Chất lượng trường học: Giữ được chuẩn mới khó!

19/01/2021 09:00

Một trường được công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia không có nghĩa là sẽ giữ vững được chứng nhận này trong tương lai.


Cô và trò Trường THCS Thăng Long, Hà Nội

Do đó, việc duy trì, liên tục cải tiến chất lượng giáo dục là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của mỗi nhà trường.

Kế hoạch phải cụ thể, khả thi

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nghệ An Thái Văn Thành, kế hoạch cải tiến chất lượng là các giải pháp, biện pháp mà nhà trường cần thực hiện để đổi mới từng lĩnh vực, khâu và từng hoạt động giáo dục. Kế hoạch cải tiến chất lượng giáo dục có thể là những việc làm được ngay trong một khoảng thời gian ngắn, không đòi hỏi nhiều nhân lực, vật lực; nhưng cũng có thể cần nhiều thời gian và điều kiện thực hiện.

Tùy thuộc vào kết quả tự đánh giá và đánh giá ngoài, nhà trường xác định việc cần làm ngay, việc cần có thời gian để hoàn thành. Để giám sát, hỗ trợ các nhà trường thực hiện kế hoạch cải tiến chất lượng, kinh nghiệm cho thấy, trước hết, các cơ sở giáo dục trong quá trình đánh giá phải xác định rõ điểm mạnh để phát huy, điểm yếu để khắc phục trong từng tiêu chí. Kế hoạch phải cụ thể, khả thi, tránh chung chung; đồng thời phải phù hợp với điều kiện của cơ sở giáo dục, địa phương cũng như cơ chế, chính sách hiện hành.

“Kế hoạch cải tiến chất lượng cần bảo đảm tính tổng thể. Phải đặt các công việc cần cải tiến của mỗi tiêu chí trong mối quan hệ với các tiêu chí. Từ thực tiễn kiểm định chất lượng giáo dục 5 năm qua, muốn làm tốt công tác giám sát và tư vấn về cải tiến chất lượng giáo dục, trước hết các cấp quản lý giáo dục (trọng tâm là Sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT) phải xây dựng kế hoạch chỉ đạo về kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Trong kế hoạch có nội dung tư vấn, giám sát, hỗ trợ các cơ sở giáo dục thực hiện kế hoạch cải tiến chất lượng sau đánh giá”, ông Thái Văn Thành chia sẻ.

Ông Bùi Quý Khiêm, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT Đồng Tháp lại nhấn mạnh: Cần bám sát thực tế của nhà trường; phù hợp với nguồn lực (nhân lực, vật lực, tài lực); mang tính khả thi cao và phải hướng đến mục tiêu từng bước nâng cao chất lượng giáo dục một cách thực chất. Kế hoạch nên đưa ra các mục tiêu rõ ràng (mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể) và giải pháp, biện pháp để thực hiện đạt mục tiêu cải tiến chất lượng. Đồng thời, huy động được sức mạnh tổng hợp, sự tham gia trên tinh thần trách nhiệm của các bộ phận, nhà giáo và cán bộ quản lý. Bảo đảm tiến độ, thời gian thực hiện các công việc… 

“Tại Đồng Tháp, việc xây dựng và triển khai kế hoạch cải tiến chất lượng ở các cơ sở giáo dục nói chung bảo đảm được nội dung cơ bản theo hướng dẫn của cấp trên, được cụ thể hoá phù hợp với điều kiện thực tế của từng cơ sở giáo dục, không “rập khuôn” về mục tiêu, yêu cầu, giải pháp...

Riêng với các cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT), trong điều kiện cùng triển khai thực hiện chương trình GDPT hiện hành và Chương trình GDPT 2018, việc xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch cải tiến chất lượng phải vừa bảo đảm các yêu cầu riêng của từng chương trình, vừa mang tính tiếp cận các quan điểm của Chương trình GDPT 2018 đối với các lớp chưa thay sách giáo khoa.

Trong đánh giá thi đua, hạn chế đến mức thấp nhất các tiêu chí tự đơn vị đánh giá (chất lượng giáo dục), tăng các tiêu chí mang tính “đánh giá ngoài”.  Cụ thể, với trường THCS, lấy kết quả thi tuyển sinh vào lớp 10; trường THPT lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT (không lấy tỷ lệ đỗ mà sử dụng điểm bình quân các môn thi, tỷ lệ điểm từ 5 trở lên…”, ông Bùi Quý Khiêm cho hay.

Giám sát chặt chẽ


Cô và trò Trường TH Thăng Long, Hà Nội

Chia sẻ về giải pháp nhằm giám sát, kiểm tra các nhà trường thực hiện kế hoạch cải tiến chất lượng sau đánh giá, ông Cao Xuân Hùng - Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định thông tin: Cuối mỗi năm học, các trường THPT, trung tâm Giáo dục thường xuyên và phòng GD-ĐT tại Nam Định đều báo cáo kết quả tự đánh giá về Sở GD-ĐT.

Trên cơ sở đó, Sở đối chiếu việc thực hiện kế hoạch cải tiến chất lượng giáo dục, đặc biệt là kế hoạch mà đoàn đánh giá ngoài đã kiến nghị để kiểm tra việc thực hiện. Đầu năm học và đầu học kỳ II hằng năm, Sở GD-ĐT tổ chức đoàn kiểm tra cơ sở giáo dục trong tỉnh, trong đó có kiểm tra thực hiện nội dung liên quan đến kiểm định chất lượng giáo dục.

Ngoài hoạt động này, với các trường từ mầm non đến THCS, Sở GD-ĐT giao phòng GD-ĐT đôn đốc, kiểm tra cơ sở giáo dục thuộc quyền quản lý về thực hiện kế hoạch cải tiến chất lượng đã đề ra. Với trường có kế hoạch cải tiến chất lượng quan trọng, cần thực hiện ngay trong năm học, đoàn đánh giá ngoài sẽ yêu cầu nhà trường báo cáo bằng văn bản sau khi hoàn thành kế hoạch đề ra.

Với việc hỗ trợ các nhà trường thực hiện kế hoạch cải tiến chất lượng sau đánh giá, theo ông Cao Xuân Hùng, Sở GD-ĐT tổ chức các đợt tập huấn tự đánh giá cho lãnh đạo, chuyên viên phụ trách công tác kiểm định chất lượng giáo dục tại các phòng GD-ĐT, lãnh đạo cơ sở giáo dục của từng cấp học, bậc học.

Trong đó, chú trọng tập huấn cho lãnh đạo, hội đồng tự đánh giá của cơ sở giáo dục đăng ký đánh giá ngoài vào đầu mỗi năm học. Quan tâm tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cộng tác viên kiểm định chất lượng giáo dục. Ngoài ra, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ được sở cập nhật đầy đủ và gửi tới các cơ sở giáo dục, phòng GD-ĐT làm cơ sở pháp lý trong thực hiện đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, rà soát định kỳ.

Theo Giáo dục và Thời đại

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chất lượng trường học: Giữ được chuẩn mới khó!