi tham gia mô hình. Nhiều thói quen của các hộ kinh doanh đã thay đổi, ý thức được nâng cao. 

Bà Lê Thị Duyên bán bún phở trên đường Trần Hưng Đạo, phường Sao Đỏ cho biết trước đây khi khách ăn xong bát đũa đều được rửa lại và dùng tiếp luôn, nồi nấu bằng bếp than nên muội bám đen sì… Từ khi tham gia mô hình, được các cơ quan chức năng tư vấn, bà chuyển sang dùng bếp điện, bát đũa chỉ dùng 1 lần trong ngày, nhúng vào nồi nước sôi, sử dụng đũa gắp thức ăn chín và sống riêng biệt. Mỗi khi mua thực phẩm, bà Duyên đã hình thành thói quen lấy hóa đơn để phòng khi có ngộ độc thực phẩm sẽ biết nguồn gốc từ đâu. 

Còn bà Lê Thị Hòa bán đồ ăn chín trên đường Bình Lộc, phường Tân Bình (TP Hải Dương) cho biết: “Sau khi tham gia mô hình điểm TAĐP tôi đã tự ý thức được phải đeo khẩu trang, tạp dề, găng tay mỗi khi chế biến thức ăn, sử dụng nước sạch chế biến thực phẩm, mua thực phẩm của cơ sở cố định”. 

Tương tự, bà Nguyễn Thị Thơm bán bánh mì, xôi và nước mía trên đường Trần Nhân Tông, thị trấn Thanh Hà cho biết trước đây bà không có thói quen đeo găng tay, khẩu trang khi bán hàng, bánh mì để trên bàn không có tủ, mía chặt xong cũng để trong xô nên thường bị ruồi, nhặng bâu vào. Sau khi tham gia mô hình này, bà đã mua tủ kính để thức ăn; mua máy ép, cốc đựng nước mía...

“Mưa dầm thấm lâu”

Ông Nguyễn Hữu Tường, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Tân Bình (TP Hải Dương) cho biết trên địa bàn phường có khoảng 160 hộ kinh doanh TAĐP. Các hộ tham gia mô hình đều chấp hành đúng hướng dẫn, tuyên truyền của cơ quan chức năng và có chuyển biến rõ rệt. Theo ông nên nhân rộng mô hình này ở tất cả các phường của TP Hải Dương.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Thắng, Trạm trưởng Trạm Y tế thị trấn Thanh Hà cho rằng cần nhân rộng mô hình tại các tuyến đường phố, nơi tập trung đông người trong huyện. 

Bên cạnh những mặt tích cực, việc triển khai mô hình TAĐP cũng còn nhiều khó khăn. Có những buổi tập huấn triệu tập 100% số hộ kinh doanh nhưng chỉ một nửa đến dự, cán bộ y tế lại phải đến tận nhà vận động và phát tờ rơi tuyên truyền. Có những hộ vừa đưa vào danh sách tham gia mô hình lại nghỉ kinh doanh. Bên cạnh các hộ thực hiện tốt, vẫn còn một số hộ thực hiện chưa đúng quy định, không đeo khẩu trang, găng tay khi chế biến thực phẩm và bán hàng.

Khắc phục khó khăn trên, các cơ quan chức năng quán triệt phương châm “mưa dầm thấm lâu”, coi tuyên truyền, nhắc nhở vẫn là giải pháp ưu tiên hàng đầu, đồng thời coi trọng kiểm tra việc thực hiện theo bản cam kết đã ký của các hộ kinh doanh. 

Ông Nguyễn Hữu Tường, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Tân Bình cho biết thêm, phường đã được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cung cấp cho mỗi điểm mô hình 1 bộ kiểm tra nhanh về ATTP. Trong năm 2019, đoàn liên ngành của phường đã kiểm tra các cơ sở, test nhanh một số thực phẩm, phát hiện một cơ sở bán giò chả có dư lượng hàn the cao. Cuối tháng 5 này, phường sẽ tổ chức 1 đợt tập huấn về ATTP và khám sức khỏe định kỳ cho tất cả các hộ kinh doanh.

Theo ông Trần Đình Nam, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, đến nay, chi cục đã tổ chức 12 buổi truyền thông trực tiếp, phát tờ rơi, tài liệu tuyên truyền, tập huấn kiến thức, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật về ATTP, thực hành tốt vệ sinh cá nhân, 10 nguyên tắc trong chế biến thực phẩm an toàn cho nhiều chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm tham gia mô hình. Thời gian tới, chi cục sẽ tổng kết, nhân rộng mô hình trên địa bàn.

THẾ ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sẽ nhân rộng mô hình thức ăn đường phố