Giáo viên mầm non hợp đồng nghỉ việc, vì sao?

06/12/2017 14:54

Nhiều giáo viên, nhân viên hợp đồng tại các trường mầm non ở TP Hải Dương đã chán nản bỏ việc vì nhiều tháng nay không có lương...


Các giáo viên mầm non hợp đồng nghỉ việc đã gây áp lực rất lớn đối với các nhà trường

Đã 3 tháng nay, nhiều giáo viên, nhân viên hợp đồng ngoài biên chế (gọi tắt là hợp đồng) tại các trường mầm non trên địa bàn TP Hải Dương không nhận được lương. Nhiều người chán nản đã bỏ việc, số còn lại mong mỏi tỉnh sớm có biện pháp giải quyết.

Nghỉ việc hay tiếp tục?

Đây là băn khoăn của đa số giáo viên, nhân viên hợp đồng tại các trường mầm non trên địa bàn TP Hải Dương đang cố bám trụ lại khi từ tháng 9 đến nay họ không nhận được lương.

Gần 3 tháng trước, chị Nguyễn Thị Hằng ở xã Hồng Lạc (Thanh Hà) vẫn còn là giáo viên Trường Mầm non Ái Quốc. Sau khi không nhận được lương, chị đã nghỉ hẳn công việc ở trường và đang rốt ráo học tiếng để sang Nhật Bản lao động.

Nhớ về quãng thời gian gần 10 năm gắn bó với nghề, chị bùi ngùi: "Tình yêu và ước mơ được làm cô giáo dạy trẻ nhen nhóm trong tôi từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Nên dù thu nhập ít ỏi, 2 mẹ con chỉ đủ xoay xở tiền ăn, sinh hoạt hằng ngày, tôi vẫn cố theo đuổi nghề", chị Hằng cho biết.

Việc 3 tháng nay không có lương như giọt nước tràn ly, cuộc sống quá khó khăn khiến chị Hằng phải tìm cho mình con đường mưu sinh mới. Chị Hằng không phải trường hợp duy nhất, mà đến nay đã có 24giáo viên, nhân viên hợp đồng làm việc tại các trường mầm non trên địa bàn TP Hải Dương nghỉ việc. Một số người vẫn bám trụ lại nhưng bản thân họ cũng không chắc chắn còn "bám" nghề được bao lâu.

Chị Tăng Thị Hòa, nhân viên dinh dưỡng Trường Mầm non Thạch Khôi có hoàn cảnh khá đặc biệt. Chồng bị tai nạn, một mình chị đi làm vừa lo cho chồng lại nuôi các con ăn học. “10 năm gắn bó với nghề, tôi tâm huyết chăm chút từng bữa ăn cho các cháu. Nhưng tôi cũng không biết  bản thân còn có thể gắng gượng được bao lâu nếu tình trạng này cứ kéo dài”, chị Hòa nói.

Mặc dù được lãnh đạo nhà trường, Phòng Giáo dục và Đào tạo động viên, song các giáo viên, nhân viên hợp đồng ở các trường mầm non trên địa bàn TP Hải Dương rất lo lắng.

Áp lực với ngành giáo dục


Nhiều giáo viên hợp đồng tại các trường mầm non ở TP Hải Dương đang cố bám trụ

Theo lãnh đạo một số trường mầm non tại TP Hải Dương, từ tháng 9 đến nay, các giáo viên, nhân viên hợp đồng không được Kho bạc Nhà nước trả lương. Các trường chưa rõ nguyên nhân và tình trạng trên còn kéo dài bao lâu. Lãnh đạo các trường rất mệt mỏi vì phải cân đối kinh phí hỗ trợ một phần cho lao động hợp đồng để họ tiếp tục làm việc. Nếu giáo viên, nhân viên hợp đồng tiếp tục nghỉ việc, áp lực với các nhà trường và cả ngành giáo dục rất lớn.

