Thận trọng với đồ ăn nhanh

09/04/2021 16:27

Mặc dù tiện lợi nhưng dùng nhiều đồ ăn nhanh sẽ không tốt cho sức khỏe.


Không ít phụ huynh thường cho con ăn sáng bằng đồ ăn nhanh

Đồ ăn nhanh ngày càng phổ biến. Bên cạnh sự tiện lợi thì loại thực phẩm này cũng mang đến nhiều mối nguy cho sức khỏe.

Tiện...

Hằng ngày, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu Hồng ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) đều phải đi làm sớm. Để cho 3 đứa con ăn sáng trước khi đến trường, chị Hồng thường chọn thực phẩm là các loại đồ ăn nhanh. Hôm thì chị cho các con ăn mỳ tôm, bún, phở dạng gói ăn liền, hôm lại mua bánh mỳ, xôi tại cổng trường cho các con. "Nếu không dùng đồ ăn nhanh thì tôi phải dậy rất sớm để nấu cho các con. Chưa kể sau đó phải dọn dẹp mất thêm nhiều thời gian nữa. Vậy nên, cho bọn trẻ ăn đồ ăn nhanh là tiện nhất. Mà trẻ con đứa nào cũng thích, lâu dần thành quen nên tôi không nấu ăn sáng cho chúng nữa", chị Hồng cho biết.

Không riêng trẻ nhỏ mà nhiều người lớn cũng lựa chọn đồ ăn nhanh. Anh Nguyễn Văn Bình ở xã Tân Hương (Ninh Giang) làm việc cho một công ty ở khu công nghiệp Đại An (TP Hải Dương). Buổi sáng, anh Bình thường phải dậy sớm để chuẩn bị đi làm. Vì đường xa nên anh ăn sáng nhanh bằng mỳ tôm, bún, phở ăn liền. Thói quen này anh Bình đã có từ hơn 5 năm qua kể từ khi anh không ở trọ tại TP Hải Dương nữa mà về quê ở. Dù biết ăn sáng bằng những thực phẩm này không tốt nhưng anh không thể thay đổi vì sự tiện lợi của nó.

Cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu ăn uống của con người ngày càng nâng cao, đồng thời đòi hỏi phải đáp ứng cho nhịp sống khẩn trương, nhanh chóng. Nhắm vào tâm lý đó, thời gian qua, ở Hải Dương từ thành thị đến nông thôn đã xuất hiện nhiều cửa hàng bán đồ ăn nhanh, thậm chí có cả những nhãn hàng nổi tiếng như  Lotte, KFC, BBQ... Ngoài ra, một bộ phận không nhỏ người dân thường xuyên sử dụng những thức ăn nhanh vào bữa sáng. Điểm tích cực của đồ ăn nhanh là dễ ăn, hương vị hấp dẫn và rất thuận tiện, không mất nhiều thời gian chế biến hay dọn dẹp sau đó.

... nhưng không lợi

Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, đồ ăn nhanh không chỉ mất cân đối về dinh dưỡng mà có thể có một số chất độc hại sinh ra trong quá trình chế biến, ảnh hưởng tới sức khỏe. Nó thường chứa nhiều calorie và cholesterol. Đây là loại chất có khả năng gây béo phì cho những người có xu hướng lạm dụng thực phẩm này. Nhiều đồ ăn nhanh còn có chỉ số đường huyết (các loại bánh được làm từ bột mỳ trắng, khoai tây rán, nước ngọt có ga...) hoặc hàm lượng muối cao, sử dụng nhiều chất bảo quản. Đây đều là những thành phần khi nạp vào cơ thể không có lợi cho sức khỏe, có thể gây ra các bệnh tiểu đường, tim mạch, thận, huyết áp...

Thành phần dinh dưỡng của một số đồ ăn nhanh khá phổ biến hiện nay như mỳ tôm, bún, phở ăn liền, chủ yếu là chất bột, hàm lượng chất đạm, chất béo, vitamin đều rất thấp. 60% số người thường xuyên ăn những thực phẩm này trong thời gian dài bị thiếu dinh dưỡng, trong đó thiếu máu do thiếu sắt chiếm 54%, thiếu vitamin B2 là 23%, thiếu kẽm 16% và thiếu vitamin A chiếm 29%.

Do thể trạng lúc nào cũng gầy gò, ốm yếu nên gần đây anh Bình đã đến cơ sở y tế khám bệnh. Sau khi hỏi han tình hình sức khỏe, thói quen ăn uống, bác sĩ cho rằng việc thường xuyên sử dụng đồ ăn nhanh cũng là một trong những nguyên nhân làm thể trạng anh khó cải thiện theo hướng tích cực. Bác sĩ khuyên ngoài chữa trị một số bệnh lý mắc phải, anh Bình cần thay đổi thói quen ăn uống.

Bác sĩ Nguyễn Đình Thắng ở Trung tâm Y tế TP Hải Dương cũng đưa ra những khuyến cáo khi lạm dụng quá nhiều đồ ăn nhanh. Theo bác sĩ, đồ ăn nhanh thường thiếu rau, các loại vitamin, thiếu chất vi lượng và khoáng chất. Khi cơ thể thiếu bất kỳ một loại chất gì lâu ngày cũng có thể gây ra các bệnh lý liên quan như thiếu i-ốt sẽ gây bướu cổ, thiếu vitamin A gây khô mắt... Có thời điểm, Trung tâm Y tế thành phố phối hợp tổ chức khám sức khỏe cho học sinh tại một trường tiểu học trên địa bàn. Kết quả, có đến 30% số học sinh bị mắc bệnh bướu cổ đơn thuần do thiếu i-ốt. Một trong những nguyên nhân do các em dùng nhiều đồ ăn nhanh. Bệnh bướu cổ đơn thuần chỉ cần bổ sung i-ốt vừa đủ là cải thiện được tình hình. Tuy nhiên, nếu không phát hiện và để kéo dài bệnh có thể có chuyển biến xấu hơn. Ngoài ra, đồ ăn nhanh là thực phẩm ăn liền với thành phần chủ yếu là tinh bột, dầu chiên... cũng có nguy cơ gây nên chứng béo phì. Đây là dạng béo phì do sử dụng thực phẩm mất cân đối về dinh dưỡng.

Với cảnh báo trên, mọi người nên cân nhắc khi sử dụng đồ ăn nhanh, không nên ăn thường xuyên, kéo dài trong nhiều ngày. Theo bác sĩ Thắng, muốn dùng đồ ăn nhanh chúng ta nên điều chỉnh theo nhu cầu cơ thể. Nghĩa là cần bổ sung các thành phần dinh dưỡng mà đồ ăn nhanh không có vào các bữa ăn khác trong ngày, đồng thời không quên tăng cường luyện tập thể dục thường xuyên.

NGỌC THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thận trọng với đồ ăn nhanh