Tôi viết văn tế Văn miếu Mao Điền

23/03/2019 14:21


Đọc văn tế tại Văn miếu Mao Điền

Văn miếu Mao Điền (Cẩm Giàng) là một dấu son, niềm tự hào của đất học xứ Đông. Đây là trường học, trường thi được mở ra từ thế kỷ 15 đời hậu Lê. Còn Văn miếu trấn Hải Dương, khởi dựng thời Lê sơ (1428-1527), đặt tại xã Vĩnh Lại, huyện Đường An, đến nhà Tây Sơn (1788-1802), được chuyển về Mao Điền, sáp hợp với trường học, trường thi... tạo thành một trung tâm văn hóa như hiện nay.
Văn miếu không chỉ là nơi thờ Khổng Tử, mà còn phối thờ 8 vị tiên hiền như: Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Tuệ Tĩnh, Phạm Sư Mệnh, Nguyễn Trãi, Vũ Hữu, Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Thị Duệ… Đấy là những nhà khoa bảng, danh nhân đất Việt, tiếng thơm muôn đời trong lòng chúng dân và được lập đền thờ, quanh năm tế lễ.

Từ chuyện viết…

Nhiều tài liệu chép: Từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, vào ngày trọng hội, (tháng 2 mùa xuân và tháng 8 mùa thu), Tổng đốc Hải Dương cùng quan liêu các phủ huyện, các cử nhân, tiến sĩ đều về đây làm lễ, nêu cao cương thường, thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo, khuyến học, rèn luyện tu thân cho bách tính.

Mặc dù thời gian và thiên nhiên đẽo gọt, lại thêm chiến tranh tàn phá, văn miếu đã xuống cấp… nhưng vẫn  được trùng tu nhiều lần. Đến nay, kế thừa truyền thống của đời xưa, tỉnh thường xuyên tổ chức lễ hội đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh tham gia. Phần lễ có dâng hương, diễn văn tri ân các bậc tiên hiền, kêu gọi lòng người hướng thiện, khuyến học, khuyến tài, khích lệ trí thức phụng sự đất nước. Phần hội có các trò chơi dân gian, múa rối nước, múa võ, đấu cờ, màn múa dâng chữ, hát chèo, hát giao duyên. Các ông đồ viết chữ nho, cho chữ để lấy may cho các học trò. Các nhà trường phổ thông trưng bày bài thi viết chữ đẹp của học sinh…

Tôi còn nhớ, năm 2006, một hôm anh An Văn Mậu - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh, kiêm Trưởng ban Quản lý di tích văn miếu Mao Điền đến gặp tôi và đặt viết một bài văn tế. Anh Mậu hào hứng bảo rằng, ở chốn trường thi rực rỡ làng nho, là nơi văn miếu linh thiêng đất học như thế, phải đọc văn tế cho thêm long trọng, tôn nghiêm trước cửa Khổng sân Trình. Tôi nhận lời anh Mậu và bắt đầu tìm tài liệu để viết.

Văn tế là thể loại văn học có nhiều lối văn để thể hiện. Có lối văn xuôi, lối tán, cổ thể hoặc lưu thủy có vần mà không có đối. Lại có lối thơ. Nhưng lối đường luật là thông dụng nhất, có vần có đối theo luật bằng trắc. Tôi quyết định dùng lối này.

Tôi đi tìm các nguồn tài liệu có liên quan đến văn miếu Mao Điền, đến lịch sử cuộc đời của 8 vị tiên hiền được thờ trong văn miếu. Giống như sáng tác thơ, sử liệu vốn khô khan, người viết phải rung động, thăng hoa và hóa thân vào câu chữ. Điều quan trọng nhất là bài văn tế không thể quá dài, sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của quan khách và quần chúng khi đứng nghe ở ngoài trời… Bởi thế kết cấu, phân đoạn phải cân đối. Những nội dung chủ đạo phải rõ ràng, không sa đà vào chi tiết vụn vặt, làm loãng những tư tưởng của bài văn.

