Du học sinh phải rời Mỹ nếu trường dạy online: Các trường sẽ đổi phương án?

08/07/2020 10:56

Chính sách mới của Mỹ đối với các du học sinh được đánh giá là "một giải pháp cứng nhắc cho một vấn đề phức tạp", và gây ra thêm những hỗn loạn và bất ổn.

Một sinh viên nước ngoài chuẩn bị rời khỏi ký túc xá một trường đại học ở California để về nước - Ảnh: AFP

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa có một thông báo đáng chú ý, cảnh báo các sinh viên nước ngoài đang theo học tại Mỹ sẽ phải về nước nếu trường họ chuyển sang học trực tuyến hoàn toàn.

Các du học sinh sẽ phải rời khỏi Mỹ nếu trường họ kể từ mùa thu này chỉ dạy online. Hoặc nếu muốn ở lại, họ sẽ phải chuyển sang các cơ sở giáo dục khác vẫn còn giảng dạy trực tiếp. Đây là những nội dung thông báo cốt lõi do Cơ quan Thực thi hải quan và di trú Mỹ (ICE) công bố ngày 6.7.

Ai sẽ bị ảnh hưởng?

ICE sẽ không cho những người có visa sinh viên được ở lại Mỹ nếu trường họ chuyển sang học trực tuyến hoàn toàn trong học kỳ bắt đầu từ mùa thu năm nay. Học kỳ mùa thu ở Mỹ thường bắt đầu từ cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9 và kết thúc vào cuối tháng 12 hoặc đầu tháng 1 năm sau.

Theo đó, nếu trường đã chuyển hoàn toàn sang dạy trực tuyến, các du học sinh hoặc phải chuyển sang trường khác, hoặc phải rời khỏi Mỹ, nếu không có thể bị trục xuất. ICE yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ không cấp visa cho những sinh viên đăng ký nhập học tại các trường/các chương trình dạy online hoàn toàn trong học kỳ mùa thu. 

Cơ quan Hải quan và bảo vệ biên giới (CBP) Mỹ cũng được yêu cầu không cho phép những sinh viên này nhập cảnh.

Tới nay, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến nóng tại Mỹ, các trường đại học (ĐH) cũng bắt đầu công bố kế hoạch học kỳ mùa thu 2020. Nhiều trường đã chuyển đổi sang hình thức dạy trực tuyến. Chẳng hạn, ngày 6.7, ĐH Harvard thông báo sẽ dạy online trong năm học 2020-2021 cho tất cả sinh viên, kể cả những sinh viên đang sống tại học xá của trường.

"Có quá nhiều bất trắc. Thật hết sức mệt mỏi - chị Valeria Mendiola, 26 tuổi, sinh viên Trường Harvard Kennedy, chia sẻ với Đài CNN - Nếu phải trở về Mexico, với tôi thì có thể nhưng nhiều sinh viên quốc tế thì không thể".

Trong khi đó, nghiên cứu sinh Cao Bảo Anh tại ĐH Harvard cho biết anh không quá lo lắng về chính sách mới vì tin tưởng mỗi trường ĐH sẽ có kế hoạch riêng. Bảo Anh tin là Trường Harvard cũng như nhiều trường ĐH khác ở Mỹ sẽ có những thay đổi để ứng phó phù hợp với chính sách mới.

Thông báo của ICE áp dụng với những người đang sở hữu các loại visa F-1 và M-1 vốn là visa cho các du học sinh theo học những ngành học thuật và học nghề. Trong tài khóa 2019, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cấp 388.839 visa F và 9.518 visa M.

Chính sách mới không ảnh hưởng tới những sinh viên đang theo học các lớp dạy trực tiếp. Nó cũng không ảnh hưởng tới các sinh viên có visa F-1 đang theo học online một phần trong chương trình khóa học, miễn là trường của họ xác nhận việc truyền thụ kiến thức cho sinh viên đó không hoàn toàn là online. 

