Chí Linh: Tập trung phát triển du lịch

28/11/2020 07:00

Là địa phương có tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch, TP Chí Linh đang triển khai nhiều giải pháp cụ thể để biến mục tiêu đưa du lịch thành ngành kinh tế quan trọng trở thành hiện thực.


Du khách tham quan khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc

Xác định rõ lợi thế

Nằm trong cánh cung Đông Triều, Chí Linh có đồi núi xen kẽ, ruộng đồng phì nhiêu, giao thông thủy bộ thuận lợi. Mảnh đất Chí Linh dày đặc các di tích Phật giáo, tín ngưỡng dân gian, các di tích gắn với cuộc đời, thân thế và sự nghiệp các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa như Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, nhà giáo Chu Văn An, Đệ nhị tổ Thiền phái Trúc Lâm Pháp Loa, Đệ tam tổ Thiền phái Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả... Theo Phòng Văn hóa - Thông tin TP Chí Linh, trên địa bàn thành phố hiện có 422 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 10 di tích lịch sử quốc gia. Hầu hết các di tích này đều gắn với lễ hội, rất thuận lợi cho phát triển du lịch tâm linh.

Chí Linh còn phong phú cảnh đẹp tự nhiên như núi Ngũ Nhạc, Côn Sơn, Phượng Hoàng, Ngũ Đài Sơn - Cổng trời - Hàm Long, Phật tích, Nam Tào - Bắc Đẩu... Núi non tạo tứ linh quần hội, thế rồng chầu hổ phục, cùng hàng nghìn ha rừng thông, bãi rễ, rừng lim cổ, rừng phong lá đỏ... Thực tế đó bảo đảm Chí Linh có thể trở thành vùng du lịch đặc sắc, hấp dẫn và đa dạng.

Mặc dù vậy, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, hoạt động du lịch ở Chí Linh còn thiếu chuyên nghiệp. Hạ tầng kỹ thuật dịch vụ du lịch đơn sơ, nguồn nhân lực vừa thiếu, vừa yếu, sản phẩm du lịch nghèo nàn, chưa thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư từ xã hội... Thành phố hiện có 62 cơ sở lưu trú với gần 700 phòng nghỉ nhưng chỉ có 2 khách sạn đạt 3 sao và 1 khách sạn đạt 2 sao cùng 10 doanh nghiệp, điểm dừng chân kinh doanh du lịch. Năm 2019, TP Chí Linh đón khoảng 2,5 triệu lượt du khách, chỉ tăng khoảng 5% so với năm 2018. Du khách chủ yếu vẫn chỉ đến do nhu cầu tâm linh. Khách đến đây ít lưu trú qua đêm. Kết quả này chưa tương xứng với tiềm năng.  

Quy hoạch 4 vùng du lịch

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPChí Linh lần thứ XXIII xác định trong nhiệm kỳ 2020-2025 thương mại, dịch vụ, du lịch sẽ là ngành kinh tế quan trọng của địa phương. 

Để sớm đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống, thành phố đang hoàn thiện Đề án "Phát triển du lịch TP Chí Linh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035". Ông Nguyễn Văn Huỳnh, Phó Chủ tịch UBND TP Chí Linh cho biết: "Đề án tập trung đánh giá tiềm năng và hiện trạng du lịch, quy hoạch mới về phát triển du lịch nhằm phát huy, khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có".


Hồ Bến Tắm đang được nghiên cứu đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và trải nghiệm

Theo đó, Chí Linh định hướng quy hoạch 4 vùng du lịch là vùng trung tâm phát triển dịch vụ nghỉ dưỡng, lưu trú, thương mại; vùng phía tây với Côn Sơn- Kiếp Bạc; vùng phía bắc với chùa Thanh Mai; vùng phía nam với đền Cao. Thành phố tập trung phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch nhằm phát huy và khai thác các trầm tích lịch sử, văn hóa. Nâng cấp về quy mô, chất lượng các lễ hội như tín ngưỡng thờ Mẫu ở đền Sinh, đền Hóa, Kiếp Bạc, cầu tự ở đền Sinh, khai bút đầu xuân ở đền thờ Chu Văn An... Phát triển các mô hình, sản phẩm du lịch mới như thực hành thờ Mẫu tam phủ, tứ phủ, hầu đồng, hành hương về Trúc Lâm thiền phái, một ngày làm nho sinh, mô phỏng kỳ thi hương... Các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trải nghiệm, tham quan thắng cảnh, di tích, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch cộng đồng, du lịch kết hợp tổ chức sự kiện... cũng được định hướng phát triển.