Theo đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, giáo viên bậc mầm non toàn tỉnh đang thiếu trầm trọng. Chỉ tiêu biên chế UBND tỉnh giao cho ngành là 1,92 giáo viên/lớp, thấp hơn định biên được quy định trong Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV là 2,2 giáo viên/lớp đối với mẫu giáo, 2,5 giáo viên/lớp đối với nhà trẻ. Thực tế, số giáo viên biên chế của các trường còn thấp hơn chỉ tiêu tỉnh giao. Trong khi số lượng trẻ tăng lên hằng năm nên các trường phải ký hợp đồng với giáo viên.

Nhiều giáo viên hợp đồng nghỉ việc nên các trường phải tự cân đối giáo viên cho các lớp. “Lớp nọ gánh lớp kia, thậm chí hiệu trưởng, hiệu phó phải thay nhau trông trẻ và chia sẻ công việc của văn thư hoặc kế toán đã nghỉ”, bà Dương Thị Mai Lan, Hiệu trưởng Trường Mầm non Lê Thanh Nghị cho biết.

Theo bà Lan, tình trạng không lương kéo dài sẽ ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục. Khi thu nhập không đủ lo cho cuộc sống, tư tưởng bị dao động, giáo viên không thể toàn tâm toàn ý cho công việc. Trường Mầm non Lê Thanh Nghị đang phải mượn tạm số tiền ngoài giờ “đón sớm, trả muộn” hay ngày thứ bảy của các giáo viên biên chế để tạm ứng thêm cho các giáo viên hợp đồng.

Theo bà Vũ Thị Chi, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thạch Khôi, việc lao động hợp đồng không nhận được lương 3 tháng, nếu truy trách nhiệm thì hiệu trưởng cũng vi phạm Bộ luật Lao động. “Không có lương, chúng tôi cũng không thể đóng các loại bảo hiểm cho lao động theo quy định. Phía cơ quan bảo hiểm xã hội thời gian qua cũng nhắc nhở nhiều lần, buộc chúng tôi phải báo cắt, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động”, bà Chi nói.

Ông Vũ Đức Trọng, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh cho biết, Kho bạc chỉ tạm dừng chi trả lương cho các lao động hợp đồng để chờ các trường hoàn tất thủ tục quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính. Theo quy định, đơn vị sử dụng lao động phải cung cấp văn bản phê duyệt chỉ tiêu biên chế cùng danh sách những người hưởng lương làm căn cứ để Kho bạc chi trả lương cho giáo viên, nhân viên hợp đồng. Theo ông Trọng, hầu hết các trường mầm non ở TP Hải Dương chưa cung cấp được văn bản phê duyệt chỉ tiêu biên chế do cấp có thẩm quyền phê duyệt. Do đó, Kho bạc không có căn cứ để thanh toán lương cho lao động hợp đồng. "Có trường làm đúng nhưng cũng có nhiều trường có số giáo viên hợp đồng vượt quá quy định. Tình trạng trên không thể kéo dài mãi. Chúng tôi rất mong các trường thực hiện đúng quy định để Kho bạc có cơ sở giải quyết dứt điểm tình trạng này", ông Trọng nói.

Lãnh đạo nhiều trường thừa nhận không có các văn bản như ông Trọng yêu cầu. Tuy nhiên, các trường đề nghị phía Kho bạc  Nhà nước cần có thông báo sớm trước khi tạm dừng chuyển lương cho các giáo viên, nhân viên hợp đồng để nhà trường bổ sung văn bản theo yêu cầu, tránh gây hoang mang cho giáo viên.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh có 42 giáo viên, nhân viên hợp đồng tại các trường mầm non nghỉ việc do không có lương. Ngoài TP Hải Dương, 11 huyện, thị xã còn lại cũng có giáo viên, nhân viên mầm non hợp đồng nghỉ việc. Tuy nhiên, số trường thiếu các văn bản theo quy định để chuyển lương không nhiều.

LÊ HƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giáo viên mầm non hợp đồng nghỉ việc, vì sao?