Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu rà soát kỹ lưỡng các bài thi phúc khảo

01/08/2019 14:26

Sự việc 2 học sinh ở Tây Ninh sau chấm phúc khảo tăng 20,5 điểm và 21,25 điểm đã khiến dư luận không khỏi ngạc nhiên. Chưa kể, trong đó có những học sinh là học sinh giỏi quốc gia.

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ, trước mắt đã trả điểm thực cho thí sinh để các em có nguyện vọng xét tuyển, tiếp theo Bộ sẽ yêu cầu địa phương rà soát và báo cáo chi tiết về nguyên nhân xảy ra việc này. Ảnh: TTXVN

Dù Ban chấm thi trắc nghiệm và Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Tây Ninh đã báo cáo về nguyên nhân là do thí sinh nhưng dư luận vẫn chưa thoả mãn với điều này.

Kết quả phúc khảo bài thi THPT quốc gia 2019 của 34 thí sinh của thí sinh tại Tây Ninh này đều tăng, trong đó mức điểm tăng khá nhiều, gây bất ngờ trong dư luận.

Đó là trường hợp của thí sinh Nguyễn Thị Thu Thảo, ban đầu điểm 3 môn của tổ hợp Khoa học xã hội của em cũng đều là 0. Điểm sau khi phúc khảo, môn Địa: 7,5; môn Giáo dục công dân 8 và môn Sử 5,75. Như vậy, số điểm được tăng lên của Thảo là 21,25 điểm.

Thí sinh Lê Quang Kỳ sau phúc khảo đã tăng lên 20,5 điểm. Đây là thí sinh từng 2 năm liên tiếp đạt học sinh giỏi quốc gia ở môn tin học.

Chưa kể, những trường hợp từ 0 điểm các tổ hợp khoa học xã hội, sau phúc khảo đã tăng lên từ 14 - 18,75 điểm.

Trước sự việc này, Ban chấm thi phúc khảo trắc nghiệm Tây Ninh cho biết, việc thực hiện chấm phúc khảo đúng quy định, trong đó Ban Chấm thi phúc khảo đã rút bài thi gốc của học sinh ra để đối chiều với biên bản thu bài, sơ đồ phát đề thi và dữ liệu ảnh quét của thí sinh được lưu và bảo mật để xác định chính xác nguyên nhân rồi tiến hành cho phúc khảo.

Kết quả cho thấy 58 bài thi trắc nghiệm của 34 thí sinh này đã được trả về kết quả thực. Nguyên nhân được xác định là do những thí sinh này tô sai mã đề, tô nhầm số báo danh và tô mờ đáp án, máy không nhận diện được.

Chưa thoả mãn với giải thích này, dư luận tiếp tục đặt vấn đề là lỗi do phần mềm hoặc cán bộ chấm thi trắc nghiệm chưa làm đúng quy trình.

Giải thích về nghi vấn phần mềm chấm thi, ông Sái Công Hồng, Cục phó Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT khẳng định, không có chuyện này vì nếu thế sẽ có lỗi ở 62 tỉnh còn lại.

Trước vấn đề này, PGS TS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - là đơn vị phụ trách chấm thi trắc nghiệm tại tỉnh Thanh Hoá, kỳ thi THPT quốc gia 2019 - cho biết: Trong quá trình chấm trắc nghiệm tại Thanh Hoá, để đảm bảo quyền lợi của thí sinh, phần mềm chấm thi khuyến cáo nên xem xét lại những bài thi như: tô mờ, tô đúp... Số lượng bài thi này là 11.696 bài.

Theo quy định hướng dẫn chấm thi trắc nghiệm, có công việc kiểm sửa lỗi bài làm. Khi xử lý ảnh bài làm của thí sinh cần kiểm tra có đúng không hay thí sinh bỏ sót hoặc tô đúp câu trả lời mà phần mềm không nhận dạng được. Phần này gọi là kiểm sửa lỗi bài làm.

PGS TS Trần Văn Tớp cho hay, thí sinh bao giờ cũng sẽ chọn 1 phương án trả lời, trong quá trình tô phương án, có khả năng thí sinh tô nhưng tô mờ làm phần mềm hiểu câu hỏi đó không có chọn câu trả lời. Hoặc có thí sinh chọn lại câu trả lời, nhưng phương án trả lời trước chưa tẩy kỹ, phần mềm nhận dạng sẽ bắt lỗi tô đúp. Những lỗi như này gặp nhiều ở bài thi tổ hợp.

Các lỗi bắt buộc Ban chấm thi phải sửa như: sai số báo danh, sai, trùng mã đề thi, không nhận dạng được bài thi (trong đó chủ yếu là số báo danh và mã đề thi) là 649 bài thi.

Bộ GDĐT cho biết, sau khi trong quá trình đối soát dữ liệu điểm thi từ các địa phương gửi về, Bộ GDĐT đã phát hiện những bất thường về điểm thi của một số bài thi trắc nghiệm tại Hội đồng thi tỉnh Tây Ninh.

Bộ GDĐT đã chỉ đạo Ban Chấm chi trắc nghiệm và Sở GDĐT tỉnh Tây Ninh rà soát, báo cáo từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, những lỗi của thí sinh mới chỉ là thông tin ban đầu từ Ban chấm thi trắc nghiệm tỉnh Tây Ninh.

Đại diện Bộ GDĐT chia sẻ, trước mắt đã trả điểm thực cho thí sinh để các em có nguyện vọng xét tuyển, tiếp theo Bộ sẽ yêu cầu địa phương rà soát và báo cáo chi tiết về nguyên nhân xảy ra việc này.

Ông Sái Công Hồng cho biết: Bộ GDĐT đã yêu cầu các Ban chấm thi phúc khảo rà soát kỹ lưỡng các bài thi phúc khảo, trả lại điểm thực cho thí sinh, cập nhật sớm để đảm bảo trong quá trình xét tuyển nguyện vọng (nếu có).

Theo báo Tin tức

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu rà soát kỹ lưỡng các bài thi phúc khảo