Học sinh có vấn đề trong học tập do cách thức thi

28/09/2019 11:03

Ở những trường sử dụng đa dạng phương thức tuyển sinh, tỷ lệ chỉ tiêu dành cho việc xét điểm kỳ thi quốc gia vẫn chiếm chủ yếu.


Cần thay đổi cách thức thi THPT quốc gia để ''học thật''

Ngay cả những đơn vị đã tự đứng ra tổ chức được kỳ thi riêng bằng kỳ thi đánh giá năng lực như Đại học (ĐH) Quốc gia TP Hồ Chí Minh thì đơn vị này vẫn dành phần lớn chỉ tiêu cho kỳ thi chung quốc gia. Trong thời gian tới, kỳ tuyển sinh năm 2020, việc các trường không sử dụng kết quả kỳ thi này cũng chưa thể xảy ra.

Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh), kỳ thi THPT quốc gia dù có các năm bộc lộ những điểm hạn chế nhưng vẫn có giá trị nhất định.

“Nếu cơ quan nhà nước tổ chức tốt được kỳ thi chung thì có lợi cho xã hội vì vẫn cần thước đo chung cho Việt Nam. Quan trọng là cách thức tổ chức như thế nào để khoa học, bảo đảm độ tin cậy”, ông Chính nói. Theo ông Chính, không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia vẫn đang thực hiện một kỳ thi chung quốc gia để làm căn cứ xét vào ĐH như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan…

Mặt khác, tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính cho rằng không phải trường ĐH nào cũng đủ sức tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh. Trong bối cảnh có trường đủ năng lực, trường chưa đủ năng lực để tổ chức kỳ thi riêng thì vẫn cần một thang đo để đánh giá người học.

Ông Chính nhấn mạnh: “Như kỳ thi đánh giá năng lực là cần thiết cho ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh và một số trường nhằm chọn lựa người học theo hướng năng lực. Kỳ thi này được xem như thang đo riêng của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh nhưng vẫn sử dụng đồng thời nhiều phương thức khác nhau, trong đó có kỳ thi quốc gia. Bởi lẽ, khi kỳ thi quốc gia vẫn là lựa chọn chính của người học thì kết quả kỳ thi vẫn là phương thức quan trọng”.

Theo ông Chính, trong tương lai, tùy điều kiện cụ thể và đặc thù tuyển sinh từng ngành, tỷ lệ chỉ tiêu cho từng phương thức chung hoặc riêng sẽ được điều chỉnh phù hợp hơn. Việc thay đổi kỳ thi THPT quốc gia thời gian tới cần hướng tới giúp học sinh “học thật”. Ông Chính nói: “Gần đây, việc học của học sinh để phục vụ cho kỳ thi này đang có nhiều vấn đề. Các vấn đề này bị tác động từ cách thức thi. Do vậy, cần điều chỉnh cách thi, đề thi để học sinh học thật, học để nhớ bài - điều mà kỳ thi hiện nay chưa được yêu cầu”.

Còn tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Nếu yêu cầu tất cả các trường đều phải có kỳ thi riêng sẽ không ổn. Việc này cần có thời gian và lộ trình hợp lý. Vì vậy, trước mắt vẫn cần một kỳ thi có chuẩn chung”.

Theo Thanh niên

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Học sinh có vấn đề trong học tập do cách thức thi