Những rào cản ngăn thế hệ trẻ Việt Nam học tập

23/08/2020 20:00

Bạo lực học đường, chi phí học tập, việc học thêm, áp lực thể hiện hay khoảng trống kỹ năng là những rào cản với giáo dục được các bạn trẻ chỉ ra.

Báo cáo nghiên cứu thế hệ trẻ Việt Nam được Hội đồng Anh công bố tháng 8 cho thấy quan điểm của người trẻ ở nhiều khía cạnh, trong đó có giáo dục. Qua khảo sát 1.200 người Việt từ 16 đến 30 tuổi đến từ các vùng địa lý và tầng lớp xã hội khác nhau, đa số lạc quan về hệ thống giáo dục quốc dân. 77% đồng ý chất lượng giáo dục Việt Nam đang cải thiện và 76% cảm thấy Chính phủ có các chính sách giáo dục tốt. Tuy nhiên, người trẻ Việt cũng chỉ ra nhiều rào cản với giáo dục.

Học sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 tại TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần.
Học sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 tại TP Hồ Chí Minh

Thứ nhất là bạo lực học đường đang gia tăng dù hệ thống giám sát của nhà trường và sử dụng mạng xã hội ngày càng phát triển. Trong đó phổ biến là bạo hành cảm xúc và tinh thần trong trường học, gồm bắt nạt, nhạo báng, mắng mỏ. Điều này thống nhất với số liệu từ OECD năm 2019 cho thấy 27% học sinh Việt Nam cho biết đã bị bắt nạt ít nhất vài lần một tháng.

Một nam sinh ở An Giang (nhóm 16-19 tuổi) nói trong nhóm thảo luận chung: "Bây giờ có hình thức bạo hành mới, chính là chê bai ngoại hình. Kiểu này thậm chí còn gây đau đớn hơn cả bạo hành thể xác".

Những người đã trở thành phụ huynh cũng chia sẻ trong cuộc phỏng vấn sâu với nhóm nghiên cứu về lo ngại liên quan đến sự an toàn của con cái, đặc biệt lo lắng con có thể bị bạo hành thể xác ở trường. Các cuộc thảo luận nhóm cũng đề cập bạo hành thể xác trong trường học, nhất là giữa học sinh và coi đó có thể là yếu tố dẫn đến việc bỏ học giữa chừng.

Học phí, cả cho học chính khóa và học thêm, cũng là một trong những rào cản ngăn người trẻ học tập. Đồng nhất với kết quả nghiên cứu của Anh (2009) và OECD (2017), những người tham gia phỏng vấn sâu thuộc nhóm thu nhập thấp và thảo luận nhóm chia sẻ nếu gia đình gặp khó khăn tài chính, hệ quả thường là bỏ học giữa chừng.

Một học sinh chia sẻ "kết quả học tập của em đạt loại giỏi nhưng em cảm thấy gia đình không thể lo cho em đi học được nữa, nên em chọn nghỉ học, và cha mẹ cũng không phản đối". Điều này không hiếm, đặc biệt ở nông thôn. Gia đình có hoàn cảnh khó khăn có thể chỉ cần con học vừa đủ để kiếm được việc và kiếm tiền hỗ trợ gia đình.

Tài chính ổn định là mong muốn của nhiều người Việt trẻ. Vì vậy, nhiều học sinh, sinh viên không muốn học lên cao mà muốn đi kiếm tiền ngay. Một sinh viên đại học ở ven đô Hà Nội trong nhóm thảo luận cho biết đã bỏ học ngay khi kiếm được việc làm bán thời gian.

Rào cản khác được các bạn trẻ nhắc tới là việc học thêm. Theo khảo sát đại diện toàn quốc, khoảng 68% người trả lời cảm thấy cần học thêm để có thể học tốt ở Việt Nam. Khi được hỏi trong thảo luận nhóm, đa số cho biết cảm thấy áp lực trước việc phải đi học thêm hoặc học gia sư ngoài giờ chính khóa. Áp lực này đến từ bạn bè hoặc giáo viên, những người có thể ép họ học thêm nhiều giờ sau chính khóa để biết nội dung mà nếu không học thêm thì sẽ không biết.

