Chọn sách giáo khoa: Ai chi tiền tỷ sách mẫu, phân định sao nếu không sách nào ''quá bán''?

04/12/2019 20:28

Dự thảo thông tư hướng dẫn việc chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông đang được Bộ Giáo dục và đào tạo trưng cầu ý kiến rộng rãi.


Thiết kế kênh hình cho sách giáo khoa mới cũng là khâu nhiều đơn vị xuất bản quan tâm 

Thông tư này có quan điểm tiến bộ là cho phép giáo viên trực tiếp đứng lớp, phụ huynh học sinh tham gia hội đồng chọn sách.

Tuy vậy, đây là năm đầu tiên thực hiện "một chương trình, nhiều sách giáo khoa (SGK)" nên các quy định cụ thể và càng lường được nhiều tình huống mang tính phổ biến có thể xảy ra sẽ càng thuận lợi cho các địa phương trong việc lựa chọn SGK phù hợp.

Ai bỏ tiền tỉ cung cấp SGK mẫu?

Theo quy định trong dự thảo, việc lựa chọn sách giáo khoa sẽ do các cơ sở giáo dục (gọi chung là các trường) thực hiện. Việc lựa chọn sách giáo khoa theo nguyên tắc lựa chọn 1 SGK cho mỗi môn học/hoạt động giáo dục ở mỗi khối lớp trong số SGK đã được bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Như vậy mỗi tỉnh có thể thành lập hàng trăm hội đồng. Cả nước là hàng ngàn hội đồng chọn SGK.

Trước đây, các đơn vị xuất bản chỉ cần chuyển SGK mẫu cho hội đồng chọn sách giáo khoa ở 63 tỉnh thành thì nay để hiệu trưởng, giáo viên, phụ huynh tiếp cận được, sẽ phải chuyển SGK mẫu đến hàng ngàn trường.

"Chúng tôi ước tính kinh phí chi cho việc cấp miễn phí sSGK mẫu sẽ là 3,6 tỷ đồng nhưng không thể cấp SGK thôi mà sẽ phải cấp sách giáo viên nữa nên tổng kinh phí cho việc này có thể lên đến 7 tỷ đồng" - đại diện một đơn vị tổ chức biên soạn SGK mới chia sẻ.

Một tổng chủ biên SGK cũng lo ngại vì "số tiền lớn như thế và rủi ro lại rất cao. Trong cạnh tranh không thể nói trước điều gì. Liệu các đơn vị xuất bản có sẵn sàng đầu tư kinh phí cấp SGK mẫu đến tận tay giáo viên, phụ huynh - những người sẽ có tiếng nói trong việc chọn SGK không?".

Trong khi đó, chia sẻ với phóng viên, nhiều giáo viên và hiệu trưởng đều mong muốn "được nhìn thấy SGK thì nói gì mới nói chuẩn được".

Trước đó, theo ông Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, thì Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo công khai biên bản thẩm định SGK và chế bản các bản SGK mẫu trên mạng để các nhà trường, giáo viên, phụ huynh tiếp cận, có thông tin đầy đủ khi SGK.

Tuy nhiên, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ Giáo dục và Dào tạo - cho biết biên bản thẩm định có những môn lên đến vài chục trang và nhiều nội dung mang tính kỹ thuật cần phải biên tập lại mới công bố được. Còn việc công bố chế bản sách giáo khoa động chạm đến các quy định pháp luật khác như quyền sở hữu trí tuệ, Luật Xuất bản nên sẽ khó thực hiện.

Trong dự thảo thông tư hướng dẫn chọn sách giáo khoa có nêu UBND cấp tỉnh bảo đảm nguồn kinh phí để các cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức lựa chọn sách giáo khoa. Tuy nhiên quy định này chung chung nên việc các tỉnh có hay không quyết việc cấp kinh phí mua sách giáo khoa mẫu vẫn chưa chắc chắn.

Bà Trần Thị Khuyên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Hội, Đức Trọng, Lâm Đồng cho biết trước khi dự thảo công bố thì Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản đề nghị các trường đăng ký để sở mua SGK mẫu cho các trường tiếp cận soạn bài, dạy thử. Nhưng một số lãnh đạo các sở giáo dục và đào tạo khác vẫn lúng túng khi cho rằng phải "chờ ý kiến cấp trên".

