"Rào cản" trong dạy học online

17/04/2020 07:03

Nhiều trường khi triển khai dạy học trực tuyến đã gặp phải khó khăn từ phần mềm và đường truyền. Các trường đang tìm cách khắc phục, lựa chọn phần mềm phù hợp nhất để dạy học.

Giáo viên Trường THPT Nam Sách 2 trao đổi hỗ trợ nhau cách dùng phần mềm dạy học trực tuyến

Hiện nay, nhiều trường học trong tỉnh triển khai dạy học trực tuyến nhưng vẫn còn nhiều bất cập liên quan đến đường truyền và phần mềm.


Vừa triển khai đã phải dừng

Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Hải Dương) dự kiến từ ngày 13.4 bắt đầu dạy học trực tuyến, nhưng ngay tối 12.4 nhà trường đã phải thông báo tạm hoãn tới phụ huynh học sinh. "Nhiều giáo viên và học sinh không thể truy cập được vào phần mềm trường sử dụng. Một số giáo viên dạy trên phần mềm Zoom song trong lúc tương tác xuất hiện một số tài khoản của người lạ bên ngoài truy cập vào lớp học nên chúng tôi buộc phải cho dừng", cô giáo Lê Thị Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn nói. 2 ngày qua, nhà trường đã khẩn trương tập huấn cho giáo viên chuyển sang sử dụng phần mềm Microsoft Teams với nhiều ưu điểm hơn, đặc biệt là có tính bảo mật cao và chính thức tổ chức dạy online từ ngày 15.4.

Lãnh đạo nhiều Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện cho biết 100% số lớp thuộc các trường tiểu học, THCS đã triển khai dạy trực tuyến từ ngày 13.4. Tuy nhiên, do những sự cố liên quan đến phần mềm hoặc một số khu vực mất điện nên nhiều trường đã phải tạm dừng, dẫn tới tỷ lệ học sinh tham gia học trực tuyến nơi thấp, nơi cao. Ngày 14.4, TP Hải Dương mới có 63,9% số học sinh tiểu học, 87% số học sinh THCS tham gia học trực tuyến, trong khi ở huyện Cẩm Giàng tỷ lệ tương ứng là 89,7% và 96,9%. Còn rất nhiều học sinh chưa có thiết bị tối thiểu để học online. Hầu hết học sinh tiểu học phải có sự kèm cặp, hướng dẫn của phụ huynh khi học trực tuyến.

Những ngày đầu, nhiều trường chủ yếu dạy các môn cơ bản như toán, tiếng Việt, tiếng Anh, vừa dạy, vừa rút kinh nghiệm. Một số trường đã bắt đầu dạy cả các môn khác như giáo dục công dân, mỹ thuật, âm nhạc, tin học. Việc soạn giáo án để dạy trực tuyến tuy khó khăn song các giáo viên đều chủ động hỗ trợ nhau khắc phục. Các giáo viên tuổi cao, ít tiếp cận công nghệ thông tin cũng không lo ngại việc này do có sự giúp sức của đồng nghiệp trẻ và người thân. Trường Tiểu học Tân Việt (Bình Giang) có 6-7 giáo viên chỉ còn 1-2 năm nữa là nghỉ hưu. Nhà trường đã cử một số giáo viên trẻ, am hiểu công nghệ thông tin đến tận nhà hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ. "Lúc đầu, chúng tôi cũng hơi lo nhưng bây giờ thì ổn cả rồi. Các giáo viên tuổi cao đã dạy trực tuyến nhưng chất lượng như thế nào thì còn phụ thuộc vào đường truyền nữa", Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Việt Vũ Thị Mai nói.  

Đường truyền không ổn định dẫn tới nhiều giáo viên không thể dạy trực tuyến, học sinh không truy cập được phần mềm. Nếu có truy cập được thì việc tương tác giữa giáo viên và học sinh cũng lúc được, lúc không. Đây là khó khăn lớn nhất hiện nay mà hầu hết các trường đang gặp phải.

 Sau 1 tuần triển khai,  tỷ lệ học sinh tiểu học ở huyện Tứ Kỳ tham gia học trực tuyến đạt 88,3%, học sinh THCS đạt 89,7%

Ảnh: NGUYỄN NGÂN

Cân nhắc lựa chọn phần mềm

Các trường học trong tỉnh đang sử dụng nhiều phần mềm trong dạy học trực tuyến như Zoom, Microsoft Teams, ViettelStudy, VNPT E-Learning... Ngoài tiện ích, những phần mềm này cũng bộc lộ những hạn chế nhất định. Vậy nên mới có tình trạng giáo viên hết sử dụng phần mềm này lại chuyển sang phần mềm khác.

Một số giáo viên phản ánh phần mềm ViettelStudy tương tác tốt nhưng chưa dễ sử dụng. Ngoài tương tác trực tuyến với học sinh, giáo viên có thể đưa bài giảng, bài tập lên phần mềm nhưng việc trao đổi, kiểm soát việc học, làm bài của học sinh chưa thông dụng.

Trong dạy học trực tuyến, giáo viên dễ tương tác với học sinh trên phần mềm Zoom. Tuy nhiên, nhược điểm lớn là tính bảo mật của Zoom không cao. Có giáo viên cho biết đã bị kẻ xấu nhảy vào trong tiết dạy bình luận, gửi hình ảnh, âm thanh không chuẩn mực.

Sử dụng phần mềm Microsoft Teams mất nhiều thời gian lập tài khoản. Nếu như ở phần mềm Zoom, giáo viên chỉ cần nhập 1 tài khoản và cung cấp mật khẩu cho tất cả học sinh truy cập vào là học được. Nhưng với Microsoft Teams, giáo viên và mỗi học sinh đều phải lập tài khoản riêng. Tuy vậy, phần mềm này lại đang được nhiều giáo viên dùng hơn. Kết thúc bài giảng trực tuyến, video toàn bộ tiết dạy được lưu lại, giáo viên sẽ biết được tiết dạy kéo dài bao lâu, có bao nhiêu học sinh tham dự, từ đó có thể tự đánh giá chất lượng, rút kinh nghiệm trong giảng dạy. Việc giao làm, chấm điểm bài tập về nhà của học sinh cũng được kiểm soát tốt trên phần mềm này... Tại các huyện Tứ Kỳ, Bình Giang, đa số giáo viên đã chuyển sang sử dụng phần mềm này.

Ngành giáo dục không chỉ đạo hay ép buộc các nhà trường hay giáo viên phải sử dụng cố định một phần mềm nào để dạy học trực tuyến. Các nhà trường căn cứ điều kiện thực tế, chủ động khắc phục khó khăn, lựa chọn phần mềm phù hợp nhất để dạy học. Và theo chúng tôi, trong giai đoạn này nên ưu tiên cho các môn chính là toán, tiếng Việt, tiếng Anh thay vì học các môn phụ là giáo dục công dân, mỹ thuật, âm nhạc... 

 BÌNH MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Rào cản" trong dạy học online