"Học thêm là cần thiết vì giờ học trên lớp ngắn lắm. Hơn nữa, giáo viên thường hay cho bọn em mẹo để làm bài tập về nhà. Nhiều người cũng học thêm vì không muốn bị giáo viên trù", một người đến từ An Giang, nhóm tuổi 20-24 cho hay. Nhiều người khác cũng đồng tình với ý kiến này, cho rằng giáo viên đôi lúc không giảng hết trên lớp để ưu tiên cho những học sinh học lớp học thêm của họ.

Ngoài ra, nhiều người đi học thêm các kỹ năng ít được học trong trường như tin học, ngoại ngữ, kỹ năng đàm phán.Một thanh niên ở TP HCM cũng chỉ ra thực trạng việc dạy thêm, học thêm tiếp diễn dù luật cấm bởi giáo viên, đặc biệt ở trường công, vẫn cần kiếm thêm tiền vì lương chính của các thầy cô rất thấp.


Tỷ lệ theo vùng miền và trình độ học vấn đồng ý với phát ngôn bạn cần học thêm để học tốt ở Việt Nam (n là số người tham gia trả lời). Biểu đồ: Báo cáo nghiên cứu thế hệ trẻ Việt Nam

Nghiên cứu cũng chỉ ra một rào cản nữa là áp lực phải học giỏi từ gia đình. 38% người tham gia khảo sát cho biết cảm thấy áp lực khi phải học theo lựa chọn của gia đình. Những người trẻ trong các nhóm thảo luận tập trung cho rằng bố mẹ và các nhà tuyển dụng thường ưu tiên kết quả thi. Điều này dẫn đến một số tệ nạn như sửa điểm thi, làm bằng giả và cũng dẫn đến việc phải học thêm như đã nói ở trên.

Khoảng trống kỹ năng cũng là lo ngại của người trẻ Việt Nam. Một nam sinh độ tuổi 16-19 cho biết "kỹ năng và kiến thức chúng em học ở trường chỉ đáp ứng khoảng 30% kỹ năng cần cho công việc tương lai".

Những người tham gia khảo sát chỉ ra tính phi ứng dụng của chương trình học Việt Nam cho những nhóm cá nhân đặc thù chính là một trong những nguyên nhân chính cho tỷ lệ bỏ học. Thực tế, một số ít cá nhân chủ động bỏ học vì không chắc liệu học hành có giúp họ kiếm được việc trong tương lai hay không. Một số khác tin thị trường lao động không còn trọng bằng cấp như trước đây, họ chọn bỏ học chính quy, đăng ký đào tạo nghề và đi làm.

Báo cáo nghiên cứu cho rằng giáo dục chính quy dường như không cung cấp được bộ kỹ năng đầy đủ cần thiết cho khả năng được tuyển dụng vào thế kỷ 21, ví dụ giao tiếp, sáng tạo, tư duy phản biện và một số kỹ năng mềm khác. Người tham gia khảo sát cũng cho biết thường không nhận được tư vấn về nghề nghiệp hoặc thiếu kiến thức về thị trường lao động.

Cũng theo báo cáo được Hội đồng Anh, với những người ở vùng nông thôn, thuộc cộng đồng dân tộc thiểu số hoặc có khuyết tật thể chất, khoảng cách và cách đến trường cũng là rào cản, khiến việc học tập thêm khó khăn.

Nghiên cứu thế hệ trẻ (Next Generation) là dự án nghiên cứu toàn cầu của Hội đồng Anh, được khởi xướng tại các quốc gia đang trong giai đoạn có những thay đổi đáng kể. Mục tiêu của chương trình là đảm bảo tiếng nói của giới trẻ được lắng nghe và lợi ích của họ được thể hiện phù hợp trong các quyết định mang tính ảnh hưởng lâu dài tới cuộc sống của họ.

Dự án nghiên cứu lần này nhằm lắng nghe quan điểm của giới trẻ về giáo dục, việc làm và lối sống hiện tại cũng như để hiểu được những hy vọng và lo lắng của họ về đất nước. Nghiên cứu cũng tìm hiểu về mức độ tương tác quốc tế của giới trẻ, quan điểm và suy nghĩ của họ về một thế giới rộng lớn cùng với những giá trị và niềm tin ảnh hưởng tới họ trong cuộc sống.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những rào cản ngăn thế hệ trẻ Việt Nam học tập