Trẻ yêu thương trong sáng

11/08/2019 14:46

Con gái tôi vừa tròn ba tuổi. Giống như nhiều gia đình khác, tình yêu thương và sự quan tâm của bố mẹ đều dồn vào con cái.



Tôi yêu con đến mức thi thoảng nhen nhóm lên những nỗi bất an. Nhìn một vài gia đình xung quanh tan đàn xẻ nghé, con cái chia đôi, tôi bỗng sợ một ngày nào đó con của mình mà mình không được nuôi, không được ôm ấp, gần gũi con mỗi ngày. Nên có lúc tôi muốn chiếm hữu lấy tình yêu của con trẻ đối với mình. Lúc nào cũng muốn đối với con mình là tất cả. Tôi hay hỏi:

- Con yêu ai nhất?

- Con yêu bố mẹ nhất trên đời.

- Thế con yêu bố hơn hay yêu mẹ hơn?

- Con yêu cả bố lẫn mẹ nhất.

- Nhất thì chỉ có một thôi. Bố hoặc là mẹ?

Những cuộc đối thoại như thế tôi vẫn gọi là “trò chơi sủng ái”. Chồng tôi đôi lúc cũng hỏi con như vậy. Có khi cả hai người cùng hỏi dồn dập trước ánh nhìn ngơ ngác của con. Đó là một kiểu trò chơi được người lớn bày ra, dẫn dụ con vào cuộc. Sẽ thích thú khi thấy con nói “yêu mẹ nhất”. Bố nằm quay lưng, hắt hủi một vòng ôm cầu hòa của đứa con thơ. Ai dám chắc trong lòng người bố không có chút ghen tị. Ai dám chắc người bố không vì thế mà có lúc so đo, tính toán tình yêu thương với chính con mình. Như chồng tôi lúc cãi nhau thường kèm cụm từ “mẹ con mày”. “Mẹ con mày thì cần gì bố”. “Cho mẹ con mày ở với nhau”. “Mẹ con mày xui nhau làm thế”. Và một đứa trẻ ba tuổi có thể cảm nhận được vòng ôm của bố mình bớt chặt, trong câu nói yêu thương bớt đi sự dịu dàng. “Dạo này bố ngủ không ôm con. Bố toàn quay lưng về phía con thôi mẹ”. Trẻ nhỏ nhạy cảm hơn chúng ta vẫn nghĩ. Nên con bắt đầu cảm nhận thấy thái độ của bố bị ảnh hưởng bởi “trò chơi sủng ái”. Nó dè chừng, cảnh giác mỗi khi thấy bố mẹ mình dồn đuổi bằng câu hỏi “Con yêu ai nhất". Để an toàn nó chọn cách yêu cả cha lẫn mẹ. Đó là cách xử sự vừa khôn khéo vừa thẳng thắn mà người lớn chúng ta nên học từ đứa trẻ.

Trẻ con yêu thương rất phân minh và chúng biết cách thể hiện cho người lớn hiểu thái độ của mình. Nên khi nghe bà nội bảo: “Tháng sau lại về bà chơi nhé!”. Con gái tôi đã không ngại đáp trả thẳng thừng: “Con không thích về bà. Vì bà toàn nói xấu mẹ trước mặt con”. Bà nội được phen muối mặt với con dâu, vội chống chế bằng cách mắng cháu hư ăn nói linh tinh. Nhưng tôi biết con mình nói thật. Cũng như cách mà con phản ứng mỗi khi thấy tôi bực dọc nói xấu chồng mình. Lúc trút lên con cơn tức giận của mình bằng cả đống ngôn từ hằn học, rằng “Con bẩn giống y như bố”, “Bố của con chỉ gái gú là tài”... Những lúc ấy một là con hét lên “Mẹ không được nói bố con như thế” hoặc là con ngồi im lặng một xó, nước mắt lăn dài. Hệt như những lần thấy bố mẹ cãi nhau, hẳn con cũng tổn thương như thế. Người lớn thường ích kỷ mang cái bực bội, hằn học, tư thù cá nhân nhồi nhét vào đầu những đứa trẻ trong nhà. Mẹ dạy con ghét bố, ghét nhà nội. Hoặc bố xúi con “nghỉ chơi với mẹ”. Chuyện ấy đâu có hiếm. Người lớn chúng ta có thể vì cả nể, vì “câu chuyện làm quà” mà gió chiều nào theo chiều ấy. Ngồi với người này nói xấu người kia, yêu ghét không rõ ràng, rành mạch. Nhưng con trẻ thì khác, chúng không thích bị chia rẽ tình thương nên chúng không muốn nghe những lời nói xấu.

Nhưng cũng có trường hợp, do phải nghe những tác động xấu trong khoảng thời gian dài nên con cái có thái độ coi thường bố mẹ, ông bà. Chúng nhại lại những câu thường được nghe như nói bố suốt ngày chỉ rượu chè, bất tài vô dụng, nói mẹ suốt ngày chỉ phấn son. Hóa ra đó là những lời bố mẹ vẫn nói về nhau hằng ngày trước mặt con. Trẻ con như tấm gương phản chiếu lối ứng xử của người lớn trong nhà. Ở cái tuổi học ăn học nói thì từng lời người lớn nói ra con cái sẽ nói theo mà chẳng biết tốt, xấu thế nào. Có khi chỉ là vô tình con nhiễm thói hư từ mọi người xung quanh.

Vậy nên người lớn chúng ta đừng vì những mâu thuẫn cá nhân mà chia rẽ tình yêu thương của trẻ. Để mỗi đứa trẻ được lớn lên trong sự yêu thương đủ đầy, trọn vẹn từ tất cả mọi người.

VŨ THỊ HUYỀN TRANG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trẻ yêu thương trong sáng