Để thu hút du khách, Chí Linh tăng cường quảng bá những điểm du lịch hấp dẫn đến người dân, doanh nghiệp. Thành phố đang hoàn thiện quy hoạch, xác định dự án trọng điểm để thu hút đầu tư nhằm giải quyết bài toán vốn xây dựng hạ tầng kỹ thuật du lịch (từ nay đến năm 2025 ước 1.700 tỷ đồng và giai đoạn 2026-2030 cần hơn 4.500 tỷ đồng).

Một tín hiệu vui cho Chí Linh là nhiều tập đoàn kinh tế lớn đang nhắm tới tiềm năng du lịch của địa phương. Đại diện Tập đoàn FLC vừa kiến nghị một số giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đề xuất thời gian khởi công 2 dự án khu đô thị, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí ở khu vực hồ Bến Tắm và cồn Vĩnh Trụ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong triển khai các dự án của Tập đoàn FLC. Gần đây đại diện Tập đoàn TH đã xác định đầu tư dự án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trồng và chế biến dược liệu kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch tâm linh. Bước đầu nghiên cứu đầu tư các dự án khu du lịch sinh thái khu vực chùa Ngũ Đài Sơn; trồng cây dược liệu ở các phường Hoàng Tiến, Bến Tắm, Hoàng Tân, các xã Hoàng Hoa Thám, Bắc An, Lê Lợi. Một số dự án dịch vụ du lịch cũng đã được chấp thuận chủ trương đầu tư như khu du lịch Sông Quê ở xã Lê Lợi, Côn Sơn Resort... đều có mục tiêu làm du lịch sinh thái, trải nghiệm, nghỉ dưỡng.      

THÀNH LONG-THÀNH CHUNG

Hoàn thiện sản phẩm du lịch đặc trưng

Hiếm có vùng đất nào hội tụ đủ điều kiện về lịch sử, địa lý, cảnh sắc... để phát triển du lịch như ở Chí Linh. Từ điều kiện tự nhiên đến văn hóa - xã hội đều thuận lợi để khai thác, phát triển đa dạng các loại hình du lịch. Đó là du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm…

Để du lịch Chí Linh phát triển tương xứng với tiềm năng, tôi nghĩ có rất nhiều việc cần phải làm, đòi hỏi sự chung sức của các nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp và những người làm du lịch. Trước mắt, cần hoàn thiện sản phẩm du lịch đặc trưng của Chí Linh để thu hút khách du lịch. Ngoài ra, một số phương án đã được đề ra tôi thấy cần làm ngay là đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng; tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực; hoàn thiện mô hình quản lý bền vững khu du lịch… Đặc biệt, địa phương cần có cơ chế mở để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này.

NGUYỄN THỊ THÙY LIÊN
Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc


Thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư 

Kinh nghiệm của nhiều tỉnh cho thấy, khi có doanh nghiệp lớn vào đầu tư phát triển du lịch, cơ hội để thu hút khách đến với địa phương sẽ nhiều hơn.

Chúng tôi đang kỳ vọng vào dự án khu nghỉ dưỡng, sinh thái, thể thao và vui chơi giải trí cồn Vĩnh Trụ. Dự án không chỉ giúp bảo tồn được cồn mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế trong vùng, tạo điều kiện cho vùng cửa ngõ phía nam của đô thị Chí Linh phát triển. Cồn Vĩnh Trụ có địa thế đặc biệt, khí hậu trong lành, tiềm năng phát triển du lịch sinh thái. Nếu có nhà đầu tư đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm thì chúng tôi rất ủng hộ. Mong muốn của chính quyền và nhân dân địa phương là tỉnh xem xét, tạo điều kiện thuận lợi để Tập đoàn FLC sớm triển khai dự án. 

VŨ ĐÌNH BẨY
 Chủ tịch UBND phường Đồng Lạc


Rà soát lại quy hoạch du lịch

Với nguồn tài nguyên du lịch phong phú, TPChí Linh có lợi thế rất lớn để phát triển du lịch, nhưng thời gian qua, du lịch của Chí Linh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. 

Để phát triển du lịch theo hướng bền vững, địa phương cần chú trọng khâu quy hoạch. Cần rà soát một cách tổng thể các quy hoạch du lịch đang còn hiệu lực, đánh giá việc thực hiện quy hoạch theo giai đoạn, phân tích cụ thể chất lượng, tính bền vững, tính đồng bộ của mỗi quy hoạch, từ đó có các giải pháp tiếp tục thực hiện hoặc điều chỉnh những nội dung không còn phù hợp, xây dựng mới các quy hoạch cần thiết...

Đặc biệt, Chí Linh cần đẩy mạnh các hình thức xúc tiến, quảng bá du lịch. Trong đó chú trọng liên kết vùng, kết nối các điểm du lịch của tỉnh lân cận; xây dựng các tour, tuyến nội tỉnh...

HOÀNG THỊ THUÝ
Công ty TNHH Du lịch quốc tế Dòng chảy Việt

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chí Linh: Tập trung phát triển du lịch