Các sinh viên theo chương trình học nghề có visa M-1 và các sinh viên theo học chương trình đào tạo ngôn ngữ tiếng Anh có visa F-1 sẽ không được phép tham gia các khóa học online.

Theo Đài BBC, Chương trình sinh viên và trao đổi khách mời (SEVIS) do ICE điều hành cũng đã cho phép các sinh viên nước ngoài tiếp tục các khóa học mùa xuân và mùa hè 2020 online trong khi vẫn ở lại trong nước.

Nguồn thu chính của nhiều đại học Mỹ

Trên thực tế sinh viên nước ngoài là nguồn thu nhập chính với nhiều trường ĐH ở Mỹ vì họ thường đóng học phí toàn phần (full tuition). Theo thống kê của Bộ Thương mại Mỹ, trong năm 2018 sinh viên nước ngoài đã đóng góp 45 tỷ USD cho nền kinh tế xứ cờ hoa.

Trong thông cáo ngày 6.7, ICE cũng đề xuất các sinh viên hiện đang học ở Mỹ nên cân nhắc phương án chuyển sang các trường có giảng dạy trực tiếp. Hoặc họ cũng có thể xem xét trường hợp ngoại lệ dành cho những trường ĐH sử dụng mô hình "lai", tức là kết hợp các lớp online và học trực tiếp. 

Tuy nhiên theo CNN, phương án này cũng không dễ thực hiện, nhất là trong bối cảnh những lo ngại về dịch bệnh ở Mỹ gia tăng, ngày càng nhiều trường chuyển sang dạy online.

Chính sách mới liên quan tới các du học sinh là động thái mới nhất trong một loạt chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump thời gian qua nhằm siết chặt quản lý với hoạt động di trú hợp pháp và bất hợp pháp trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Trao đổi với Đài CNN, ông Brad Farnsworth, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Mỹ, một tổ chức đại diện cho khoảng 1.800 trường ĐH, CĐ ở Mỹ cho biết thông báo của ICE khiến ông và nhiều người khác bất ngờ. 

"Chúng tôi nghĩ điều này sẽ gây ra thêm những hỗn loạn và bất ổn" - ông nói, đồng thời cho biết các chuyên gia và cơ sở giáo dục vẫn đang đánh giá thêm về sự việc.

Trong thông cáo phát đi tối 6.7, Chủ tịch ĐH Harvard, ông Larry Bacow, bày tỏ lo ngại chính sách mới của ICE sẽ áp đặt một giải pháp cứng nhắc cho một vấn đề phức tạp liên quan tới các du học sinh quốc tế. 

"Chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với các trường ĐH, CĐ khác trên cả nước để vạch ra một lộ trình phía trước" - ông Larry Bacow nói.

Siết visa

Trong tháng 6, Washington đã dừng cấp visa làm việc cho một loạt đối tượng nhập cư hợp pháp vì cho rằng họ đang cạnh tranh việc làm với các công dân Mỹ. Chính quyền của ông Trump cũng đã dừng tiếp nhận những người xin cơ chế tị nạn ở khu vực biên giới phía nam với Mexico, với lý do phòng ngừa nguy cơ dịch bệnh COVID-19.

Bao nhiêu sinh viên quốc tế bị ảnh hưởng?

Hiện chưa rõ sẽ có bao nhiêu trường hợp có visa sinh viên bị ảnh hưởng trong chính sách mới của Mỹ, Đài CNN ước tính có thể là hàng nghìn. Theo Viện Chính sách di trú - một tổ chức nghiên cứu tại Washington, D.C., có khoảng 1,2 triệu sinh viên có visa thuộc diện bị ảnh hưởng trong chính sách mới đã đăng ký nhập học tại hơn 8.700 trường trên toàn nước Mỹ tính tới tháng 3.2018.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Du học sinh phải rời Mỹ nếu trường dạy online: Các trường sẽ đổi phương án?