Doanh nghiệp lữ hành thay đổi để tồn tại

06/04/2021 11:03

  Sau ba lần ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, các doanh nghiệp lữ hành buộc phải tái cấu trúc để thích ứng, tồn tại.


Du khách tham quan tại Mộc Châu (Sơn La)

Theo thống kê từ Tổng cục Du lịch, tính riêng năm 2020, cả nước có 338 đơn vị lữ hành quốc tế xin rút giấy phép hoạt động; hàng trăm doanh nghiệp rơi vào tình trạng "chết lâm sàng"; hàng nghìn lao động trong ngành du lịch mất việc... Có thể nói dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch, cũng là một "phép thử" đối với các doanh nghiệp lữ hành.

Với những doanh nghiệp lữ hành ở Hải Dương tình trạng còn khó khăn hơn khi nằm trong tâm dịch hơn 2 tháng qua. 

Đại diện một đơn vị lữ hành xin được giấu tên chia sẻ, khó khăn chung của các doanh nghiệp hiện nay là thiếu vốn xoay vòng trong khi khách chưa thực sự sẵn sàng để đi du lịch một phần do tâm lý còn e ngại về an toàn dịch bệnh, một phần do kinh tế suy thoái; chưa kể một số địa phương vẫn e ngại tiếp nhận khách đến từ Hải Dương.

Qua tìm hiểu tại một số doanh nghiệp cho thấy thị trường khách du lịch ở Hải Dương chủ yếu là đoàn nhỏ lẻ, đi theo gia đình chứ hầu như chưa có tour đông người.


Hiện tại du khách chủ yếu lựa chọn hình thức đi theo đoàn nhỏ lẻ

Ông Hoàng Văn Dũng, Giám đốc Công ty CP Du lịch Nữ Hoàng (TP Hải Dương) cho biết sau thời gian dịch kéo dài nhu cầu của du khách cũng thay đổi theo hướng du lịch an toàn như du lịch theo nhóm nhỏ, các sản phẩm du lịch khép kín và đặt dịch vụ theo hình thức trực tuyến

Đáp ứng nhu cầu thay đổi của du khách, công ty cũng lên chương trình cụ thể, từng bước chuyển đổi công nghệ số trong hoạt động và chăm sóc khách hàng để phục vụ ngày càng chuyên nghiệp.

"Trong bối cảnh nhu cầu đi du lịch thấp, giá xuống đáy, người dân tự túc đi du lịch ngày càng nhiều, các đơn vị lữ hành hướng tới du lịch từng phần thay vì trọn gói. Đơn vị sẽ tăng cường chuyển đổi số trong vận hành để hạn chế tối đa nguồn nhân lực; đồng thời tạo được các gói sản phẩm du lịch khác biệt thu hút khách hàng" - ông Dũng nói.

Tương tự, Công ty TNHH Du lịch quốc tế Dòng Chảy Việt (TP Hải Dương) cũng đã xây dựng các chương trình du lịch dành cho đối tượng nhóm gia đình, bạn bè với các combo vé máy bay, phòng khách sạn và các tour theo hình thức “may đo”, nghĩa là thiết kế riêng theo nhu cầu để thu hút khách hàng.

Để làm được điều này công ty đã tham gia liên minh với các doanh nghiệp lữ hành toàn quốc để chạy các chương trình tour ghép, hưởng lợi là khách hàng bởi dịch vụ có thể lên tới "5 sao" nhưng giá cả chỉ ở mức "3 sao".

Hy vọng vào mùa cao điểm là dịp nghỉ lễ 30.4, 1.5 và đợt hè sắp tới, công ty đã thiết kế các tour mới hấp dẫn như tour tàu hỏa Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng 4 ngày 3 đêm giá từ 3.890.000 đồng; tour Quy Nhơn - Phú Yên 4 ngày 3 đêm giá từ 5.290.000 đồng; tour Nha Trang - Ninh Thuận 4 ngày 3 đêm giá từ 5.850.000 đồng; combo phòng khách sạn Vin Holiday Phú Quốc 3 ngày 2 đêm giá từ 1.350.000 đồng... chỉ bằng khoảng 70% so với trước đây.

Trong 2 đợt dịch Covid - 19 năm 2020, nhà nước đã triển khai một số chính sách hỗ trợ tới các doanh nghiệp lữ hành nhưng thực tế các doanh nghiệp chưa tiếp cận được nhiều. Đại diện một đơn vị lữ hành chia sẻ, để  cứu các đơn vị lữ hành hiện nay là chính sách ký quỹ ngân hàng. Hiện theo quy định, các doanh nghiệp có tài khoản ký quỹ tại ngân hàng với số tiền nhất định, như doanh nghiệp lữ hành quốc tế hiện ký quỹ 500 triệu đồng, doanh nghiệp lữ hành nội địa 100 triệu đồng. Sau dịch, doanh thu hoạt động du lịch gần như bằng 0, việc tiếp cận vốn vay ngân hàng để hoạt động trở lại rất khó nên doanh nghiệp muốn đề xuất vay lại số tiền ký quỹ trong thời gian nhất định để có điều kiện sớm ổn định hoạt động.

"Hiện tại, các đơn vị lữ hành tại Hải Dương đều có đủ năng lực để tổ chức những tour du lịch chất lượng, làm hài lòng du khách nên điều chúng tôi cần lúc này là nhận được sự ủng hộ từ du khách hàng trong tỉnh", ông Hoàng Văn Dũng, Giám đốc Công ty CP Du lịch Nữ Hoàng nói.

HUYỀN ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp lữ hành thay đổi để tồn tại