Tay trống chầu ca trù xứ Đông

22/01/2018 14:14

Bằng tâm huyết của mình, Nghệ nhân Ưu tú, tay trống chầu Phạm Hồng Hả đã "gieo hạt" để niềm yêu thích loại hình nghệ thuật này ngày càng được nhân rộng.


Nghệ nhân Ưu tú Phạm Hồng Hải (ngoài cùng bên trái) có nhiều đóng góp quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của ca trù ở xứ Đông

Say mê

Vốn là một tay trống chơi trong dàn nhạc nhẹ của tỉnh, Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Phạm Hồng Hải biết đến ca trù và nghiệp cầm chầu rất tình cờ. Những năm đầu thập niên 90, làm giám khảo đi chấm ở các liên hoan, hội diễn sân khấu không chuyên của TP Hải Dương, huyện Tứ Kỳ, ông mới biết đến ca trù. Vốn ham thích cái mới, lạ, ông Hải bắt đầu để tâm tìm hiểu về loại hình nghệ thuật này. Ông dành nhiều thời gian đến gặp các nghệ nhân ca trù ở một số địa phương. Càng vỡ vạc ông càng thấy ca trù hấp dẫn, độc đáo. Một di sản văn hóa ở ngay bên mình mà nhiều năm nay không biết.

Năm 2002, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức lớp đào tạo diễn viên, nhạc công ca trù cho các tỉnh, thành phố. Ông Hải là 1 trong 5 người của Hải Dương được cử tham dự. Ròng rã 2 tháng, dưới sự truyền thụ, hướng dẫn của các nghệ nhân cự phách trong nước, ông Hải nắm được từ kiến thức cơ bản đến những nét tinh hoa nhất của nghệ thuật trống chầu. Sau đó, ông tích cực tìm đọc tài liệu, tranh thủ học hỏi thêm để làm giàu kỹ năng, rèn luyện thêm tay trống. Với năng khiếu sẵn có cộng với kinh nghiệm nhiều năm chơi trống, ông Hải ngày càng điêu luyện khi cầm trống chầu.

Ông Hải cho biết: "Để cầm chầu tốt, ngoài nắm luật, kỹ thuật, người nghệ sĩ còn phải có khả năng thẩm âm tinh tế, biết đàn, biết hát, đánh phách. Khi cầm chầu, mỗi khổ trống phải hòa âm với đàn, phách, lời ca". Nếu không nắm được sẽ dễ đánh sai như đánh trước phách (đánh xa), đánh sau phách (đánh hụt). Người cầm chầu còn phải biết khen, chê đúng lúc để tạo hứng thú cho kép đàn, kép hát, phải linh hoạt, uyển chuyển tùy theo diễn biến tâm lý, kỹ thuật của kép đàn, ca nương, chứ không phải bài nào cũng giống bài nào. Ngay trong một bài nhưng mỗi thời điểm lại có cách cầm chầu riêng. Đồng thời, tiếng trống không át lời ca mà phải biết cách tôn lên cũng như che đi thiếu sót của ca nương khi biểu diễn. Để thực hiện những điều này không hề đơn giản. Ngay cả khi đã được xem là một tay cầm chầu điêu luyện, ông Hải vẫn không ngừng luyện tập, trau dồi tay trống. Khi đánh ông luôn cầm chắc roi chầu, cổ tay dẻo, roi chầu phải tạo một góc kênh khoảng 7 độ so với mặt trống. Điểm roi tiếp xúc từ thành trống đến đầu roi dài khoảng 10 cm để khi đánh đầu roi bật xuống mặt trống. Nếu đánh cả đoạn hoặc đầu roi xuống, âm phát ra sẽ bẹt, không vang. Đây là một trong những kỹ thuật khó nhất phải luyện tập nghiêm túc hàng năm trời.

Nhiều trăn trở

Một trong những đóng góp quan trọng của ông Hải là viết kịch bản, dàn dựng lại không gian hát thi của ca trù cổ. Ông phải bỏ nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu, gặp gỡ chuyên gia, nghệ nhân ca trù kỳ cựu để hỏi. Sau thời gian dài nghiêm túc làm việc, kịch bản tái hiện lại không gian hát thi đã được ông Hải hoàn thiện xuất sắc. Công trình này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá cao và lưu giữ ở Học viện Âm nhạc quốc gia Hà Nội. Năm 2011, khi biểu diễn tại Liên hoan ca trù toàn quốc, kịch bản đã khiến ban giám khảo, người xem ngỡ ngàng và giành huy chương vàng xứng đáng. Kịch bản này giúp mọi người biết trước đây hoạt động biểu diễn ca trù rất chặt chẽ. Để một ca nương của giáo phường trở thành đào nương được đi biểu diễn chính thức không hề đơn giản. Ca nương phải trải qua kỳ thi các kỹ thuật hát, múa, khả năng đối thơ tại chỗ. Nếu đạt yêu cầu mới được cấp xiêm y đi biểu diễn. Ngoài phần thưởng trên, NNƯT Phạm Hồng Hải còn giành được 1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc cá nhân và nhiều huy chương vàng tiết mục tại các liên hoan, giao lưu ca trù cấp quốc gia.

Từ ngày bén duyên với ca trù và trở thành Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù của tỉnh (năm 2003), ông Hải đã dành nhiều thời gian, tâm huyết truyền dạy trống chầu cho thế hệ trẻ và những người yêu thích loại hình nghệ thuật truyền thống này. Đặc biệt là từ khi ca trù được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới (năm 2009), ông Hải được tạo điều kiện nhiều hơn. Từ đó đến nay, ông đã đào tạo, bồi dưỡng được gần 20 người cầm chầu và hỗ trợ nhiều ca nương nâng cao kỹ thuật hát, đánh phách. Các học viên đều được ông chỉ bảo, chia sẻ tận tình. Ngoài dạy kỹ thuật, ông còn kể những câu chuyện liên quan để giúp họ hiểu, yêu ca trù hơn.

Dành nhiều tâm huyết cho việc truyền dạy ca trù như vậy nhưng điều làm ông Hải luôn trăn trở là có rất ít người trẻ theo học và đến nay chưa có học viên nào khiến ông ưng ý. Ngoài yếu tố khó, phức tạp của kỹ thuật cầm chầu thì lý do chính là lớp bồi dưỡng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn 10 ngày/đợt/năm, học viên chưa kịp nhập tâm lớp đã kết thúc. Nếu năm sau học viên đó có tham gia học thì lại như mới. Trong khi đó, người học không phải ai cũng kiên trì. Hải Dương chưa có không gian diễn xướng riêng dành cho ca trù nên nghệ sĩ cũng như người học ít có điều kiện trau dồi, củng cố kỹ thuật. Ca trù ít có điều kiện đến gần với cộng đồng nên phần nào giảm đi sức sống và sự thu hút đối với người dân. Chế độ cho người làm công tác giảng dạy cũng như người học ca trù không được quan tâm đúng mức nên chưa động viên, khích lệ được họ.

Còn đau đáu với ca trù nên hiện nay dù đã nghỉ hưu, ông Hải vẫn đảm nhận vai trò Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù của tỉnh. Mối duyên, sự cống hiến của ông đối với di sản văn hóa phi vật thể thế giới - ca trù sẽ còn tiếp tục như tiếp thêm lửa để môn nghệ thuật truyền thống này cháy mãi.

DANH TRUNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tay trống chầu ca trù xứ Đông