Cái ác vẫn "sống" ở chốn học đường

31/03/2019 09:53

Vụ việc nữ sinh lớp 9 ở Hưng Yên bị đánh đập dã man là hệ quả của bệnh thành tích trong ngành giáo dục. Chính nó tạo ra sự vô cảm, thiếu trách nhiệm, làm cho bạo lực học đường phát sinh

Cái ác vẫn sống ở chốn học đường - Ảnh 1.
Hình ảnh nữ sinh N.T.H.Y bị nhóm bạn học cùng lớp đánh hội đồng. Ảnh cắt từ clip

Dư luận ngày 30.3 bàng hoàng và căm phẫn trước vụ việc nữ sinh lớp 9A của Trường THCS Phù Ủng (huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) bị các bạn gái trong lớp đánh hội đồng đến mức phải đưa vào bệnh viện tâm thần điều trị. Điều đáng nói sự việc xảy ra ngay trong lớp học mà không có sự can ngăn của các bạn cùng lớp hay thầy cô giáo nào.

"Không ai bảo vệ cháu"

Sự việc xảy ra vào ngày 22.3. Ngay sau khi vừa tan học, giáo viên chủ nhiệm ra về, một nhóm 5 nữ sinh lớp 9 đã đánh hội đồng nữ sinh N.T.H.Y. Hình ảnh clip được báo chí và mạng xã hội đăng từ ngày 29.3 cho thấy nhóm nữ sinh lột quần áo, liên tiếp đấm đá vào vùng mặt của em Y., mặc cho em la hét vì đau đớn và không dám chống cự.

Cái ác vẫn sống ở chốn học đường - Ảnh 2.
Ông Nhữ Mạnh Phong, Hiệu trưởng Trường THCS Phù Ủng, bị tạm đình chỉ công việc

Ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh (HS), sinh viên thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), cho biết ngay khi nhận được thông tin, đơn vị này đã liên hệ trực tiếp với Sở GDĐT Hưng Yên, yêu cầu kiểm tra làm rõ vụ việc và báo cáo về Bộ GD-ĐT trước ngày 2-4. Bộ GDĐT cũng chỉ đạo Sở GDĐT Hưng Yên làm rõ trách nhiệm của những người liên quan, đồng thời tổ chức thăm hỏi, động viên ổn định tinh thần của HS. "Bộ GDĐT yêu cầu Sở GDĐT phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan hỗ trợ nạn nhân; phối hợp với cơ quan công an để điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật" - ông Bùi Văn Linh nói.

Còn theo ông Trương Văn Ty, Trưởng Phòng GDĐT huyện Ân Thi, ngay khi nắm được sự việc nghiêm trọng này, ông đã chỉ đạo Trường THCS Phù Ủng xác minh, báo cáo. Trước mắt, từ ngày 1.4, hiệu trưởng nhà trường là ông Nhữ Mạnh Phong sẽ bị đình chỉ công việc điều hành trong 15 ngày để phục vụ kiểm tra, xử lý. Riêng giáo viên chủ nhiệm lớp em N.T.H.Y bị điều chuyển, không chủ nhiệm lớp này nữa.

Trong cuộc trao đổi với báo chí ngày 30.3, ông Nguyễn Văn Doanh, chú ruột của nữ sinh Y., đã rơi nước mắt khi nói đến hoàn cảnh gia đình của em và việc em bị bạn học đánh đập. Ông Doanh nói đây không phải lần đầu cháu bị đánh. Giữa học kỳ I, cháu đã bị nhóm bạn cùng lớp đánh. Cháu báo sự việc mình bị đánh cho cô giáo chủ nhiệm nhưng cô không có biện pháp ngăn chặn, dẫn đến ngay trong ngày hôm đó, cháu lại bị nhóm bạn đánh.

"Cháu không dám nói với gia đình vì bị dọa giết. Tội nghiệp cháu phải thui thủi trong lớp học suốt một thời gian dài mà không một ai giúp đỡ" - ông Doanh ngậm ngùi.

Theo ông Doanh, chính sự vô cảm, thiếu trách nhiệm của nhà trường đã dẫn đến hậu quả cháu của ông bị bạn học hành hung trong một thời gian dài. Đáng nói hơn, khi yêu cầu được xem clip cháu H.Y bị đánh thì phía nhà trường chỉ nói "clip bị mờ và đã yêu cầu HS xóa đi rồi".

Chỉ vì bệnh thành tích

Tại sao Bộ GDĐT đã có nhiều văn bản chỉ đạo nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường nhưng những vụ đánh nhau ngay trong trường học vẫn liên tiếp diễn ra?

TS Dương Thị Hưởng, nguyên giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho rằng đó chính là hệ quả của bệnh thành tích, của việc giáo viên cố giữ cho lớp mình chủ nhiệm, cho trường mình làm hiệu trưởng không có điều tiếng, không bị tụt thi đua. "Họ không nghĩ đến điều quan trọng là tương lai của những HS bị bạo hành, đặc biệt là việc họ đang gián tiếp nuôi dưỡng cái ác trong môi trường giáo dục bằng cách giấu giếm cái ác, để cho nó tự tung tự tác phát triển" - TS Hưởng thẳng thắn.

Về phát biểu của ông Nhữ Mạnh Phong cho rằng phía nhà trường đã yêu cầu các em HS xóa clip để bảo vệ danh dự cho em Y., TS Hưởng bày tỏ bất bình: "Tôi không thể hình dung được việc giáo viên yêu cầu xóa clip để xóa dấu tích, không cho người khác hay biết. Những giáo viên này đang vì cái lợi nhỏ bé của bản thân mà bỏ đi sứ mệnh người thầy của mình". Bà cho rằng việc chạy theo thành tích đang khiến không ít giáo viên trở nên vô cảm và chính sự vô cảm này trong ngành giáo dục đã tác động ngay đến HS.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ GDĐT), cũng có chung quan điểm khi nhìn nhận trách nhiệm lớn trong việc em Y. bị bạo hành chính là giáo viên chủ nhiệm và lãnh đạo nhà trường thiếu sâu sát.

"Trách nhiệm trước hết ở các em HS không được dạy dỗ tử tế từ gia đình và nhà trường, nhưng tôi rất buồn vì sự vô cảm của giáo viên và lãnh đạo trường. Họ đã biết em Y. thường bị bắt nạt nhưng phát biểu trước truyền thông thì cứ như lỗi là của HS bị đánh" - TS Vinh nói. 

Yêu cầu Công an tỉnh Hưng Yên vào cuộc

Chiều tối 30-3, UBND tỉnh Hưng Yên đã có văn bản yêu cầu UBND huyện Ân Thi phối hợp với Sở GDĐT tỉnh Hưng Yên xem xét xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan để xảy ra vụ bạo lực học đường tại Trường THCS Phù Ủng. Đồng thời, Sở GD-ĐT tỉnh Hưng Yên rà soát, có biện pháp ngăn ngừa bạo lực học đường, thực hiện nghiêm kỷ cương, nền nếp trường học.

Lãnh đạo tỉnh Hưng Yên cũng yêu cầu Công an tỉnh phối hợp với UBND huyện Ân Thi khẩn trương giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật. Các sở Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội quan tâm hỗ trợ điều trị nữ sinh bị nạn.

Theo Người lao động

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cái ác vẫn "sống" ở chốn học đường