Liệu có cần "trọng tài"?

Theo dự thảo, số lượng thành viên hội đồng chọn SGK của các trường phải là số lẻ, tối thiểu là 11 người, trong đó có ít nhất 2/3 là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên.

Dự thảo quy định việc quyết định SGK sẽ dựa trên hình thức bỏ phiếu kín. Trong đó, SGK được chọn phải có trên 50% số thành viên của hội đồng bỏ phiếu lựa chọn. Có ý kiến băn khoăn nếu như với tất cả các SGK đều không đạt được trên 50% thành viên của hội đồng bỏ phiếu lựa chọn thì phải làm thế nào?

"Nếu ý kiến bị phân tán quá, đúng là hiệu trưởng sẽ bị làm khó. Nhất là thông tư hướng dẫn không lường đến việc này thì liệu có thể quy định rõ hơn ai sẽ là "trọng tài" quyết định và việc vận dụng tiêu chí chọn SGK như thế nào để có thể quyết định SGK trong trường hợp số phiếu giữa các bộ SGK tương đương?" - một hiệu trưởng chia sẻ.

Về điều này, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc đề án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạocho rằng "khi ý kiến phân tán thì phải họp để phân tích vấn đề, thảo luận lại".

Liên quan đến việc chọn SGK, cũng có những băn khoăn về việc có hay không "chỉ đạo ngầm" từ cấp trên với các hội đồng chọn SGK. Việc "vận động hành lang" để định hướng cho các trường trong việc chọn SGK  phù hợp ở mức nào thì chấp nhận được, mức nào thì phạm quy?

Ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng: "Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ ban hành tiêu chí chọn SGK, tạo điều kiện để các nhà trường tiếp cận được các SGK mẫu để có thông tin đầy đủ, minh bạch về SGK chứ không được phép "vận động, gợi ý, chỉ đạo" việc chọn SGK nào. Nếu vi phạm việc này thì thanh tra sẽ phải vào cuộc xử lý".

Vụ 16 triệu USD biên soạn 1 bộ SGK: Đang đàm phán để tái cấu trúc kinh phí dự án

16 triệu USD để biên soạn một bộ SGK do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức đang ở đâu khi bộ không trực tiếp tổ chức biên soạn SGK nữa là chuyện dư luận đang quan tâm trong những ngày qua.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành cho biết dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP) có sử dụng vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới là 77 triệu USD, trong đó 16 triệu USD được thiết kế để Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ SGK mới. Số tiền này được dùng để trả thù lao cho tác giả, tổ chức triển khai biên soạn, biên tập, thực nghiệm và thẩm định SGK. Ngoài ra, có một phần kinh phí làm SGK song ngữ tiếng dân tộc thiểu số, SGK chữ nổi phục vụ cho học sinh khiếm thị.

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức biên soạn SGK theo thiết kế ban đầu của dự án mà tổ chức việc biên soạn SGK theo phương án xã hội hóa, không dùng ngân sách nhà nước đã tiết kiệm được khoản kinh phí này (hiện vẫn đang là thiết kế ban đầu của dự án, chưa được giải ngân từ Ngân hàng Thế giới).

Dự án đang trong kỳ đánh giá cuối năm và Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đàm phán với Ngân hàng Thế giới để tái phân bổ cho các hoạt động cần thiết khác trong giai đoạn đầu triển khai chương trình mới như: biên soạn tài liệu hướng dẫn, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá và tổ chức bồi dưỡng khoảng 900.000 giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; mua SGK cho thư viện của các trường phổ thông vùng khó khăn để học sinh được mượn sách học. Các nội dung này hiện trong thiết kế dự án nhưng so với nhu cầu của thực tiễn thì thiếu nhiều.

Để được thực hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đàm phán với Ngân hàng Thế giới về việc tái cấu trúc kinh phí dự án. Tất cả các vấn đề liên quan đến kinh phí của dự án đều phải được sự chấp thuận và giám sát của Ngân hàng Thế giới, quy chế của Bộ Tài chính và hệ thống pháp luật, thanh tra, kiểm toán.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chọn sách giáo khoa: Ai chi tiền tỷ sách mẫu, phân định sao nếu không sách nào ''quá bán''?