Cũng vì nhiều lần được dự lễ hội nên tôi đã có cảm xúc ngập tràn về ngày lễ hội nơi này. Tôi mường tượng ra, thuở xa xôi, ông cha ta, những con người áo vải,  ăn chỉ có sắn khoai, ở nhà tranh vách đất, đĩa đèn dầu leo lét đêm đông, nhưng trong lòng bừng lên khát vọng, vượt qua chặng đường nhọc nhằn đi kiếm tìm tri thức, đỗ đạt để phụng sự đất nước, làm rạng danh cho dòng tộc quê hương… Thế là những dòng chữ bắt đầu hiện lên.

Tôi ấn định trước bài văn chỉ có 76 câu. Tập trung 8 câu đầu gây hưng phấn:

Nắng toả thiên hương

Mây giăng ngũ sắc

Càn khôn hội tụ khí lành

Âm dương chắt dồn nước ngọt

Chốn trường thi rực rỡ làng nho

Nơi Văn miếu linh thiêng đất học

Thắp nến hương – cung kính Khổng Tử ngàn xưa

Dâng phẩm vật- chiêm bái tiên hiền thuở trước.

Rồi kể về công đức, bày tỏ tấm lòng kính trọng, tri ân các vị tiên hiền. Luận bàn về khí phách, hào hùng, những tư tưởng lớn truyền lại cho đời sau. Cuối cùng là những lời thống thiết chân thành cầu nguyện, mong có cuộc sống yên bình, hạnh phúc.

… Đến sự kiện đọc văn tế

Một hôm, anh Nguyễn Xuân Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) gọi điện cho tôi. Anh Phong cho biết, lễ hội văn miếu Mao Điền đã chuẩn bị khá công phu, có quan chức trên bộ, các tỉnh và đông đảo quần chúng tham gia… Nhưng bài văn tế vẫn chưa thật yên tâm.

Hỏi kỹ ra thì bài văn ấy đã được phân công cho các bô lão ở địa phương tập luyện từ hàng tháng nay, nhưng đến ngày tổng duyệt vẫn không đạt yêu cầu chất lượng. Mà ngày lễ hội đang xích rất gần. Các anh quyết định mời tác giả đứng ra đọc.

Với tôi, việc này không có gì đáng ngại. Tôi đã bao ngày đêm nghiền ngẫm, đắn đo thêm từ này bớt từ nọ, chọn lọc chữ nghĩa sao cho câu văn có âm điệu, có tiết tấu bổng trầm. Tôi đã gần như thuộc nên dạt dào cảm xúc. Nhưng ngại nhất một điều, vốn là một hiệu trưởng Trường Văn hóa Nghệ thuật tỉnh vừa mới nghỉ hưu, lại đứng ra đọc văn tế, bạn bè, mọi người lại cho là ôm đồm, nghĩ sao?

Anh Phong động viên: "Anh cứ yên tâm, dù sao đây cũng là vì việc chung mà thôi. Với lại cương vị anh cũng là trí thức, là người đứng đầu một cái nôi đào tạo văn hóa nghệ thuật, nay đứng trước các bậc tiên hiền, các nhà khoa bảng mà cầu nguyện mang lại tốt lành cho quê hương, cho muôn người, cũng là phù hợp.

Rồi đến hội, các bạn ở Nhà hát Chèo tỉnh đã chuẩn bị cho tôi bộ trang phục khá chuẩn. Khi giới thiệu, tôi đàng hoàng từ bên cánh gà đi ra. Trước hàng ngàn người, tôi đã xúc động đọc trọn vẹn bài văn tế.

Tuy không có thời gian khớp nhạc với nhạc công, nhưng phần việc của tôi trót lọt. Sau này có bạn bảo tôi: vừa là tác giả, vừa đóng vai diễn viên.

Đã hơn chục năm trôi qua, tôi vẫn nghe lời cầu nguyện vẳng đâu đây:

“ Đức Văn Tuyên Vương lượng bể bù trì

Chư vị tiên hiền thấm nhuần phù hộ:

Suốt tháng quanh năm mưa thuận gió hoà

Cuối vụ đầu mùa quả sai hoa nở

Nhà nhà mỹ tục thuần phong

Người người học hành tiến bộ

Giáo dục Hải Dương phát triển vững bền

Văn hoá xứ Đông tầm cao phong phú

Khơi thác tinh hoa văn hiến, giàu đẹp Cẩm Điền

Kế thừa truyền thống khoa danh, vẻ vang Đông thổ…”

KHÚC HÀ LINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tôi viết văn tế Văn miếu Mao Điền