Giáo viên trường nghề vất vả tuyển sinh

05/07/2020 10:32

Để hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh, giáo viên các trường nghề không còn được ngồi một chỗ chờ học sinh mang hồ sơ đến đăng ký mà phải "đi từng ngõ, gõ từng nhà". Tự thân các trường cũng phải linh động tìm giải pháp để thu hút học sinh, sinh viên.

Cán bộ Trường Cao đẳng Công thương Hải Dương tư vấn cho phụ huynh học sinh tại Trường THCS Cẩm Vũ (Cẩm Giàng) việc chọn ngành nghề cho con 

Hiệu trưởng ra tay

7-8 năm về trước, việc tuyển sinh ở Trường Cao đẳng Công thương Hải Dương (Bộ Công thương) diễn ra thuận lợi. Trường chỉ tuyển sinh từ tháng 7 đến tháng 9 hằng năm là đủ chỉ tiêu, thậm chí vượt, phải xin bộ cho thêm chỉ tiêu. Cán bộ tuyển sinh chỉ vài người, ngồi tại văn phòng và đợi học sinh mang hồ sơ đến nộp.

"Mấy năm nay thì khác rồi, việc tuyển sinh khó gấp bội phần. Giờ trường tuyển sinh quanh năm mà vẫn không đủ chỉ tiêu. Năm 2019, chúng tôi đặt mục tiêu tuyển 350 sinh viên cao đẳng. Anh em đã cố gắng rất nhiều nhưng cuối cùng chỉ thực hiện được 80%", Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp Trường Cao đẳng Công thương Hải Dương Đỗ Thế Thành giãi bày.

Công tác tuyển sinh ở Trường Cao đẳng Công thương Hải Dương giờ không chỉ là nhiệm vụ của riêng Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp mà là trách nhiệm của tất cả cán bộ, giáo viên và người lao động, kể cả hiệu trưởng. Ngoài việc phối hợp với các cơ quan báo chí để tuyên truyền, tận dụng mạng xã hội để truyền thông, tư vấn tại các trường, đơn vị còn cử cán bộ, giáo viên "đi từng ngõ, gõ từng nhà". Trung tâm trên thu thập thông tin về học sinh tại các địa phương, sau đó trường sẽ phân công vùng tuyển sinh cho từng người. Hằng ngày, sau khi kết thúc giờ làm việc tại trường, các nhân viên, giáo viên lại tỏa đi khắp các địa bàn được xác định là trọng điểm tuyển sinh ở trong tỉnh như Cẩm Giàng, Bình Giang, Gia Lộc, Ninh Giang, hay sang cả tỉnh ngoài như Lương Tài (Bắc Ninh), Mỹ Hào (Hưng Yên)... Họ lần theo địa chỉ, đến từng nhà để tư vấn thông tin.         

Tuy nhiên, việc đến nhà dân để tư vấn tuyển sinh cũng rất khó khăn bởi đa phần phụ huynh học sinh đều đi làm ở các doanh nghiệp, tối mới về nhà. Nhiều khi để gặp được phụ huynh, người đi tuyển sinh phải đợi đến 21-22 giờ, tư vấn xong ra về cũng 23 giờ. Có những nhà đến mấy lượt mới gặp được. Chị Nguyễn Phương Thúy, giáo viên Trường Cao đẳng Công thương Hải Dương chia sẻ: "Từ chiều đến đêm chỉ gặp được 5-7 hộ. Hôm nào thành công thì được 2-3 hộ đồng ý cho con theo học trường mình, nhiều hôm ra về trắng tay. Có lần tôi đi tư vấn đến 1 giờ sáng mới về đến nhà. Con cái phải nhờ bố mẹ và chồng chăm sóc". Đồng nghiệp của chị Thúy đi tuyển sinh ở các địa bàn khác còn bị ngã xe, chó cắn...

Việc tuyển sinh ở Trường Cao đẳng Du lịch và Thương mại Hải Dương cũng gặp nhiều khó khăn. Ngoài duy trì hình thức tuyển sinh trực tuyến, trường này cũng cử cán bộ, giáo viên đến các địa phương để thu hút học sinh, sinh viên như ở Trường Cao đẳng Công thương Hải Dương. Thế nên mới xảy ra chuyện cán bộ 2-3 trường nghề cùng lúc vào một nhà để tư vấn tuyển sinh. Địa chỉ gia đình học sinh do trường THCS cung cấp nhưng khi tới tìm không dễ, hỏi nhiều người không biết vì họ mới ở nơi khác về. Có những gia đình không tiếp cán bộ tuyển sinh vì họ nghĩ là đến bán hàng đa cấp, bán bảo hiểm. Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch và Thương mại Hải Dương Nguyễn Quang Hồng cho biết: "Có một trường hợp gia đình ở thị trấn Cẩm Giang tôi phải đích thân xuống gặp gỡ, tư vấn tuyển sinh mới thành. Giáo viên trước đó nhiều lần đến nhưng đều bị xua đuổi".

Không ít sinh viên Trường Cao đẳng Du lịch và Thương mại Hải Dương mới học được một thời gian nhưng đã nấu ăn rất tốt

Làm gì để thu hút người học?

Những năm gần đây, việc tuyển sinh ở các trường nghề gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do số lượng các trường nghề trên cả nước nhiều, học sinh có nhiều lựa chọn. Sau tốt nghiệp, nhiều em chọn đi xuất khẩu lao động, du học, thi đại học... nên không ít trường nghề rơi vào cảnh không còn hoặc có rất ít học sinh, sinh viên theo học...

Giữa những khó khăn như thế, các trường nghề trên địa bàn tỉnh phải linh hoạt tìm ra những giải pháp hiệu quả để thu hút người học. Trong đó, cam kết tìm việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi ra trường là giải pháp đặt lên hàng đầu để hút sinh viên. Gần 10 năm nay, Trường Cao đẳng Công thương Hải Dương đã hợp tác với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn để đào tạo, cung ứng nhân lực. Trường cử giáo viên đến các công ty, tập đoàn để trải nghiệm công việc, từ đó định hướng việc làm cho học sinh, sinh viên. Học sinh mỗi khóa có từ 3-6 tháng trực tiếp thực tập tại các doanh nghiệp. Tại lễ trao bằng tốt nghiệp, trường phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức ngày hội tư vấn, giới thiệu việc làm. Ngoại trừ những em không có nguyện vọng, còn lại phần lớn đều tìm được việc làm. 

Trường Cao đẳng Du lịch và Thương mại Hải Dương cũng cam kết giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi ra trường. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã được trường liên hệ để nắm bắt nhu cầu và đào tạo ngành nghề phù hợp. Trường này còn tư vấn, giới thiệu việc làm thêm cho sinh viên ngay khi còn đang học. Không ít em mới học được một thời gian nhưng đã nấu ăn rất tốt. Trường giới thiệu cho sinh viên việc làm thêm để vừa có chi phí học tập, vừa hỗ trợ gia đình. Có em thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng.

BÌNH MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giáo viên trường nghề vất vả tuyển sinh