Hải Dương trong mắt sinh viên Lào

13/02/2021 16:04

Hải Dương đã để lại nhiều ấn tượng và kỷ niệm tốt đẹp trong các sinh viên Lào. Mong mối tình kết nghĩa giữa hai tỉnh Viêng Chăn - Hải Dương ngày càng gắn bó, vững bền.


Các sinh viên Lào chụp ảnh lưu niệm tại Trung tâm Văn hóa Xứ Đông

“Ngày mới đến Hải Dương, mọi thứ với chúng em đều rất xa lạ. Nhưng bây giờ tất cả đã hóa thân quen. Mảnh đất, con người nơi đây vừa gần gũi, vừa có nhiều điều thú vị”, Sompong Kindala - một trong những sinh viên Lào đang học tại Trường Đại học Hải Dương chia sẻ.

Người dân thân thiện

Cứ thứ bảy hoặc chủ nhật hằng tuần, Sompong Kindala cùng với 4 sinh viên Lào đang học tập tại Trường Đại học Hải Dương lại rủ nhau tới chợ Thanh Bình, phố ẩm thực Tuệ Tĩnh, Phạm Hồng Thái, công viên Bạch Đằng... TP Hải Dương cũng vì thế mà ngày càng trở nên thân thuộc với những bạn trẻ này.

Một chiều cuối năm, Sompong Kindala mời tôi đi chơi cùng nhóm sinh viên Lào. Họ giao tiếp bằng tiếng Việt khá tốt. Chúng tôi qua chụp ảnh lưu niệm tại Trung tâm Văn hóa Xứ Đông - một công trình mới của Hải Dương, dạo chơi, mua sắm và thưởng thức một số món ăn. Sau bữa ăn chiều, chúng tôi ghé vào một quán tào phớ trên phố Phạm Hồng Thái. Vừa thấy các bạn sinh viên Lào, bà chủ quán nở nụ cười thân thiện: “Nửa tháng rồi mới thấy ghé qua quán cô. Phát ơi vẫn bát số 4 nhé. Thế cái Kết, thằng Nghị có ăn nem rán như mọi khi không để cô làm”. Tôi lấy làm lạ, chưa kịp hỏi thì Sompong Kindala đã nhanh nhảu giải thích ngày mới sang Hải Dương, những sinh viên Lào được thầy cô giáo đặt tên theo tiếng Việt cho dễ nhớ, dễ gọi. Mỗi người một tên khác nhau nhưng khi ghép lại đều thể hiện tinh thần hợp tác gắn bó bền chặt giữa 2 tỉnh kết nghĩa Hải Dương - Viêng Chăn. Ví dụ như Sompong Kindala được đặt tên là Phát. Ia Yang Thouasivith được đặt tên là Triển. Khi ghép lại tạo thành từ phát triển...

Các sinh viên Lào nhận xét tất cả người dân Hải Dương mà họ tiếp xúc ai cũng hiền lành, thân thiện, tốt bụng. Chị Somphone Soukasavanh học ở Hải Dương đã được hơn 3 năm nay cho biết: "Khi đi ra ngoài, nếu cần tìm đường hay một địa điểm mua hàng thì chỉ cần hỏi người dân".

Chị Somphone Soukasavanh còn đặc biệt ấn tượng với sự cần cù, chịu khó, năng động của người dân Hải Dương, nhất là phụ nữ. Ở quê hương chị, nhiệm vụ của đa số phụ nữ chủ yếu là lo việc gia đình như giặt quần áo, đi chợ, nấu ăn, nuôi con, còn việc kiếm tiền nuôi sống gia đình là trách nhiệm của đàn ông. Phụ nữ ở Hải Dương thì ngoài chăm sóc gia đình vẫn tham gia làm những công việc như phụ xây, chở hàng...

Đô thị của Hải Dương và Viêng Chăn có nhiều nét tương đồng. Điểm khác biệt dễ thấy nhất là đô thị ở Lào được bao phủ nhiều cây xanh hơn, đô thị ở Hải Dương thì nhiều nhà cao tầng hơn. Ban đêm, TP Hải Dương có nhiều điểm ăn uống, giải trí hơn bên tỉnh Viêng Chăn. Anh Ded Xayakang - một thành viên trong nhóm hồ hởi nói: "Món ăn ở Hải Dương nhiều, rất ngon và thú vị".

Ở Hải Dương mới vài năm nhưng những sinh viên Lào đều đã biết nấu nhiều món ăn của người Việt Nam. Họ tự mua đồ về làm những món ăn mà bên Lào không có như canh cua rau đay, đậu xốt cà chua, nem rán, chả lá lốt... Chị Tina Thitliamkhuan có lần còn theo bạn về tận Ninh Giang để xem làm bánh gai. Mỗi lần về Lào, chị đều mua bánh đậu xanh và bánh gai về làm quà cho người thân.

Các sinh viên Lào đều có chung nhận xét Hải Dương có nhiều điểm du lịch văn hóa hấp dẫn. Từ ngày sang đây học tập, các bạn đã được thầy cô, bạn bè dẫn đi thăm khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc, đền thờ thầy giáo Chu Văn An, thắng cảnh Đảo Cò...

Mong được cống hiến cho Hải Dương

Theo tìm hiểu, hiện có gần 20 sinh viên Lào đang theo học tại các trường: Đại học Hải Dương, Đại học Thành Đông và Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương. Hầu hết các bạn Lào đều có bố mẹ nuôi là những cựu chiến binh từng chiến đấu tại Lào đang sinh sống ở TP Hải Dương. Cứ vào dịp cuối tuần, họ lại qua thăm gia đình bố mẹ nuôi. Nhờ có bố mẹ nuôi mà các sinh viên Lào có thêm điểm tựa, giúp họ vơi bớt nỗi buồn nhớ quê.  "Năm ngoái em bị viêm ruột thừa phải nhập viện. Bố mẹ nuôi và người thân trong gia đình hằng ngày chăm sóc em rất chu đáo. Họ yêu thương em chẳng khác gì con ruột", chị Tina Thitliamkhuan kể.

Chỉ còn khoảng 1 năm nữa, nhiều sinh viên Lào sẽ kết thúc khóa học tại Hải Dương. Một số bạn đã xác định được công việc sau khi ra trường tại quê nhà. Anh Ded Xayakang và một vài người bạn khác lại muốn ở lại Hải Dương sinh sống và làm việc. "Hải Dương đã trở thành quê hương thứ hai của chúng em. Môi trường ở đây ổn định, phát triển năng động nên em nghĩ sẽ có nhiều cơ hội về việc làm tốt. Nếu được tạo cơ hội, em sẽ nghiêm túc xem xét việc ở lại để lập nghiệp", Ded Xayakang cho biết.

MỸ ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hải Dương trong mắt sinh viên Lào